Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng là trường đào tạo cán bộ TDTT nằm trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng TDTT của ngành. Đây cũng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TDTT có trình độ đại học, cao đẳng; bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ TDTT các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam - 20 tháng 11, phóng viên Trang tin điện tử Uỷ ban TDTT đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Tấn Đạt - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia III (TT HLTT QG III).
* Với cương vị Hiệu trưởng nhà trường, ông có thể đánh giá khái quát về thực trạng đội ngũ cán bộ, giảng viên hiện nay của nhà trường?
Trong những năm qua (kể từ khi được nâng cấp từ trường trung học lên cao đẳng), Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng đã đạt được những bước tiến quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Có được kết quả trên phải kể đến sự đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường. Đội ngũ giảng viên của nhà trường không ngừng được nâng cao cả về chất lượng và số lượng thông qua việc tự đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Năm 1998, trường có 48 giảng viên, trong đó có 7 thạc sỹ (Th.s), 2 giảng viên chính, đến nay đã có hơn 90 giảng viên với 2 Tiến sỹ, 28 Th.s, 13 giảng viên chính, 3 huấn luyện viên chính. Trong số đó hiện có 4 nghiên cứu sinh đang học tập, nghiên cứu trong và ngoài nước, 25 giảng viên đang học các khoá cao học. Tính đến nay, 96% số giảng viên của nhà trường đã được đào tạo chuẩn hoá theo tiêu chuẩn ngạch giảng viên. Về trình độ lý luận chính trị cao cấp, năm 1998 chỉ có 1 người thì đến nay con số đó đã tăng lên 9 người và 1 người là chuyên viên cao cấp. Lực lượng cán bộ giảng viên trẻ (dưới 30 tuổi) chiếm hơn 50%, chúng tôi xác định đây sẽ là lực lượng nòng cốt cho sự phát triển của nhà trường trong tương lai, nên có sự quan tâm đầu tư thích đáng cho lực lượng này.
* Trong cơn bão số 6 vừa qua, Trường Cao đẳng TDTT đã bị thiệt hại nặng, được biết tập thể cán bộ, công nhân viên (CBCNV), giáo viên, sinh viên, VĐV của nhà trường và trung tâm đã nỗ lực trong việc phòng và khắc phục hậu quả, ông đánh giá như thế nào về những hoạt động này? Nó có ý nghĩa gì đối với việc giáo dục sinh viên, VĐV trong nhà trường?
Con số thiệt hại của trường Cao đẳng TDTT Đà nẵng do bão số 6 lên đến hơn 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, một điều đáng trân trọng là tập thể CBCNV, giáo viên, sinh viên, VĐV của trường đã rất nỗ lực trong việc phòng, tránh và tham gia khắc phục hậu quả cơn bão. Tôi đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm đó. Đối với sinh viên, các em đã nhận thức tốt vai trò của mình trong việc góp sức khắc phục hậu quả mà cơn bão tàn khốc đã gây ra. Thật tốt đẹp khi sinh viên chính là lực lượng quan trọng, chung vai góp sức cùng nhà trường khắc phục hậu quả do bão gây ra. Ngoài ra, nhà trường còn huy động sinh viên tham gia giúp dân khắc phục hậu quả của bão. Tiêu biểu là sinh viên Lộc Vĩnh Thêu đã dũng cảm cứu 5 em học sinh bị nước lũ cuốn trôi ở bến Chôm Lôm. Tôi nghĩ trường học không chỉ là nơi đào tạo ra những con người giỏi về chuyên môn mà còn là nơi để các em có thể bộc lộ những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của mình và cần phải phát huy những giá trị cao đẹp đó ở mỗi con người, đó mới là điều thành công của giáo dục.
* Được biết, Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng sẽ được nâng cấp trở thành trường Đại học TDTT trong năm tới, vậy Ban Giám hiệu nhà trường có kế hoạch như thế nào để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này?
Ngày 07 tháng 11 năm 2006 Thủ tướng Chính phủ đã ký thông báo cho phép trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng nâng cấp thành Trường Đại học TDTT III. Đó là điều vinh dự cho trường chúng tôi. Để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này, chúng tôi đang tiếp tục hoàn tất các thủ tục cần thiết để trình và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục cho triển khai các bước tiếp theo để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trường Đại học TDTT III trong thời gian tới. Bên cạnh những thủ tục cần hoàn tất, nhà trường cũng đang cố gắng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng để đáp ứng các yêu cầu của trường đại học. Mặt khác nhà trường không ngừng củng cố chuyên môn, xây dựng đội ngũ CBGV đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hoá về chất lượng, nhất là đội ngũ cán bộ có trình độ cao. Lấy việc đào tạo, bồi dưỡng lực lượng tại chỗ là chính, đồng thời coi trọng việc thu hút lực lượng cán bộ giảng dạy có trình độ cao từ bên ngoài. Cùng với việc tăng cường củng cố cơ sở vật chất hiện có, chúng tôi cũng đã đệ trình Uỷ ban TDTT đầu tư xây dựng cơ sở 2 của nhà trường với hơn 40 ha (đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt) để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn mới.
* Trong quá trình chuẩn bị trở thành trường Đại học, nhà trường có gặp những khó khăn và thuận lợi như thế nào, thưa ông?
Về thuận lợi, chúng tôi đã được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Uỷ ban TDTT, sự phối hợp đồng bộ và tích cực của các vụ chức năng thuộc Uỷ ban TDTT, Bộ Giáo dục & Đào tạo trong việc xây dựng đề án nâng cấp thành Trường Đại học TDTT III và quy hoạch phát triển Trường và Trung tâm đến năm 2010, định hướng đến 2020. Một thuận lợi khác là sự đoàn kết thống nhất cao trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, viên chức nhà trường trong công tác chuyên môn và trong đời sống. Sự đồng thuận đó đã giúp cho nhà trường có những bước tiến vững chắc.
Về khó khăn, hệ thống cơ sở vật chất như sân bãi, dụng cụ tập luyện tuy đã được nâng cấp và bổ sung, song có thể nói chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập hiện nay cho sinh viên cũng như quy mô phát triển của nhà trường trong thời gian tới. Ngoài ra, tuy đã được bổ sung và nâng cao dần về chất lượng song có thể thấy đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện vẫn còn mỏng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khoa học đầu đàn. Mặt khác, việc thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ với khối lượng công việc lớn đã phần nào ảnh hưởng hiệu quả công tác.
* Trước tình hình thực tế, nhà trường có những định hướng phát triển cơ bản trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Với quan điểm phát triển dựa vào nội lực là chính, đồng thời tranh thủ mọi điều kiện cho phép để phấn đấu xây dựng trường thành Trung tâm đào tạo, huấn luyện và nghiên cứu khoa học TDTT của khu vực miền Trung và Tây nguyên, Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng phấn đấu từ nay đến năm 2010 sẽ trình các cấp lãnh đạo đề nghị bổ sung thêm khoảng 40 giảng viên cơ hữu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển quy mô đào tạo đến 2010 là trên 2.000 sinh viên; về viên chức nghiệp vụ, phục vụ bổ sung thêm 10-12 viên chức ngạch chuyên viên (và tương đương). Về chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng sẽ chú trọng đào tạo cán bộ giảng dạy cho những chuyên ngành mới và những môn học mới theo quy hoạch phát triển của ngành TDTT. Tiếp tục mở rộng qui mô liên kết đào tạo bậc đại học, đồng thời từ nay đến 2010 tiếp tục tăng qui mô đào tạo bậc cao đẳng (hệ chính qui và không chính qui) nhằm giải quyết nhu cầu cán bộ, giáo viên TDTT cho khu vực. Từ năm 2008, liên kết đào tạo sau đại học để tích luỹ kinh nghiệm nhằm chủ động tuyển sinh đào tạo sau đại học từ sau năm 2010.
* Xin chân thành cảm ơn ông
HX thực hiện