Hướng đến việc đưa Võ thuật cổ truyền vào trong trường học (22/06/2007)

Trong những năm qua, Võ thuật cổ truyền (VTCT) Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả trong nước cũng như quốc tế nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng. Để tìm hiểu, đánh giá những mặt còn hạn chế, phóng viên Trang tin điện tử Uỷ ban TDTT đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Thao - Chủ tịch Liên đoàn VTCT Việt Nam, nguyên PCN Uỷ ban TDTT với mong muốn làm sao để VTCT Việt Nam phát triển hơn nữa.

Trong những năm qua, Võ thuật cổ truyền (VTCT) Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả trong nước cũng như quốc tế nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng. Để tìm hiểu, đánh giá những mặt còn hạn chế, phóng viên Trang tin điện tử Uỷ ban TDTT đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Thao - Chủ tịch Liên đoàn VTCT Việt Nam, nguyên PCN Uỷ ban TDTT với mong muốn làm sao để VTCT Việt Nam phát triển hơn nữa.

Xin ông cho biết trong nhiệm kỳ này, Liên đoàn VTCT Việt Nam cần có biện pháp gì để phát triển hơn nữa phong trào tập luyện VTCT trên toàn quốc?

- Trong nhiệm kỳ này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Liên đoàn là phải mở rộng tổ chức và đưa phong trào VTCT phát triển rộng khắp tại các địa phương trên toàn quốc. Muốn làm tốt điều này cần có những chương trình phù hợp và đồng bộ, trong đó có việc tổ chức hoàn thiện hệ thống các giải đấu trên toàn quốc. Trước đây, chúng ta chỉ tổ chức giải Vô địch toàn quốc, giải trẻ toàn quốc. Như vậy, số lượng giải thi đấu trong một năm là quá ít, chưa kể đến việc các giải này thường chỉ thu hút những địa phương sẵn có phong trào VTCT phát triển. Khá đông các tỉnh, thành không cử VĐV tham gia do nhận thấy trình độ còn thấp và không có khả năng giành huy chương. Đây là hạn chế cần nhanh chóng khắc phục.

Hiện nay, đã có nhiều giải VTCT được tổ chức, thu hút sự tham gia của các địa phương trên toàn quốc như: giải VTCT tranh Cúp Đông Nam dược Bảo Long tổ chức vào tháng 7 tới hay giải Vô địch VTCT các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long... Những giải này được tổ chức thường xuyên sẽ tạo động lực thúc đẩy phong trào của các địa phương. Bên cạnh đó, Liên đoàn VTCT tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, Võ sư, Trọng tài các địa phương nhằm nâng cao chất lượng. Việc đưa VTCT vào chương trình thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V vừa qua đã giúp các địa phương chú trọng đầu tư, phát triển VTCT nhằm nâng cao thành tích trong bảng xếp hạng chung cuộc.

Với đặc thù riêng , VTCT Việt Nam có rất nhiều môn phái. Chúng ta phải làm gì để phát huy những tinh hoa võ thuật đặc trưng của mỗi môn phái?

- Đúng vậy, do đặc thù và lịch sử dân tộc, VTCT Việt Nam có rất nhiều môn phái khác nhau. Chính vì vậy, để bảo tồn và phát triển những tinh hoa võ thuật của mỗi môn phái, chúng ta cần tổ chức những giải thi đấu mang tính lễ hội (Festival - biểu diễn Quyền thuật) nhiều hơn đối kháng vì Quyền thuật mới mang nét đặc trưng của từng môn phái. Hiện nay, các giải VTCT, thi đấu Quyền thuật gồm 2 phần là những bài quyền bắt buộc theo quy định của Liên đoàn và những bài quyền tự chọn đặc trưng và tiêu biểu nhất của từng môn phái.

Vậy còn công tác quản lý Nhà nước đối với các CLB VTCT tại địa phương?

- Liên đoàn đã có quy chế về tổ chức hoạt động VTCT tại cơ sở như các Trung tâm, CLB võ thuật. Các CLB này hoạt động theo quy chế của Liên đoàn VTCT nhưng vẫn thuộc sự quản lý của Nhà nước của Sở TDTT địa phương. Sở TDTT phải có trách nhiệm chấn chỉnh nếu hoạt động của các Trung tâm, CLB này sai với tôn chỉ, mục đích và các quy định của Nhà nước.

Để có thể phổ biến rộng rãi hơn nữa VTCT, làm thế nào để đưa môn thể thao truyền thống này vào trong trường học thưa ông?

- Liên đoàn đã ấp ủ từ lâu ý định đưa VTCT vào trong trường học như là một bộ phận của môn học giáo dục thể chất trong nhà trường. Trên thực tế, lâu nay chúng ta chưa ráo riết thực hiện vấn đề này. Hiện tại, có một số trường đã đưa các bài quyền của môn Taekwondo hay Karatedo vào chương trình ngoại khoá hay như Đại học Dân lập Hồng Bàng đã chính thức đào tạo cử nhân chuyên ngành võ thuật, trong đó có võ cổ truyền.

Tuy nhiên, để làm được điều này, một mặt, Liên đoàn phải có chọn lọc, thí điểm và từng bước đưa VTCT vào trường học dưới dạng những bài tập thể chất nhằm nâng cao thể lực cho học sinh vào trong chương trình chính khoá. Mặt khác, vì Liên đoàn là một tổ chức xã hội nên không thể trực tiếp làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo được nên cũng cần có sự giúp đỡ của các vụ chức năng của Ủy ban TDTT. Việc đưa VTCT vào chương trình học chính khoá không phải là việc làm đơn giản do cần phải có giáo viên hiểu biết sâu về phương pháp sư phạm, lý luận và thực hành của võ thuật cổ truyền. Trong khi đó hiện nay, giáo viên giáo dục thể chất vẫn còn thiếu. Chính vì vậy, phải có biện pháp phù hợp trong việc đưa VTCT vào trường học.

Xin cám ơn ông và chúc VTCT Việt Nam ngày càng phát triển.

T.Dương





 

Ảnh trong bài
  • Hướng đến việc đưa Võ thuật cổ truyền vào trong trường học (22/06/2007)