Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao, phong trào TDTT của người khuyết tật đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Để tìm hiểu về sự phát triển cũng như định hướng trong thời gian tới, nhóm phóng viên Trang tin Điện tử Uỷ ban TDTT đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Thế Phiệt, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao Người khuyết tật Việt Nam, Trưởng đoàn TTNKT Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Người khuyết tật Châu Á - Thái Bình Dương (FESPIC Games).
* Đoàn Thể thao người khuyết tật thi đấu tại FESPIC Games lần thứ 9 được đông đảo người hâm mộ cũng như các cơ quan thông tấn báo chí đánh giá là thành công. Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về kết quả đoàn đã đạt được?
FESPIC Games - Đại hội Thể thao người khuyết tật là đấu trường lớn có sự đua tranh quyết liệt của nhiều VĐV thuộc các nước có phong trào TDTT dành cho NKT phát triển. Quy mô và chất lượng của Đại hội chỉ sau Paralympic Games. Hơn nữa, Đại hội này đã được tổ chức 9 lần (từ năm 1975), trong đó, Việt Nam tham dự được 7 lần (bắt đầu từ năm 1989) do phong trào TDTT trong NKT ở nước ta phát triển muộn hơn so với các nước khác trong khu vực như: Malaysia, Philippines, Indonesia. Vì vậy, thành tích của đoàn TTNKT VN giành được tại FESPIC Games với 9HCV, xếp thứ 10/47 nước tham dự được đánh giá là thành công đặc biệt xuất sắc.
Một số nước tham dự đã chúc mừng thành tích của đoàn tại Đại hội và đánh giá cao trình độ của các VĐV thể thao người khuyết tật Việt Nam. Đồng thời, họ cũng khẳng định phong trào TDTT cho NKT Việt Nam đã có những bước tiến bộ rất nhanh.
* Vậy theo ông, để đạt được thành công trên là do đâu?
Theo tôi, đầu tiên đó là do chúng ta đã đầu tư đúng hướng, có trọng điểm, không dàn trải. Cụ thể, trong số 19 môn thi tại Đại hội, TTNKT Việt Nam chỉ tham dự ở 6 môn với 59 VĐV tham gia và đã đạt được 9HCV. Thứ hai là sự cố gắng, nỗ lực, ý chí và tự tin của toàn thể VĐV tham dự.
* Công tác trong lĩnh vực TDTT đối với NKT đã rất lâu (từ năm 1988), ông cho rằng điều gì mang tính quyết định đến sự phát triển phong trào TDTT đối với những người khuyết tật?
Người khuyết tật là đối tượng thường hay tự ti, nhạy cảm cho nên vấn đề tiên quyết đó là động viên ý chí, tinh thần và đặc biệt quan trọng là "đánh thức tính vươn lên" trong con người họ. Tôi còn nhớ trong những lần đi động viên những người khuyết tật tham gia tập luyện TDTT, lúc đầu mọi người nhất quyết không tham gia. Khi được hỏi vì sao, hầu hết họ đều có chung ý nghĩ rằng mình đã như thế này rồi còn tập tành gì nữa. Song, được sự động viên, khuyến khích của những người làm công tác chuyên môn cũng như gia đình và đông đảo tầng lớp nhân dân trong xã hội, họ đã tự tin, vượt qua mặc cảm sau nhiều lần tập luyện và thi đấu. Kết quả vừa qua là một minh chứng rõ nhất. Tính đến nay, phong trào TDTT dành cho người khuyết tật đã được phổ biến rộng rãi đến 45 tỉnh, thành phố với tổng số trên 3000 người tham gia. Không phải tự hào, nhưng đó là niềm vui, sự động viên vô cùng lớn lao đối với những người làm công tác như tôi và kết quả là phong trào rèn luyện sức khoẻ của người khuyết tật đã phát triển tương đối rộng khắp. Đã có 18 cặp VĐV xây dựng gia đình từ môi trường này.
* Thưa ông, TDTT đối với người khuyết tật chắc hẳn còn rất nhiều khó khăn nhưng cũng có những thuận lợi, ông có thể chia xẻ với bạn đọc?
Phong trào TDTT người khuyết tật ở Việt Nam mới được phát triển trong thời gian ngắn, cho nên hạ tầng cơ sở như đường đi, phương tiện giao thông hay cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tập luyện và thi đấu vẫn còn rất hạn chế. Bởi đối với những người khuyết tật, cơ sở vật chất phục vụ cho việc luyện tập và thi đấu đòi hỏi mang tính cá biệt và có những đặc thù riêng, ngay cả đối với từng loại thương tật cũng khác nhau. Cho nên, kinh phí đầu tư về cơ sở vật chất cho TTNKT là rất lớn. Tôi lấy ví dụ, riêng 1 chiếc xe lăn đã có giá trị lên tới 2.700 USD. Theo tôi nghĩ, trong tình hình đất nước ta hiện nay, nhiều lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn nhưng TDTT đối với NKT còn khó khăn hơn nhiều khi kinh phí đầu tư rất hạn chế.
Tuy nhiên, TDTT trong người khuyết tật đã được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, ngành TDTT và sự động viên của xã hội. Do vậy, sau khi tham gia tập luyện một thời gian, các VĐV đều rất hưởng ứng và tích cực, tự giác trong tập luyện. Đó là một thuận lợi lớn đối với hoạt động này.
* Để tiếp tục phát triển sâu, rộng phong trào TDTT đối với người khuyết tật, Hiệp hội Thể thao Người khuyết tật Việt Nam có định hướng như thế nào, thưa ông?
Hiệp hội Thể thao Người khuyết tật Việt Nam đã thành lập và đi vào hoạt động được 11 năm. Đến nay có khoảng 5 đến 7 môn thể thao đang được phát triển tại nhiều địa phương trong cả nước. Trong những năm tới, dự kiến sẽ phát triển từ 12 đến 15 môn thể thao. Trong đó, một số môn thể thao mới như: Bóng đá khiếm thị, Đua thuyền, Điền kinh, Judo... Có nhiều khả năng sẽ phát triển. Còn môn một số môn thể thao như: Đấu kiếm, Đua ngựa do kinh phí đầu tư lớn nên khó có điều kiện phát triển tại Việt Nam.
Năm tới, Hiệp hội sẽ tổ chức Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2007 tại Thừa Thiên Huế. Đây là giải truyền thống được tổ chức hàng năm (lần đầu tiên tổ chức vào năm 1997 tại Quảng Trị). Tiến tới, Hiệp hội sẽ chuẩn bị Đoàn thể thao tham gia Para Games 4 tại Thái Lan năm 2007 và Paralympic 2008.
Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ tiếp tục phát triển rộng phong trào tại các địa phương, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, tài liệu chuyên môn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương chủ động phát triển phong trào.
* Để phong trào TDTT trong người khuyết tật phát triển, với cương vị là Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội, ông có kiến nghị gì?
Người khuyết tật là đối tượng cần được xã hội quan tâm. Do vậy, nhằm phát triển hơn nữa phong trào này, chúng tôi mong muốn toàn xã hội quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người khuyết tật tham gia các hoạt động TDTT. Ví dụ như: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thành lập các Câu lạc bộ TDTT người khuyết tật tập luyện tại các đơn vị, địa phương; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng hướng dẫn viên TDTT người khuyết tật ở cơ sở... Bởi, đầu tư cho thể thao người khuyết tật sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức khoẻ, thể lực chung cho cả cộng đồng.
Mặc dù đã có nhiều văn bản pháp luật, chế độ, chính sách đối với người khuyết tật, nhưng chúng tôi vẫn mong muốn và đề nghị về phần thưởng đối với VĐV thể thao khuyết tật đạt thành tích cao tại các giải đấu, Đại hội quốc tế cần tương ứng với VĐV thể thao bình thường khác. Thiết nghĩ, những thành tích mà người khuyết tật đạt được trên đấu trường quốc tế cũng là danh dự của quốc gia, cho nên nếu được khen thưởng tương đương với thể thao thành tích cao sẽ là nguồn động viên rất lớn đối với các VĐV TT người khuyết tật. Điều đó cũng là lẽ thường tình và chắc chắn sẽ được xã hội đồng tình.
* Xin chân thành cảm ơn ông.
Hồng Xiêm