Chỉ còn 6 tháng nữa sẽ diễn ra SEA Games - sân chơi thể thao lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Các đội tuyển vẫn đang luôn trong quá trình chuẩn bị về mọi mặt, đặc biệt là vấn đề chuyên môn. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Kim Lan - Trưởng Bộ môn Thể dục - Uỷ ban TDTT, qua đó thấy được những nét khái quát về tình hình tập luyện cũng như quá trình chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 24 của các đội tuyển thuộc môn Thể dục.
* Thưa bà, xin bà cho biết tình hình tập luyện hiện nay của các đội tuyển thuộc Bộ môn quản lý để chuẩn bị cho SEA Games 24 như thế nào?
Trong nội dung thi đấu SEA Games 24, môn Thể dục có đầy đủ các phân môn: Thể dục dụng cụ (TDDC), Thể dục nghệ thuật (TDNT), Sport Arobic và Dance Sport. Việt Nam cũng sẽ tham gia đầy đủ các phân môn đó. Để chuẩn bị cho Đại hội thể thao lớn nhất khu vực này, tất cả các đội tuyển thuộc sự quản lý của Bộ môn vẫn đang tập luyện tích cực tại các địa điểm. Cụ thể, đội tuyển TDDC cả đội nam và nữ đều đang tập luyện tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia I dưới sự dẫn dắt của chuyên gia người Trung Quốc - Hà Kiệm Đông (đội nam) và chuyên gia Triệu Khê (đội nữ).
Riêng 3 VĐV nam gồm: Nguyễn Hà Thanh, Hoàng Cường, Phạm Hưng đều là VĐV của Hà Nội nằm trong danh sách đội tuyển TDDC của quốc gia đang tập huấn tại Trung Quốc với chuyên gia cũng người Trung Quốc - Lý Triệu Dương. Kinh phí tập huấn của các VĐV này đã được Sở TDTT Hà Nội hỗ trợ. Bên cạnh đó, VĐV nữ trẻ Đỗ Thu Huyền vẫn đang tập huấn ở Trung Quốc.
Đội tuyển TDNT đang tập huấn tại trường Thể thao thanh thiếu niên 10/10. Tuy nhiên, hiện nay đội tuyển gặp rất nhiều khó khăn và khó khăn lớn nhất hiện nay là vẫn chưa mời được chuyên gia mới. Còn đội tuyển Sport Arobic đang tập luyện tại Hải Phòng, dưới sự dẫn dắt của chuyên gia Mariang Kolev và đội Dance Sport đang tập tại Hà Nội.
* Không phải tất cả các phân môn trong môn Thể dục đều là thế mạnh của Việt Nam, vậy tại SEA Games lần này, Thể dục hy vọng ở những phân môn nào, thưa bà?
Thực sự trong môn Thể dục, Việt Nam chỉ có thể mạnh tại phân môn TDDC và Sport Arobic. Do vậy, Bộ môn cũng chỉ đặt hy vọng giành huy chương ở hai nội dung này.
* Bà đánh giá như thế nào về các đội bạn cũng như khả năng giành huy chương của đội tuyển Việt Nam tại SEA Games lần này?
Đối với các VĐV nam, đối thủ chính của chúng ta là Malaysia và Thái Lan. Trong đó, Thái Lan có những VĐV rất mạnh ở nội dung ngựa tay quay còn Maylaysia mạnh đều cả ở nhiều nội dung. Bên cạnh đó, Indonesia cũng có 1 VĐV mạnh ở TDDC, tuy nhiên VĐV này đang bị chấn thương, chưa biết khả năng tham dự SEA Games của VĐV đó như thế nào.
Còn đối với nữ, Singapore là nước có nội dung đồng đội nữ rất mạnh. Họ đang thực hiện kế hoạch tập huấn, chuẩn bị lực lượng đến năm 2011. Tại SEA Games 22 tổ chức ở Việt Nam, Singapore đã đứng thứ 2 ở nội dung này và đứng thứ nhất tại SEA Games 23 ở Philippines. Trong khu vực, đối thủ của các VĐV nữ Thể dục Việt Nam còn có các VĐV của Malaysia. Tuy nhiên, do đang có sự thay đổi lực lượng nên trình độ của các VĐV này chưa đều. Vì vậy, Malaysia cũng chưa hẳn là đối thủ mạnh tại SEA Games lần này.
Nói chung, mỗi nước đều có những thế mạnh riêng, nhưng đội tuyển của Việt Nam vẫn luôn cố gắng, nỗ lực và đã được các nhà chuyên môn trong khu vực đánh giá cao nhất là ở các nội dung của TDDT và Sport Arobic.
* Thưa bà, hiện nay, các phương tiện hỗ trợ, dụng cụ thi đấu và một số cơ sở vật chất khác mà đội đang sử dụng có đúng tiêu chuẩn quốc tế không?
Đối với môn Thể dục, TDDC là phân môn cần nhiều dụng cụ tập luyện nhất. Hiện nay, các đội tuyển tập luyện tại Trung tâm HLTTQG I vẫn đang sử dụng các cơ sở vật chất chuyên môn được trang bị từ SEA Games 22. Những trang thiết bị này đều đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cho việc tập luyện của các VĐV.
* Để đảm bảo cho thực hiện mục tiêu huy chương đã đề ra của các đội tuyển thuộc Bộ môn quản lý, với cương vị là Trưởng Bộ môn, bà có kiến nghị gì không?
Trong thể thao, thi đấu cọ sát là một trong những hoạt động góp phần tích cực vào việc nâng cao trình độ cũng như kinh nghiệm thi đấu của các VĐV. Môn Thể dục cũng không nằm ngoài vấn đề đó. Hiện tại, các VĐV trong đội tuyển TDDC đang tập huấn tại Trung tâm HLTTQG I, với thời tiết nóng bức của mùa hè ở miền Bắc nước ta đã gây không ít khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả tập luyện của các VĐV.
Do vậy, thay đổi môi trường tập huấn, thi đấu với nhiều VĐV quốc tế sẽ là phương pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn của các VĐV. Đơn cử như lần đầu tham dự Cúp TDDC thế giới, song các VĐV của Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao và VĐV Nguyễn Minh Tuấn xếp hạng 10/19 ở nội dung vòng treo. Cũng biết rằng, kinh phí dành cho một môn thể thao không nhiều, song việc tập huấn và thi đấu các giải quốc tế là điều hết sức cần thiết. Bản thân tôi cũng như các đội tuyển rất mong Uỷ ban TDTT tạo điều kiện, hỗ trợ cho đội tuyển.
Ngoài vấn đề tập huấn và thi đấu, chúng tôi rất hy vọng trong công tác huấn luyện cần cho các VĐV sớm được tiếp cận với y học thể thao. Cụ thể, về vấn đề dinh dưỡng đối với VĐV. Thể dục là môn thể thao đòi hỏi rất khắt khe về chế độ dinh dưỡng, bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến hình thể của VĐV. Chẳng hạn, với VĐV môn TDDC có những loại dược phẩm bổ dưỡng như an cơ, amilo (bột tổng hợp)... giúp cho VĐV phục hồi và tăng khả năng chịu đựng cơ bắp nhưng không hề làm VĐV béo lên. Khi VĐV vừa đảm bảo chất dinh dưỡng vừa đảm bảo hình thể không những góp phần tích cực trong việc phòng tránh chấn thương mà còn đem lại hiệu quả cao trong quá trình huấn luyện. Để đào tạo VĐV đỉnh cao của môn thể thao Olympic này, thiết nghĩ y học là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng cần được đưa vào thực tế ở Việt Nam chúng ta càng sớm càng tốt.
Hồng Xiêm thực hiện