Trong xã hội phong kiến, tư tưởng "Tam tòng tứ đức" đã ăn sâu vào nhận thức của đại bộ phận người dân, phụ nữ ít có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, trong lĩnh vực TDTT lại càng khó khăn hơn. Nhưng trước thế kỷ XXI - thời kỳ của đổi mới với nhận thức tiến bộ thì những định kiến lạc hậu đó đã dần được loại bỏ, phụ nữ ngày càng được bình đẳng. Ngoài việc chăm sóc gia đình, phụ nữ hiện đại còn đảm đương nhiều trọng trách xã hội... Đặc biệt trong hoạt động TDTT, phụ nữ đã được xã hội, gia đình khuyết khích tham gia và những công lao, đóng góp của các nữ VĐV luôn được ghi nhận và trân trọng.
Dẫu biết gặp rất nhiều khó khăn trong các hoạt động TDTT nhưng các nữ VĐV của chúng ta luôn rất cần mẫn, chịu khó, chịu khổ, thậm chí hy sinh cả những tháng ngày tuổi trẻ cho thành tích TDTT của đất nước. Và chính họ đã góp phần quan trọng trong bảng thành tích chung của các đoàn thể thao Việt Nam trên trường quốc tế.
Có thể thấy rõ điều đó qua số lượng VĐV và thành tích (thể hiện qua số lượng huy chương Vàng, Bạc, Đồng) nữ VĐV đạt được tại các giải thi đấu quốc tế lớn như: SEA Games 15, số VĐV nữ tham gia thi đấu là 23/41 VĐV (53%) và thành tích mà họ đạt được rất đáng khâm phục: có tới 2 trong số 3 HCV của đoàn thể thao Việt Nam giành được là do công của các nữ VĐV (chiếm 67%). Ở, SEA Games 16, dù chỉ tham gia với 32/100 VĐV (32%) nhưng các nữ VĐV lại tiếp tục khẳng định vị trí của mình khi giành tới 5/7 HCV của đoàn thể thao Việt Nam (72%). Tại SEA Games 17, VĐV nữ của chúng ta chỉ giành 3/9 HCV nhưng đó cũng là con số rất có ý nghĩa khi chỉ có 47/139 VĐV nữ (36%) tham dự và đã góp phần đưa thể thao Việt Nam đứng vị trí thứ 6/9 nước tham gia. 7/10 HCV (70%) là con số mà VĐV nữ Việt Nam đã giành được tại SEA Games 18. Con số này càng có ý nghĩa hơn khi chỉ có 72/187 VĐV nữ (38,5%) tham gia.
Thành tích mà các VĐV nữ mang về cho đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ SEA Games tiếp theo cũng tương tự như vậy. Tỷ lệ VĐV nữ giành HCV trong tổng số HCV mà đoàn đạt được vẫn luôn cao hơn tỷ lệ số VĐV nữ/tổng số VĐV tham gia. Một điều rất đáng lưu ý là tỷ lệ nữ VĐV giành HCV hầu hết rất cao (khoảng trên 50%): SEA Games 19 - 49%, SEA Games 20 - 71%, SEA Games 21 - 58%. Trong khi đó, tỷ lệ số VĐV nữ/tổng số VĐV tham gia tại tất cả các kỳ SEA Games tương ứng là dưới 50% (SEA Games 19 - 43%, SEA Games 20 - 36%, SEA Games 21 - 46%, SEA Games 22 - 44%).
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của ngành TDTT, của các Bộ, ban, ngành, các tổ chức xã hội... có liên quan, phong trào TDTT trong người khuyết tật đã phát triển mạnh, phản ánh đúng tính nhân văn, nhân đạo của chế độ xã hội ta. Trong đó sự góp mặt chủ yếu là VĐV nữ và thành tích mà họ mang về cũng tương tự như vậy. Điển hình như tại Paralympic 2004 - Hy Lạp, đoàn thể thao khuyết tật Việt Nam có 4 VĐV tham dự đều là nữ; Tại giải vô địch thế giới môn Cử tạ dành cho người khuyết tật mới được tổ chức vào tháng 5/2006, chỉ có 4 VĐV tham gia thì cả 4 VĐV là nữ và giành được 2 HCB và 1 HCĐ.
Ghi nhận những đóng góp của các nữ VĐV khi giành được những HCV góp vào bảng thành tích chung của đoàn, khẳng định vị thế của TDTT Việt Nam trên trường quốc tế. Điển hình, trong năm 2003, đã có 12 VĐV là nữ được bầu chọn trong tổng số 20 "VĐV tiêu biểu", trong 10 VĐV khuyết tật được bầu chọn "VĐV khuyết tật xuất sắc" thì có 7 VĐV nữ. Gần đây nhất, năm 2005, trong bảng danh hiệu 10 "VĐV tiêu biểu" có tới 6 VĐV là nữ (60%) và tương tự, có 3 VĐV nữ trong 5 VĐV được bầu danh hiệu "VĐV khuyết tật xuất sắc" trong năm (60%).
Các con số thống kê nêu trên phần nào có thể đưa ra nhận định về vai trò và những đóng góp của phụ nữ đối với thể thao Việt Nam là lớn lao và đáng khâm phục. Nhưng tiếc rằng, trong khuôn khổ có hạn của bài báo, chúng tôi không thể liệt kê ra đây những sự đóng góp thầm lặng của các nữ HLV, săn sóc viên, bác sỹ thể thao và thậm chí có cả nhân viên phục vụ nữ và những bà mẹ, những người chị, người bạn âm thầm phục vụ cho con em mình hoạt động trong lĩnh vực TDTT.
Sự đóng góp của phụ nữ trong hoạt động TDTT là không thể phủ nhận, song có lẽ vì những lý do chủ quan và khách quan, sự đãi ngộ cho đối tượng này chưa thật sự xứng đáng (cả trong sử dụng, đào tạo, đãi ngộ...) mặc dù Nhà nước, ngành TDTT đã nỗ lực hết mình.
Vẫn biết rằng, đất nước còn nhiều khó khăn, nền kinh tế đang trong quá trình đổi mới và hội nhập thế giới, cuộc sống của nhân dân mới chỉ trong giai đoạn ban đầu khởi sắc nên một số chế độ đãi ngộ và chính sách ưu tiên, đặc biệt đối với các VĐV nữ sau khi tập luyện, tham gia thi đấu đã hết thành tích được coi là một giải pháp tích cực, có ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện và thu hút họ tham gia các hoạt động chuyên môn. Mặt khác, VĐV nữ của chúng ta cũng cần tận dụng, tranh thủ một cách triệt để hơn nữa những cơ hội được học tập, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để tiếp tục đóng góp sức mình trong sự nghiệp phát triển TDTT nước nhà. Kết hợp giữa chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và ngành TDTT giữa VĐV, HLV, HDV, trọng tài, giáo viên nói chung, với VĐV nữ, HLV nữ, HDV nữ, trọng tài nữ, giáo viên nữ nói riêng cùng với sự nỗ lực của mỗi cá nhân họ sẽ là một trong những giải pháp có hiệu quả để phụ nữ tham gia hoạt động trong lĩnh vực TDTT có thể tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp TDTT Việt Nam phát triển.
Lê Hồng Diệp Chi
Phó trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Uỷ ban TDTT