Sự kiện Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới đã mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức trên nhiều lĩnh vực hoạt động trong đó có TDTT. Trước tình hình mới đó, Uỷ ban TDTT cũng đã tổ chức 2 Hội thảo (ở 2 miền Nam, Bắc) với chủ đề "kinh tế thể thao". TS Lâm Quang Thành - Hiệu trưởng trường Đại học TDTT II, Giám đốc TTHLTTQG II là một trong những cán bộ đầu tiên trong ngành TDTT chủ trương xây dựng một số đề án về phát triển kinh tế thể thao, các vấn đề liên quan tới nhân sự trong thời kỳ phát triển kinh tế tại đơn vị. Nhóm Phóng viên TTĐT Uỷ ban TDTT đã có cuộc trao đổi với TS Lâm Quang Thành xoay quanh lĩnh vực còn rất mới mẻ này ...
Trước bối cảnh Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức trong nhiều lĩnh vực trong đó có TDTT. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề kinh tế thể thao đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới hoà nhập, đối với bất cứ một quốc gia nào nguồn nhân lực luôn được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Con người trong giai đoạn này phải có những phẩm chất, năng lực đáp ứng được những đòi hỏi ở tầm quốc tế, giỏi về chuyên môn, tin học, ngoại ngữ và giỏi về giao tiếp, đặc biệt phải năng động, sáng tạo. Trước bối cảnh mới, TDTT cũng mở ra nhiều hướng đi mới trong sự phát triển ở các mặt hoạt động: thể thao chuyên nghiệp, thể thao nhà nghề, thể thao cho mọi người, giải trí thể thao...
Để phát triển kinh tế thể thao một cách hiệu quả cần có sự đóng góp của toàn xã hội. Và ngược lại xã hội hoá phát triển thì sẽ đẩy mạnh kinh tế thể thao. Theo GS Dương Nghiệp Chí, phát triển kinh tế thể thao cũng là một trong 5 nhóm giải pháp đẩy mạnh xã hội hoá.
Được biết, trường Đại học TDTT II - Trung tấm huấn luyện thể thao quốc gia II đã xây dựng đề án phát triển kinh tế thể thao. Vậy, xin ông cho biết những nội dung chủ yếu để làm kinh tế của Nhà trường và Trung tâm?
Để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế thể thao của Nhà trường và Trung tâm, đề án cũng đã đề cập đến 14 nội dung chủ yếu. Trong đó, nội dung quan trọng nhất gắn liền với nhiệm vụ chính trị của Nhà trường và Trung tâm đó là đào tạo cán bộ đa ngành, đặc biệt chú trọng đào tạo các lĩnh vực chuyên sâu mới: Quản trị kinh doanh TDTT, Thể thao giải trí, Thể thao du lịch, Thể thao mạo hiểm và Quản lý thể thao chuyên nghiệp. Các nội dung tiếp theo đó là: Tư vấn về khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực TDTT (huấn luyện, thể thao cộng đồng, phát triển thể thao dân tộc, thể thao cho người khuyết tật); Tư vấn xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể, dài hạn ngành TDTT cho các địa phương (hiện tại đã, đang thực hiện ở 10 tỉnh, thành); Thực hiện dịch vụ huấn luyện chất lượng cao với các bộ môn thế mạnh của Nhà trường và trong tương lại sẽ mở rộng thêm cho các môn thể thao thế mạnh của khu vực phía Nam; Dịch vụ tổ chức tập huấn cho các đội tuyển trong và ngoài nước với các điều kiện cơ sở vật chất, sân bãi sẵn có như Điền kinh, Bóng chuyền, Bơi...; Tổ chức các loại hình dịch vụ giải trí thông qua các hoạt động TDTT, du lịch lữ hành...; Tổ chức khai thác cơ sở vật chất để phục vụ dịch vụ kinh doanh như: nhà hàng, khách sạn, siêu thị trên các địa điểm đã có của Nhà trường - Trung tâm; Dịch vụ tư vấn về Y học TDTT, chữa bệnh, hồi phục chức năng, chăm sóc sức khỏe và hồi phục; Tổ chức khai thác các loại hình thể thao mạo hiểm, leo núi và một số loại hình thể thao gắn với biển; Tổ chức các sự kiện thể thao, thi đấu thể thao, gala thể thao; Đại lý các loại hình cá cược thể thao; Sản xuất kinh doanh các sản phẩm phục vụ cho các hoạt động TDTT; Xây dựng các công trình TDTT.
Dưới góc nhìn của người quản lý Nhà nước, theo ông, thực hiện đề án này có thuận lợi hay khó khăn gì cần khắc phục?
Có thể khẳng định, phát triển kinh tế thể thao là lĩnh vực mới trong ngành của chúng ta. Do vậy, là một trong các đơn vị đi đầu trong việc xây dựng đề án và chuẩn bị đưa vào thực tế, chúng tôi đã gặp không ít những khó khăn do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do thiếu kinh nghiệm về vấn đề này.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã nhận được sự ủng hộ của ngành TDTT đặc biệt là lãnh đạo Uỷ ban TDTT cũng như sự quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của toàn thể cán bộ, viên chức của Nhà trường. Mặt khác, Nhà trường nằm trong khu vực năng động, của TP Hồ Chí Minh với nhiều cơ chế thoáng cũng là một trong những điều kiện thuận lợi. Đồng thời, trong quá trình xây dựng và thực hiện đề án, Nhà trường đã và sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực, hợp tác của một số trường kết nghĩa như: ĐH Thể thao Thượng Hải, ĐH Thể thao Thiên Tân và ĐH TDTT Đài Loan và sự giúp đỡ của 10 giáo sư hàng đầu của các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Anh...
Với phương châm: quyết tâm xoá trì trệ, quyết liệt trong tác nghiệp và đề ra quyết sách thật thông minh cùng tập thể cán bộ, viên chức trong Nhà trường quyết tâm thực hiện thành công các nhiệm vụ đặc biệt là đề án phát triển kinh tế TDTT.
Xin chân thành cảm ơn ông.
Hoa Xiêm thực hiện