Xã hội hoá Thể thao thành tích cao (24/07/2007)

Thể dục Thể thao (TDTT), theo nghĩa rộng là hiện tượng văn hoá xã hội độc đáo của loài người, là bộ phận của nền văn hoá - giáo dục; TDTT thông qua phương tiện hoạt động vận động và trò chơi để tăng cường thể chất, nâng cao kỹ năng vận động, làm phong phú đời sống tinh thần của xã hội, của con người.

Thể dục Thể thao (TDTT), theo nghĩa rộng là hiện tượng văn hoá xã hội độc đáo của loài người, là bộ phận của nền văn hoá - giáo dục; TDTT thông qua phương tiện hoạt động vận động và trò chơi để tăng cường thể chất, nâng cao kỹ năng vận động, làm phong phú đời sống tinh thần của xã hội, của con người. Trong1000 năm lịch sử phát triển TDTT, phương thức hoạt động TDTT phúc lợi công là truyền thống. Sau khi hình thành chủ nghĩa tư bản mới xuất hiện phương thức hoạt động dịch vụ TDTT trường học, TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao (TTTTC). Ở tuyệt đại đa số các quốc gia, ngay từ đầu, các hoạt động TDTT đương nhiên đã được xã hội hoá (XHH). Thậm chí ở số ít quốc gia như Mỹ, không có cơ quan Nhà nước về TDTT, chỉ có các tổ chức xã hội về TDTT. Nhưng hiện nay, đa số các quốc gia đều quản lý TDTT kết hợp giữa Nhà nước và xã hội.

Trên thế giới chỉ có Trung Quốc, Việt Nam và một số ít nước xã hội chủ nghĩa đề ra chủ trương XHH hoạt động TDTT. Trung Quốc đề ra chủ trương này sớm hơn ta khoảng 10 năm. Đây là vấn đề mang tính đặc thù của các quốc gia như: Trung Quốc và Việt Nam. Bởi vì giải pháp XHH TDTT, y tế, giáo dục là giải pháp cần thiết duy nhất cũng có thể coi là điểm tựa để chuyển đổi cơ chế vận hành nền TDTT từ kế hoạch tập trung, bao cấp toàn phần của Nhà nước sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đấy là vấn đề quy luật. Sự phát triển TDTT ở mọi quốc gia đều dựa vào nguồn lực của xã hội là chính, nguồn lực của Nhà nước chỉ chiếm tỷ trọng thấp và chủ yếu tập trung cho hỗ trợ phát triển TDTT trường học. Hiện nay, nguồn lực của Nhà nước chỉ chiếm tỷ trọng thấp và chủ yếu tập trung cho hỗ trợ phát triển TDTT trường học. Hiện nay, nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho TDTT chỉ chiếm 10% ở Úc, Nhật Bản. Ngay ở Trung Quốc cũng chỉ chiếm khoảng 40 - 50%. Ước tính tỷ trọng đầu tư của Nhà nước cho phát triển hệ thống Bóng đá đỉnh cao ở nước ta hiện nay chiếm khoảng 68%, là môn thể thao có mức độ XHH cao nhất. Như vậy, XHH TDTT, tận dụng mọi nguồn lực vật chất, trí tuệ, tinh thần của xã hội là để chuyển đổi cơ chế vận hành nền TDTT theo quy luật, từ đó tăng đáng kể lợi ích hưởng thụ TDTT của nhân dân. Giải pháp XHH TDTT có thể coi gồm các nhóm giải pháp thành phần cơ bản: Nhóm giải pháp chuyên môn; Nhóm giải pháp về pháp lý và cơ chế chính sách; Nhóm giải pháp tổ chức, quản lý; Nhóm giải pháp kinh tế.

Trong đó, nhóm giải pháp phát triển kinh tế TDTT là then chốt. TDTT không tự tạo nguồn tài chính, tài sản trong nền kinh tế thị trường, sẽ không thể phát triển. Vậy TTTTC, một bộ phận cấu thành quan trọng của nền TDTT, không thể không thực hiện giải pháp XHH. Chính TTTTC có điều kiện lớn để kích thích phát triển tiêu dùng TDTT trong xã hội, để hình thành thị trường thi đấu thể thao và thị trường tiềm năng khác, có liên quan, góp phần quan trọng phát triển nền kinh tế TDTT.

TTTTC trên thế giới có gì mới liên quan tới giải pháp XHH

Như đã nói, TTTTC, đặc biệt thể thao nhà nghề (chuyên nghiệp) liên quan tới phát triển kinh tế TDTT và XHH TDTT là vấn đề mới trong khoảng 20 năm gần đây trên thế giới. Thậm chí vào năm 2006, ở Anh quốc đã cho xuất bản cuốn sách "Kinh tế Bóng đá", nghiên cứu sâu về phát triển kinh tế TDTT riêng của môn Bóng đá. Nhưng ở đây, tác giả xin trình bày thêm về những vấn đề mới khác liên quan nhiều tới yêu cầu chuyên môn để nâng cao thành tích thể thao mà không thể thiếu giải pháp XHH.

Các quốc gia đều coi trọng tranh giành huy chương trong Thế vận hội, giải vô địch Bóng đá thế giới, khiến cho TTTTC được quốc tế hoá không chỉ XHH ở phạm vi một quốc gia. Ta thấy sau mỗi lần Thế vận hội, các quốc gia đều điều chỉnh chiến lược, điều chỉnh hệ thống TTTTC, điều chỉnh môn thể thao trọng điểm, điều chỉnh số lượng VĐV trọng điểm, đương nhiên liên quan đến điều chỉnh cơ cấu đầu tư của Nhà nước và của xã hội cho TTTTC. Ở nước ta chưa có chiến lược TTTTC nên chưa thấy tầm quan trọng của điều chỉnh chiến lược có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, tổ chức xã hội, tổ chức khoa học ngoài ngành TDTT. Sự giao lưu nhân tài TDTT cũng ngày càng được mở rộng trong phạm vi quốc tế. Sự giao lưu thông tin khoa học, thông tin tuyển chọn huấn luyện cũng ngày càng mở rộng, không giữ được bí mật tương đối dài hạn như những năm trước đây. Sự thông tin này không chỉ dựa riêng vào ngành TDTT.

Số cuộc thi đấu hàng năm tăng lên rõ rệt không chỉ làm thay đổi quan điểm huấn luyện cũ, mà còn phải huy động thêm nguồn lực của xã hội. Ngày nay, số cuộc thi đấu lớn hàng năm tăng lên nhiều, ngay như môn Điền kinh có thể hơn 20 cuộc trong năm. Tiền thưởng giành huy chương cũng tăng rõ rệt. Từ đó, dẫn đến phải thay đổi một số quan điểm huấn luyện cũ:

Mỗi năm phân chia thành 2-3 giai đoạn huấn luyện lớn chỉ còn là hình thức mà chủ yếu sắp xếp theo chu kỳ ngắn 1-2 tuần. Mỗi năm không chỉ đạt trạng thái thi đấu thể thao ở 1-2 cuộc thi (điểm rơi), mà cần có trạng thái thi đấu tương đối cao ở nhiều cuộc thi quanh năm.

Trong huấn luyện VĐV cấp cao không chỉ chú ý nâng khối lượng, cường độ một cách hình thức mà chú ý nâng chất lượng và cường độ bài tập, đảm bảo chất lượng cao của mỗi bài tập. Thực hiện lượng vận động lớn, đặc biệt 2-3 buổi mỗi tuần phải rất chú trọng các biện pháp y học phục hồi sau vận động, không thể tích luỹ mệt mỏi quá sức ngày này qua ngày khác.

Muốn đạt được những yêu cầu trên phải nắm vững đặc điểm, quy luật nâng cao thành tích của từng môn thể thao. Trong đó, huấn luyện dựa vào cơ chế trao đổi năng lượng của cơ thể đặc biệt quan trọng.

Nếu các cuộc thi không nhiều trong năm, cũng có nghĩa không cần thay đổi quan điểm huấn luyện, không còn động lực và điều kiện để đạt thành tích thể thao kỷ lục. Đây là tình trạng ở nhiều môn thể thao của nước ta. Muốn có nhiều cuộc thi đấu trong năm cần phải có nhiều tiền, đương nhiên phải tăng cường XHH, thu hút thêm nhiều nguồn lực và tài trợ từ xã hội.

Trẻ hoá lứa tuổi đạt thành tích cao nhờ thay đổi rõ rệt hệ thống tuyển chọn và bồi dưỡng tài năng thể thao cũng phải dựa vào XHH. Lứa tuổi đạt thành tích thể thao cao của VĐV được trẻ hoá ở nhiều môn thể thao cá nhân và các môn Bóng. Đây là yêu cầu tất yếu để VĐV dồi dào về thể lực, tham gia nhiều cuộc thi đấu quan trọng trong năm. Và cũng là yêu cầu tất yếu tăng lợi nhuận trong kinh doanh TTTTC. Vấn đề này liên quan đến tuyển chọn và bồi dưỡng tài năng thể thao trẻ, đang không ngừng đổi mới. Quy trình, tiêu chuẩn tuyển chọn, phương pháp đào tạo VĐV trẻ khác rất nhiều so với trước đây và ngày càng được khoa học hoá. Nguồn lực đầu tư cho vấn đề này rất lớn, chủ yếu nhờ nguồn lực từ xã hội. Tuyển chọn và đào tạo tài năng trẻ, đặc biệt ở môn Bóng đá đã theo xu thế quốc tế hoá, mở rộng thị trường đào tạo nhân tài. Các câu lạc bộ thể thao nhà nghề, tổ chức xã hội, mới có khả năng giải quyết tốt vấn đề này. Nếu chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước, chắc chắn hiệu quả thấp.

Khoa học công nghệ trở thành nhân tố quan trọng để nâng cao thành tích thể thao cũng không thể thiếu nguồn lực đóng góp từ xã hội. Ta thấy ở Mỹ có từ 4-5 Trung tâm huấn luyện thể thao Olympic, ở Trung Quốc có 5-6 cơ sở huấn luyện thể thao trọng điểm của quốc gia. Xu thế đào tạo tập trung VĐV cấp cao là tất yếu, do yêu cầu phải tập trung tác động về khoa học công nghệ để nâng cao thành tích thể thao quốc gia theo hình thức chỉ chăm nuôi, ăn ở, không chú trọng tác động về khoa học công nghệ thì hiệu quả rất thấp. Vấn đề quan trọng nhất để nâng cao thành tích thể thao ngày nay là, kết hợp giữa các khâu: Thực tiễn huấn luyện của HLV, khoa học công nghệ, chăm sóc y học. Muốn thành công trong huấn luyện theo chu kỳ ngắn, theo cơ chế trao đổi năng lượng, ít nhất phải giám định khoa học sau mỗi buổi tập (đặc biệt sau buổi tập nặng), sau mỗi chu kỳ ngắn; ít nhất phải chăm sóc y học và hồi phục. Ở đây xin chưa bàn đến những tác động khác nhau của khoa học công nghệ và y học TDTT. Tác động về khoa học công nghệ và y học TDTT nhờ huy động nguồn lực (trí tuệ, phương tiện) của xã hội, không chỉ của ngành TDTT. Để phục vụ cho 4-5 Trung tâm huấn luyện thể thao Olympic ở Mỹ, người ta huy động hơn 20 trường Đại học và các khoa cùng tham gia tác động về khoa học công nghệ và y học TDTT.

XHH TTTTC ở nước ta nên như thế nào

Từ nay đến năm 2020, nâng cao thành tích thể thao ở nước ta chủ yếu vẫn dựa vào sự chỉ đạo, hỗ trợ và đầu tư của Nhà nước. Bởi vì, trình độ XHH TDTT của nước ta còn thấp, ngay cả trong môn Bóng đá. Nền kinh tế TDTT phát triển, đặt cược Bóng đá được thực hiện thành công, XHH TDTT sẽ có bước phát triển mới. Tạm thời, có thể nêu một số vấn đề định hướng XHH TTTTC để tham khảo: Từng bước xây dựng và phát triển thị trường liên quan tới thi đấu thể thao chuyên nghiệp, TTTTC, đặc biệt thị trường đặt cược Bóng đá, Đua ngựa, thị trường quảng cáo và tài trợ...; Xây dựng chiến lược TTTTC đến năm 2020, trong đó chú trọng các giải pháp XHH; Tăng số cuộc thi đấu hàng năm của các môn thể thao đạt tương đương quốc tế nhờ huy động thêm nguồn nhân lực từ xã hội; Cải thiện rõ rệt công tác tuyển chọn và bồi dưỡng, đào tạo tài năng thể thao trẻ ở môn Bóng đá và ở 2-3 môn thể thao trọng điểm ưu tiên số 1, nhờ huy động thêm nguồn lực của xã hội, của các câu lạc bộ chuyên nghiệp, chú trọng xu thế quốc tế hoá trong tuyển chọn, đào tạo VĐV Bóng đá trẻ; Kết hợp chặt chẽ thực tiễn huấn luyện của HLV tới khoa học công nghệ và chăm sóc y học TDTT ở môn Bóng đá và 2-3 môn thể thao trọng điểm nhờ huy động nguồn lực trong và ngoài ngành TDTT. Tăng cường vai trò các tổ chức xã hội về TDTT của các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp trong quản lý và vận hành TTTTC.

GS.TS Dương Nghiệp Chí



 

Ảnh trong bài
  • Xã hội hoá Thể thao thành tích cao (24/07/2007)