Dự kiến, đoàn thể thao Việt Nam sẽ tham dự ASIAD 15 với 25 môn và chỉ tiêu giành 4-6 HCV được đặt vào 5 môn thể thao mũi nhọn. Trong đó có Karatedo - môn thể thao thế mạnh của Việt Nam có nhiều khả năng giành HCV tại sân chơi lớn của Châu Á. Để tìm hiểu về đội tuyển Karatedo trước thềm ASIAD 15, phóng viên Trang tin điện tử Uỷ ban TDTT đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Sơn Hà - Trưởng bộ môn Karatedo Uỷ ban TDTT.
* Tham gia ASIAD 15, Bộ môn và BHL Karatedo đã đặt chỉ tiêu như thế nào, thưa ông?
Karatedo là một trong những môn thể thao thế mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tham gia ASIAD lần này, Bộ môn và BHL Karatedo đã đặt chỉ tiêu với lãnh đạo đoàn và lãnh đạo Uỷ ban TDTT là 1 HCV.
* Vậy thưa ông, nội dung nào mà Karatedo Việt Nam có khả năng giành huy chương?
Bộ môn và BHL dựa vào các nội dung đã từng giành được nhiều thành tích tại các giải quốc tế. Trong đó, nội dung Kata cá nhân nữ được đặt nhiều hy vọng vào Nguyễn Hoàng Ngân - VĐV duy nhất đại diện cho Việt Nam tham gia giải vô địch Karate Kobe Osaka thế giới 2006 tổ chức tại Hy Lạp và đã giành HCV. (Trước đó, Hoàng Ngân còn giành HCV đồng đội nữ Kata tại SEA Games 23). Hy vọng ở nội dung Kumite nữ đặt vào hai tuyển thủ: Vũ Nguyệt Anh hạng 48kg (HCV tại SEA Games 23) và Nguyễn Thị Hải Yến hạng 53kg ( HCV tại SEA Games 23 và HCV giải Kobe Osaka thế giới 2005). Cả 3 VĐV trên là niềm hy vọng của Karatedo Việt Nam tại ASIAD này.
* Ông đánh giá như thế nào về các đội bạn cũng như khả năng giành huy chương của đội tuyển Karatedo Việt Nam?
Trong khu vực Đông Nam Á, đối thủ của chúng ta vẫn là Malaysia và Indonesia. Theo thông tin mà chúng tôi mới nhận được, đội tuyển Karatedo Malaysia (có VĐV xuất sắc Tan Shi Ying nội dung kata cá nhân nữ)tập huấn tại Châu Âu, còn Indonesia thì tập huấn tại Nhật Bản. Hơn nữa, các VĐV thuộc đội tuyển của họ đều được tham gia thi đấu cọ xát tại các giải quốc tế lớn.
Ngoài các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á, trên đấu trường Châu Á, đối thủ lớn của Việt Nam là Nhật Bản (mạnh cả nam và nữ), Iran (nam), Coets (nam), Kazatan (nữ). Các VĐV của họ không chỉ có thể hình và thể lực vượt trội, mà về kỹ thuật cũng nhỉnh hơn VĐV của chúng ta. Đặc biệt, họ có kinh nghiệm thi đấu và đã giành nhiều thành tích ở các giải cấp quốc tế.
Mặc dù vậy, nhưng đội tuyển Karatedo Việt Nam vẫn có hy vọng vào đội tuyển nữ (cụ thể như tôi đã nói) và họ được đánh giá cao trong khu vực cũng như châu lục.
* Xin ông cho biết, tình hình tập luyện hiện nay của đội tuyển như thế nào?
Ngay những ngày đầu năm, đội tuyển đã bước vào tập luyện với thành phần là: 34 VĐV và 6 HLV. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, lực lượng VĐV Karatedo đã có sự biến đổi lớn khi trẻ hoá lực lượng. Và, trong đợt ra quân lần này, đa số các VĐV đều lần đầu tham gia đấu trường ASIAD. Để khắc phục điểm yếu trên, Bộ môn đã tạo điều kiện cho các VĐV của mình tham gia các giải đấu lớn như: giải vô địch thế giới Kobe Osaka 2006 tổ chức tại Hy Lạp, giải vô địch thế giới tại Phần Lan, giải Hàn Quốc mở rộng. Ngoài ra, trong năm, đội tuyển cũng đã được tập huấn tại Đài Loan. Với những cơ hội cọ xát như vậy, các tuyển thủ của chúng ta đã được nâng cao cả về trình độ kỹ thuật cũng như kinh nghiệm thi đấu.
Vì không có điều kiện đưa đội tuyển tiếp tục đi tập huấn nước ngoài nên gần đây chúng tôi có mời chuyên gia Katshntoshi Shiina - một võ sư cao cấp của Nhật Bản sang huấn luyện cho đội tuyển tại Việt Nam. Theo kế hoạch, chuyên gia sẽ sang Việt Nam và bắt đầu huấn luyện từ ngày 15/10 đến 15/12 và sẽ cùng đội tuyển sang Doha, Quatar tranh tài tại ASIAD 15.
* Theo ông, chương trình, kế hoạch và các biện pháp bổ trợ hiện đang áp dụng trong quá trình tập luyện của VĐV phù hợp hay không và có đảm bảo cho việc thực hiện mục tiêu đề ra?
Nhằm tiến tới đạt thành tích cao nhất tại ASIAD này, tính đến nay, Ban huấn luyện và VĐV đã thực hiện tốt kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm. Theo tôi, chương trình, kế hoạch và các biện pháp bổ trợ hiện đang được áp dụng trong quá trình tập luyện của đội tuyển là phù hợp với VĐV Việt Nam và sẽ đảm bảo cho việc thực hiện mục tiêu mà Bộ môn và Ban huấn luyện đã đề ra. Tuy nhiên, nếu VĐV của chúng ta được thi đấu cọ xát quốc tế nhiều hơn nữa thì trình độ và kinh nghiệm thi đấu của các tuyển thủ chắc chắn sẽ tốt hơn.
* Còn về cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, thi đấu cho VĐV đã được chuẩn bị như thế nào, có đảm bảo đúng tiêu chuẩn quốc tế hay không, thưa ông?
Mới đây, yêu cầu về trang thiết bị thi đấu do Liên đoàn Karatedo thế giới đã có một số thay đổi. Và để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế đó, Bộ môn và Ban huấn luyện đã khắc phục bằng cách đầu tư mua mới hoàn toàn các trang thiết bị, bao gồm: bảo vệ ngực giành cho nữ; bảo vệ cẳng chân và bàn chân giành cho cả nam và nữ. Tính đến thời điểm này, các VĐV đã được trang bị đầy đủ và đảm bảo đúng yêu cầu của Liên đoàn Karatedo thế giới đề ra.
* Xin chân thành cảm ơn ông.
Hồng Xiêm thực hiện