Bắn súng Việt Nam cần một hành lang rõ ràng của ngành TDTT về vấn đề xã hội hóa.(28/08/2006)

Bắn súng là môn thể thao có nhiều nội dung thi đấu và nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp lãnh đạo ngành Thể dục Thể thao. Hơn nữa đây còn là môn truyền thống và có bề dày lịch sử, các VĐV Bắn súng đã mang về cho đất nước nhiều tấm huy chương danh giá. Nhân Giải Vô địch Bắn súng toàn quốc lần thứ 42, phóng viên Trang tin điện tử Uỷ ban Thể dục Thể thao đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Văn Hùng - Tổng thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam xung quanh những vấn đề này.

Bắn súng là môn thể thao có nhiều nội dung thi đấu và nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp lãnh đạo ngành Thể dục Thể thao. Hơn nữa đây còn là môn truyền thống và có bề dày lịch sử, các VĐV Bắn súng đã mang về cho đất nước nhiều tấm huy chương danh giá. Nhân Giải Vô địch Bắn súng toàn quốc lần thứ 42, phóng viên Trang tin điện tử Uỷ ban Thể dục Thể thao đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Văn Hùng - Tổng thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam xung quanh những vấn đề này.

Xin ông cho biết, Giải Vô địch Bắn súng năm nay có gì khác các năm trước?

Giải Vô địch Bắn súng toàn quốc là giải có truyền thống và thâm niên trong hệ thống thi đấu các môn thể thao trên toàn quốc và đây là giải thi đấu cuối cùng trong toàn bộ hệ thống thi đấu quốc gia ở môn này. Giải Bắn súng lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì nằm trong chương trình Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V. Với 48 bộ huy chương các loại, giải sẽ có nhiều cơ hội hơn cho các đoàn, các VĐV đạt thành tích tốt. Một điều quan trọng nữa là ngoài nhiệm vụ trên, chúng ta sẽ tuyển chọn một lực lượng VĐV xuất sắc nhất để tham dự ASIAD 15 tổ chức tại Qatar cuối năm nay.

Cho đến thời điểm này, các địa phương đã chuẩn bị như thế nào cho giải Vô địch Bắn súng toàn quốc này, thưa ông?

Là giải đấu lớn nằm trong chương trình Đại hội TDTT toàn quốc (5 năm mới tổ chức một lần), do đó, công tác chuẩn bị của các địa phương được tiến hành chu đáo, ngay cả từ khâu nhỏ nhất như đưa VĐV đến địa điểm thi đấu sớm để làm quen với trường bắn. Hơn nữa, một điều nổi bật là lãnh đạo các địa phương đã có sự quan tâm đến Bắn súng thông qua việc trang bị các dụng cụ tập luyện và thi đấu như: súng, đạn cùng trang phục mới. Đặc biệt, các đoàn đều chuẩn bị lực lượng VĐV xuất sắc nhất của mình tham dự giải đấu. Điều này chắc chắn sẽ mang lại cho giải đấu sự cạnh tranh mạnh mẽ.

Ông đánh giá như thế nào về mặt bằng chung của Bắn súng Việt Nam và cuộc cạnh tranh sẽ diễn ra như thế nào tại giải này?

Tôi cho rằng môn thể thao nào cũng mang tính truyền thống. Trong thời gian ngắn khó có thể xây dựng được lực lượng VĐV có chất lượng tốt. Do vậy, theo dự đoán của chúng tôi, những đoàn có phong trào mạnh như: Hà Nội, Quân đội sẽ chiếm ưu thế. Tốp thứ hai sẽ là Hải Dương, Hải Phòng, Bộ Công an. Đây là những đội có vị trí nhất định qua các giải đấu trước đây và lần này họ sẽ vẫn khẳng định ưu thế của mình.

Thưa ông, vậy tiềm năng và cơ hội của Bắn súng Việt Nam tại ASIAD lần này là như thế nào?

ASIAD là đấu trường châu lục và có tính cạnh tranh rất cao, đòi hỏi các VĐV phải có trình độ kỹ thuật tốt, tâm lý thi đấu rất ổn định. Đặc biệt với Bắn súng, chỉ cần run một chút là đã có thể đánh mất HCV. Do vậy, các VĐV Bắn súng phải được thi đấu, cọ xát thường xuyên mới có thể duy trì và nâng cao được thành tích của mình.

Tính đến nay, thành tích cao nhất mà Bắn súng Việt Nam giành được ở đấu trường Châu lục mới là HCB của Nguyễn Mạnh Tường ở ASIAD 10 tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc) và HCĐ của Quốc Cường ở ASIAD 12 tại New Delhi. ASIAD lần này, chúng tôi hy vọng đội tuyển Bắn súng giữ vững được thành tích đó nhưng sẽ tăng về số lượng huy chương. Chúng ta phải hướng đến tầm vóc châu lục và thế giới. Do đó, Bắn súng Việt nam cần phải có sự đầu tư quy mô về cả công tác đào tạo VĐV trẻ và xây dựng lực lượng VĐV nòng cốt.

Để đạt được mục tiêu như ông vừa nói, Liên đoàn Bắn súng đã và đang có những giải pháp như thế nào?
Lãnh đạo Ủy ban Thể dục Thể thao cùng Liên đoàn Bắn súng Việt Nam đã và đang tiến hành thực hiện chương trình đầu tư có trọng điểm cho các VĐV Bắn súng. Đây là một tin vui đối với môn Bắn súng. Chúng ta biết rằng trong các môn thể thao thì Bắn súng là môn phải bao cấp từ súng, đạn và các trang thiết bị khác. Do chúng có giá thành rất đắt, vì thế, nếu thiếu sự quan tâm của lãnh đạo, sự động viên cổ vũ của quần chúng thì Bắn súng khó tồn tại được. Do đó, sự quan tâm của Ngành Thể dục Thể thao đến tới từng địa phương, từng VĐV trẻ đạt thành tích sẽ giúp Bắn súng ngày càng phát triển. Nếu không có lực lượng trẻ kế cận thì chúng ta sẽ thiếu hụt lực lượng và không thể có thành tích tốt.

Thưa ông, ông đã từng nói Bắn súng cũng như các môn thể thao khác rất cần đến xã hội hóa, rất cần đến sự quan tâm của các đơn vị tài trợ để có nhiều giải hay hơn, nhiều cơ hội hơn cho các VĐV. Vậy chúng ta đã tiến hành công tác này được đến đâu?

Xã hội hoá các môn thể thao không phải một sớm một chiều là thực hiện được. Nó đòi hỏi một quá trình vận động của toàn xã hội. Trong khi đó, Bắn súng lại là môn có tính chất đặc thù, là môn thể thao tĩnh nên sự cổ động náo nhiệt của khán giả như: Bóng đá, bóng chuyền, võ... nên công tác xã hội hoá càng khó khăn. Đây là môn khó thu hút khán giả nên không thể bán vé thu tiền được. Vì vậy, chúng tôi rất cần sự ủng hộ của quần chúng. Thời gian vừa qua, chúng tôi đã tìm ra những giải pháp thiết thực, phù hợp như: tìm những nhà tài trợ, những người yêu thích môn thể thao này và mời họ vào Liên đoàn để có thể nhận được sự ủng hộ lâu dài, đảm bảo cho Bắn súng phát triển. Tôi hy vọng ngành Thể dục Thể thao sớm có một hành lang rõ ràng về vấn đề xã hội hóa cho Bắn súng. Có như vậy, môn thể thao này sẽ có những bước phát triển và đạt được những thành công trên đấu trường châu lục và thế giới.

Xin cám ơn ông!

T.Dương 






 

Ảnh trong bài
  • Bắn súng Việt Nam cần một hành lang rõ ràng của ngành TDTT về vấn đề xã hội hóa.(28/08/2006)