Trường ĐH TDTT II mong muốn được bổ sung thêm chỉ tiêu tuyển sinh (26/07/2006)

Kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2006 trên toàn quốc đã kết thúc. Nhìn lại công tác tuyển sinh vừa qua, Phóng viên Trang tin điện tử Ủy ban TDTT đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Quang Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH TDTT II, Chủ tịch HĐTS năm học 2006 - 2010.

Kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2006 trên toàn quốc đã kết thúc. Nhìn lại công tác tuyển sinh vừa qua, Phóng viên Trang tin điện tử Ủy ban TDTT đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Quang Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH TDTT II, Chủ tịch HĐTS năm học 2006 - 2010.

Thưa ông, kỳ tuyển sinh Đại học năm nay được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là sau những tiêu cực về thi cử đã được báo chí nêu lên trong thời gian qua. Xin ông vui lòng cho biết một số đánh giá của mình về kỳ thi tuyển Đại học vừa qua?

Kỳ thi tuyển sinh của trường ĐH TDTT II vừa qua so với năm trước có sự tăng trưởng về mặt quy mô và số lượng thí sinh dự thi. Năm ngoái, lượng thí sinh dự thi ngày đầu khoảng 2.400 em, còn năm nay là hơn 2.740 em và đến buổi thi chiều còn 2.705 em. Sở dĩ số lượng tăng là do có sự tham gia của một số thí sinh ở khu vực phía bắc (quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tuyển sinh toàn quốc).

Do có số thí sinh dự thi tăng nên công tác chuẩn bị cũng phải hết sức chu đáo. Việc phát phiếu báo dự thi kiêm thẻ dự thi, lên danh sách và công tác chuẩn bị các nội dung thi năng khiếu tương đối kỹ. Trong quá trình thực hiện từ ngày đón thí sinh cho đến ngày thi văn hóa, năng khiếu được đảm bảo nhanh, gọn, an toàn. Chỉ có một sự cố nhỏ là danh sách thí sinh in ra không đúng với dữ liệu ban đầu và đã được điều chỉnh ngay. Đó là do lỗi kỹ thuật, việc ra lệnh in bị chèn vào 3 em bổ sung sau.

Riêng nội dung thi năng khiếu, chúng tôi đã tổ chức thi rất khoa học. Các phiếu chấm thi được cải tiến và được vi tính hóa, không có một khâu thủ công nào trong việc chuẩn bị các hồ sơ thi năng khiếu. Nội dung thi năng khiếu cũng được cải tiến rất nhiều. Những môn thí sinh đăng ký dự thi đông như Bóng đá, Điền kinh cũng được tăng cường và chọn lọc để nhằm đánh giá tương đối chính xác khả năng thực tế của các thí sinh.

Nhìn chung, công tác tuyển sinh năm nay, so với các năm trước được chuẩn bị tương đối chu đáo. Các khâu tuyển sinh được tổ chức tương đối khoa học, nhanh gọn, đồng thời đảm bảo tính chính xác, công bằng, đặc biệt là an toàn cho toàn kỳ tuyển sinh.

Có thể nói kỳ tuyển sinh của trường ĐH TDTT II trong năm học này là một sự thành công lớn cả về số lượng thí sinh đăng ký dự thi cũng như việc các thí sinh đã tuân thủ tốt kỷ luật phòng thi. Điều này có được một phần nhờ vào năng lực và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ coi thi. Ông có đánh giá gì về công tác tuyển chọn đội ngũ cán bộ coi thi của trường ĐH TDTT II ?

Đội ngũ cán bộ coi thi văn hóa là lực lượng được phối hợp giữa giáo viên trong biên chế của trường. Chỉ có giáo viên trong biên chế mới được bố trí là cán bộ coi thi thứ nhất. Còn cán bộ coi thi thứ 2 là giáo viên của trường được hợp đồng làm địa điểm thi. Tất cả đều là cán bộ, giảng viên nên việc phổ biến quy chế thi được quán triệt theo đúng quy định của Bộ, đồng thời, nghiệp vụ trông thi cũng tốt hơn các đối tượng khác. Nhà trường không sử dụng các đối tượng là sinh viên để coi thi.

Phần thi chuyên môn năng khiếu là đặc thù riêng của trường và có sự đóng góp nhất định của các sinh viên nhà trường. Ông có thể cho biết một vài ý kiến về sự đóng góp này?

Đối với nội dung thi năng khiếu, ngoài việc thể hiện ngay năng khiếu bản thân, để có được kết quả chính xác, công bằng trong những điều kiện thi giống nhau, chúng tôi đã chọn lựa các sinh viên có trình độ chuyên môn tốt phục vụ công tác tuyển sinh. Ví dụ như: Cầu lông, Bóng bàn với nhiệm vụ đưa cầu, bóng hoặc Bóng đá là thị phạm hay các môn khác như Thể dục..v.v. đều có những sinh viên tích cực hướng dẫn giúp cho các thí sinh thực hiện tốt bài thi của mình.

Thưa ông, trong kỳ thi vừa rồi có bao nhiêu thí sinh đã phải ngừng nội dung thi năng khiếu vì chấn thương?

Đối với chấn thương không mong muốn xảy ra với các thí sinh ở phần thi năng khiếu chỉ có một trường hợp duy nhất (môn Cầu lông) do bị trật khớp chân cổ chân nhẹ. Còn các môn khác không có trường hợp nào bị chấn thương.

Với cương vị là Hiệu trưởng trường ĐH TDTT II, đồng thời là Chủ tịch HĐTS, ông có kiến nghị gì để công tác tuyển sinh trong những năm tới đạt hiệu quả cao hơn?

Thật sự mà nói, số lượng thí sinh đăng ký dự thi hàng năm đang có sự phát triển và nhu cầu cán bộ TDTT của các địa phương là rất lớn, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh không chỉ phía Nam và còn trên toàn quốc bị khống chế. Trường ĐH TDTT II chỉ được phân bổ 300 chỉ tiêu. Điều này là một nghịch lý với nhu cầu. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn Ủy ban TDTT và Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu lại quy mô, số lượng đạo tạo cũng như ngành đào tạo đối với đội ngũ cán bộ TDTT trong tương lai. Vì vẫn giữ chỉ tiêu như hiện nay thì đội ngũ cán bộ TDTT sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển đến năm 2015.

Thứ hai, đối với công tác tuyển sinh, đặc biệt là nội dung thi năng khiếu, thời gian vừa qua, việc phong cấp kiện tướng và Cấp I cho các VĐV của ngành TDTT quá nhiều, dẫn đến tình trạng VĐV kiện tướng và Cấp I ở nhiều môn khác nhau có được điểm ưu tiên. Kiện tướng được tuyển thẳng, VĐV Cấp I được miễn thi năng khiếu (đương nhiên được 20 điểm). Một số VĐV Cấp I nộp hồ sơ dự thi được miễn những không thuộc ngành đào tạo. Ví dụ, có những kiện tướng, VĐV Cấp I thuộc những môn như: Bi sắt, Đá cầu, Đua thuyền hay Xe đạp nhà trường không có chuyên ngành đào tạo. Cuối cùng phải chọn một môn gần giống với môn đó để các em tham gia thi. Công tác đào tạo sắp tới theo hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đổi mới giáo dục bậc Đại học ở Việt Nam thì các trường thể thao cũng phải đổi mới. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu đào tạo theo tín chỉ để đảm bảo được kiến thức và phù hợp với sự phát triển của công tác đào tạo cán bộ TDTT trong tương lai.

Xin cám ơn ông và chúc trường ĐH TDTT II sẽ tuyển chọn được những sinh viên xuất sắc trong năm học tới.

T.Dương



 

Ảnh trong bài
  • Trường ĐH TDTT II mong muốn được bổ sung thêm chỉ tiêu tuyển sinh (26/07/2006)