GS Dương Nghiệp Chí - cả cuộc đời gắn bó với Thể thao

Trong giới chức ngành TDTT, đặc biệt là đối với những người từng làm nghiên cứu sinh về lĩnh vực TDTT, ít ai lại không biết đến ông - một trong những Giáo sư, Tiến sỹ đầu ngành đóng góp nhiều cho sự nghiệp Khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực TDTT nước nhà. Cả cuộc đời, ông luôn tận tâm với nghề nghiệp, chịu học, chịu đọc và chịu viết, nhiều Đề án nghiên cứu của ông đã đi vào hiện thực và mang lại kết quả to lớn cho sự phát triển của ngành TDTT. Ông chính là Giáo sư, Tiến sỹ Dương Nghiệp Chí.

 Ngoài công tác nghiên cứu khoa học
GS Dương Nghiệp Chí còn đảm giữ nhiều cương vị quan trọng khác của ngành  (Ảnh: Thế Thiện)
Đam mê thể dục thể thao từ khi còn nhỏ, đặc biệt là các môn như: Bóng đá, Điền kinh...âu đó cũng là điều bình thường với đông đảo thanh, thiếu niên Việt Nam, nhưng đối với GS Dương Nghiệp Chí, ngoài lòng đam mê các môn thể thao, ông còn là người có tố chất thể thao. Đây chính là sự khác biệt giữa ông với các bạn cùng trang lứa. Và chính điều này cũng là một trong những yếu tố khiến ông chọn thể dục thể thao để xây dựng sự nghiệp của đời mình.

Hồi nhỏ, khi còn học ở trường trung học Chu Văn An (Hà Nội), cậu bé Dương Nghiệp Chí ở trong đội tuyển Bóng đá của trường và của học sinh Hà Nội. Có lẽ vì tố chất đặc biệt đó mà khi tốt nghiệp trung học (năm 1960), Dương Nghiệp Chí là học sinh duy nhất được tuyển đi học Đại học TDTT Bắc Kinh (Trung Quốc), cho dù nguyện vọng của ông khi đó là theo ngành địa chất để có thể tung hoành khắp đất nước với “vốn”sức khoẻ dày dặn. Không đúng nguyện vọng, nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ của người đồng môn (cũng chính là người yêu của ông) đã giúp ông vượt qua khó khăn, thách thức, để sang nước bạn học tập với mong muốn được cống hiến cho Tổ quốc. Có lẽ, đây là ngả rẽ quan trọng trong sự lựa chọn nghề nghiệp của GS Dương Nghiệp Chí và cũng chính từ đây, ông đã gắn bó hoàn toàn cuộc đời mình với thể thao.

Năm 1965, sau khi tốt nghiệp Đại học TDTT Bắc Kinh, trở về Việt Nam ông được phân công công tác tại Uỷ ban TDTT. Ngoài việc phụ trách môn Điền kinh, ông còn tham gia huấn luyện cho đội tuyển điền kinh Hà Nội. Như biết bao sinh viên mới ra trường, bước vào nghề với biết bao điều mới lạ, hơn thế nữa, do hoàn cảnh đất nước có chiến tranh nên công tác TDTT cũng rất khó khăn, do vậy không tránh khỏi sự "mơ hồ" trong những ngày khởi nghiệp (trích lời GS Dương Nghiệp Chí trong cuốn tự truyện Người ở lại). Thực tiễn cuộc sống cùng với sự hiểu biết của mình, đã giúp GS Dương Nghiệp Chí có những tìm tòi phát hiện mới trong công việc, đặc biệt là nhận thức về vai trò của khoa học TDTT trong công tác huấn luyện và đào tạo VĐV.

Ngoài tình yêu, sự đam mê với thể thao, GS.Dương Nghiệp Chí còn là một người rất cẩn trọng, luôn tận tâm với nghề nghiệp, chịu học, chịu đọc (sự kế thừa truyền thống hiếu học của gia đình, ông là chắt đời thứ 7 của Cụ Dương Lâm - Danh nhân văn hoá -Phần mộ của cụ được tỉnh Hà Tây cũ cấp bằng chứng nhận di tích văn hoá lịch sử cấp tỉnh, thành), đặc biệt là những mất mát của cuộc đời (khi còn rất trẻ, một nửa của ông đã đi vào cõi vĩnh hằng - khiến cho cuộc đời của Người ở lại như khuyết đi một nửa, chống chếnh, chênh vênh) không làm ông gục ngã, mà ngược lại đây chính là động lực để ông vượt qua những khó khăn của cuộc sống và trông gai trên con đường sự nghiệp. Như tâm sự của ông trong cuốn tự truyện Người ở lại "mỗi khi cuộc sống vào ngõ cụt, nghĩ đến cái vòng khốn khổ thời trẻ năm ấy để lấy thêm nghị lực vượt cạn". Không chỉ yêu mà còn thấy trách nhiệm của mình, phải cố sống để làm thay cho người đã khuất, chính vì thế, ông luôn nỗ lực hết mình, chỉ với mong muốn được cống hiến thật nhiều cho TDTT nước nhà.

Có thể kể ra hàng loạt các công trình nghiên cứu mà ông là người giữ trọng trách chính đã được ứng dụng vào thực tiễn và mang lại kết quả cao như: chủ trì xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu thông tin trong thi đấu tại Seagames 22 ở Việt Nam; tổng đạo diễn hệ thống xử lý dữ liệu thông tin - ứng dụng CNTT vào đo lường thành tích thi đấu và thông tin nhanh thành tích này trên mạng Intener (dự án mang tầm quốc gia và được đánh giá là công trình thành công nhất trong năm 2003)... trong đó, tiêu biểu phải kể đến đề án tổng thể " Nâng cao thể lực và tầm vóc con người Việt Nam từ 2011 đến 2030”. Đây là đề án ông đã trăn trở cả cuộc đời và dành toàn bộ tâm huyết của mình cùng cộng sự nghiên cứu, theo đuổi ròng rã trong 9 năm liền. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận đây là việc làm cần thiết, được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, và mới đây, tháng 10/2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lại tiếp tục khẳng định kết luận trên đây của Thủ tướng...

Không chỉ là một nhà khoa học có danh tiếng trong ngành, GS Dương Nghiệp Chí còn là một nhà quản lý, nhà giáo, nhà nghiên cứu... Ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và để lại dấu ấn bằng những việc làm thiết thực. Tên tuổi của ông được rất nhiều người trong và ngoài ngành biết đến với sự tôn kính và ngưỡng mộ - ông quả là một con người "đa tài".

Đến nay, tuy đã đã bước vào tuổi "thất thập cổ lai hy" cái tuổi mà người ta an hưởng sự nhàn nhã, vui vầy bên con cháu, nhưng với GS Dương Nghiệp Chí thì hoàn toàn trái lại. Hàng ngày ông vẫn đến Viện Khoa học TDTT làm việc, học tập và hoàn thiện những dự định, những công trình còn dang dở. Được cống hiến, cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp TDTT và cho Tổ quốc không chỉ là mong muốn của riêng ông mà đó còn là tâm nguyện của Người đã khuất. Chính vì vậy, ông không ngừng nghỉ việc tìm tòi, nghiên cứu để cống hiến tài năng, trí tuệ của mình cho khoa học TDTT.... và cứ như vậy chẳng biết đến bao giờ người đàn ông này mới được nghỉ ngơi?

*Không chỉ là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao của ngành TDTT, GS Dương Nghiệp Chí còn là một trong những người có công đầu trong việc cho ra đời ngày Thể thao Việt Nam. Ngày 29/1/91, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Ký quyết định lấy ngày 27/3 hàng năm làm ngày thể thao VN. Sự kiện này khởi nguồn từ ý tưởng của ông Lê Hoài Sơn, được cục trưởng Cục TDTT Dương Nghiệp Chí chấp thuận. Cục trưởng ngay lập tức cho triển khai làm mọi thủ tục thông qua Bộ VH,Thông tin và thể thao để trình Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ra quyết định. Cục trưởng Dương Nghiệp Chí và ông Lê Hoài Sơn chọn ngày Chủ tịch HCM kêu gọi đồng bào tập thể dục (1946) để đề nghị làm Ngày thể thao VN.

*Những chức vụ mà GS Dương Nghiệp Chí từng đảm nhiệm: nguyên Phó Tổng cục trưởng TCTDT, Cục trưởng Cục TDTT, Hiệu trưởng trường ĐHTDTT Tp Hồ Chí Minh, Viện trưởng Viện KHTDTT, Phó Chủ Tịch Uỷ ban Olympic VN, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN khoá 1. Hiện ông không chỉ giữ cương vị là cố vấn cao cấp của Viện Khoa học TDTT, mà còn tham gia giữ chức Chủ tịch Hiệp Hội Thể thao giải trí Việt Nam....

* GS Dương Nghiệp Chí đã phục vụ 8 đời thủ trưởng Ngành TDTT (các Bộ trưởng, Tổng cục trưởng): Hoàng Văn Thái, Nguyễn Văn Quạn, Thời cục Lê Đức Chỉnh, Tạ Quang Chiến, Trần Hoàn, Lê Bửu, Hà Quang Dự, Nguyễn Danh Thái, Hoàng Tuấn Anh.

* Những phần thưởng cao quý: Huân chương lao động hạng Nhất, Huân chương lao động hạng Ba, nhiều Bằng khen, Giấy khen...

                                                          HKT      

Ảnh trong bài
  • GS Dương Nghiệp Chí - cả cuộc đời gắn bó với Thể thao