TTHLTTQG III với công tác chuẩn bị cho SEA Games 24 (07/08/2007)

Hiện tại, tổ chạy cự ly trung bình đã có những thay đổi bổ sung về nhân sự. Sau những thành công tại SEA Games 22 và 23, một số VĐV đã giã từ đường chạy như Lê Văn Dương, VĐV Đỗ Thị Bông hiện đang điều trị chấn thương chưa hồi phục hoàn toàn, còn các VĐV trẻ lại chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn thành tích thể thao lẫn kinh nghiệm thi đấu tại các giải lớn.

* Xin Ông cho biết khái quát về tình hình tập luyện các đội tuyển chuẩn bị tham dự SEA Games 24 tại Trung tâm HLTT Quốc gia III hiện nay như thế nào?

Hiện tại, tổ chạy cự ly trung bình đã có những thay đổi bổ sung về nhân sự. Sau những thành công tại SEA Games 22 và 23, một số VĐV đã giã từ đường chạy như Lê Văn Dương, VĐV Đỗ Thị Bông hiện đang điều trị chấn thương chưa hồi phục hoàn toàn, còn các VĐV trẻ lại chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn thành tích thể thao lẫn kinh nghiệm thi đấu tại các giải lớn.

Theo kế hoạch huấn luyện, đội tuyển Điền kinh vừa có đợt tập huấn tại Côn Minh, Trung Quốc (05 tuần) để chuẩn bị tham dự giải Điền kinh Quốc tế mở rộng tại Tp Hồ Chí Minh. Đây là giải mà Ban huấn luyện sẽ đánh giá rút kinh nghiệm và điều chỉnh kế hoạch huấn luyện để chuẩn bị tốt cho kế hoạch tập huấn tiếp theo và tham dự SEA Games 24. Đáng mừng, sự kiện VĐV Trương Thanh Hằng giành HCV cự ly 800m và HCĐ cự ly 1500m tại giải vô địch Điền kinh Châu Á lần thứ 16 tổ chức ở Jordan vừa qua đã tạo tâm lý tốt cũng như bước chuẩn bị vững chắc không chỉ đối với Thanh Hằng mà đối với cả các VĐV trong tổ trước thềm SEA Games 24.

Riêng 02 VĐV đội tuyển Bơi lội vừa được chuyển từ đội tuyển trẻ lên đội tuyển quốc gia từ ngày 01/6/2007. Sau khi được sự thống nhất của Uỷ ban TDTT và các Sở TDTT Quảng Bình, Đà Nẵng; Hiện VĐV Nguyễn Văn Tý đang tập huấn cùng đội tuyển tại Côn Minh – Trung Quốc. Trong tháng 8 tới VĐV Hoàng Quý Phước cũng sẽ sang tập huấn tại Côn Minh – Trung Quốc. Tuy 2 VĐV này còn rất trẻ nhưng đã rất nỗ lực cố gắng để giành vị trí chính thức trong đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 24.

* Với cương vị quản lý nhà nước về TDTT, xin ông cho biết cơ sở vật chất (trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và thi đấu, sân bãi…) hiện nay ở Trung tâm có đúng tiêu chuẩn quốc tế và có đảm bảo cho việc tập luyện để đạt được mục tiêu đề ra của các VĐV không?

Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự chỉ đạo của Ngành TDTT, lãnh đạo Trung tâm đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ đảm bảo phục vụ tốt nhất cho đội tuyển tập luyện và thi đấu. Tuy nhiên trong những năm gần đây, đặc biệt sau cơn bão số 6, mặt sân Điền kinh của Trung tâm đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nên đội tuyển không thể tập luyện tại đây. Để khắc phục vấn đề này, lãnh đạo Trung tâm đã có kế hoạch đề xuất với lãnh đạo Ngành TDTT và các Vụ chức năng nâng cấp và sửa chữa mặt sân Điền kinh. Nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí do vậy đội tuyển Điền kinh tổ cự ly trung bình, hàng ngày phải bố trí ô tô đưa đón phục vụ cho đội tuyển tập nhờ tại sân Chi Lăng – Đà Nẵng nhằm đáp ứng yêu cầu và kế hoạch chuyên môn mà Ban huấn luyện đề ra. Ngoài ra, các VĐV Bơi lội đã được trang bị các phương tiện tập luyện tốt nhất theo yêu cầu của Ban huấn luyện, nước bể bơi luôn được đảm bảo theo tiêu chuẩn.

* Ở giai đoạn hiện nay, các VĐV đang tập luyện với lượng vận động lớn, vậy công tác hồi phục ở Trung tâm được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Tính đến thời điểm này đã kết thúc giai đoạn thi đấu 1 (giải điền kinh vô địch Châu Á và giải Quốc tế mở rộng tại Tp Hồ Chí Minh và giải vô địch Bơi lội toàn quốc). Qua đó, các Ban huấn luyện có kế hoạch điều chỉnh rút kinh nghiệm và bổ khuyết cho từng VĐV để bước vào tập luyện và thi đấu giai đoạn 2 (chuẩn bị và thi đấu tại SEA Games 24 tại Thái Lan). Vì vậy kế hoạch tập luyện luôn có những bài tập với cường độ và khối lượng cao nên Ban huấn luyện thường xuyên phối hợp với Trung tâm Y học thể thao kiểm tra sức khoẻ định kỳ, matsa và xông hơi sau buổi tập nặng để VĐV nhanh chóng hồi phục hoàn toàn bước vào các buổi tập tiếp theo.

Để đáp ứng được các bài tập chuyên môn cao, ngoài việc nỗ lực tập luyện, vấn đề tăng cường khả năng hồi phục cho VĐV trong giai đoạn nước rút là rất quan trọng. Chính vì vậy, Ban huấn luyện cũng như Lãnh đạo Trung tâm đã đề xuất với Uỷ ban TDTT và Viện khoa học cung cấp thêm thực phẩm thuốc và cao tụ đường cho VĐV, nhưng đến thời điểm này VĐV vẫn chưa có sự hỗ trợ ngoài tiền ăn 60.000đ/ngày.

* Còn công tác y tế ở Trung tâm được thực hiện như thế nào thưa ông?

Trung tâm Y học thể thao của TTHLTTQG III thường xuyên phục vụ hồi phục cho VĐV sau thời gian tập luyện và thi đấu, đồng thời thường xuyên kiểm tra vệ sinh nhà ăn của VĐV nhằm đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà ở cũng như môi trường tập luyện, học văn hoá. Bên cạnh đó, các công tác khác như: kiểm tra khám bệnh, cấp phát thuốc khi ốm đau; sẵn sàng sơ cứu kịp thời, chăm sóc các vết thương; đặc biệt thực hiện vật lý trị liệu cho VĐV; mua bảo hiểm y tế… đều được Trung tâm Y học thực hiện đầy đủ. Ngoài ra, Trung tâm Y học còn phối kết hợp với Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng để điều trị các trường hợp chấn thương xảy ra trong khi các VĐV tập luyện và thi đấu tại TTHLTTQG III.

* Xin ông cho biết khái quát về cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt cho vận động viên các đội tuyển đang tập huấn chuẩn bị cho SEA Games như thế nào?

Cũng như cơ sở vật chất phục vụ cho VĐV trong tập luyện và thi đấu, lãnh đạo Trung tâm quan tâm đầu tư về các điều kiện ăn, ở và sinh hoạt cho VĐV.

Nhà ăn được trang bị dụng cụ bảo quản và chế biến thức ăn đảm bảo vệ sinh, bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho VĐV theo quy định. Trung tâm đã tăng cường đội ngũ chế biến thức ăn và kiểm tra chặt chẽ việc ăn uống của VĐV.

Về phòng nghỉ, đơn nguyên 2 nhà ở của VĐV đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, phòng ở được phân bổ hợp lý bảo đảm được nội quy, quy định của cơ quan. Đối với VĐV đội tuyển được bố trí 2 VĐV/1 phòng bảo đảm đầy đủ tiện nghi trong sinh hoạt.

Lãnh đạo Trung tâm bố trí phòng nghe nhìn, truy cập Internet để các đội tổ chức họp đội, sinh hoạt và tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao đời sống tinh thần của VĐV.

Trung tâm cũng thường xuyên cung cấp thông tin, báo chí và tổ chức các hoạt động tham quan, dã ngoại nhằm tạo cho các VĐV hồi phục thư giãn, giải trí sau giai đoạn tập luyện và thi đấu.

* Trong tình hình hiện nay, TTHLTTQG III có gặp khó khăn gì trong công tác quản lý VĐV.

Do số VĐV và HLV tập trung tại TTHLTTQG III chưa đồng nhất về số lượng và chất lượng nên công tác đào tạo huấn luyện ảnh hưởng rất lớn. Đặc biệt là khâu tuyển chọn VĐV ban đầu vào tập trung tập huấn. Khi quyết định triệu tập VĐV trẻ cần phải qua kiểm tra y học tại Viện khoa học TDTT để tránh lãng phí trong quá trình đào tạo; hiệu quả đào tạo hiện tại chưa được như mong muốn một phần do công tác tuyển chọn ban đầu. Nếu như số lượng các VĐV trẻ tập huấn tại đây được tăng cường hơn nữa thì việc tuyển chọn VĐV cũng như công tác quản lý sẽ đạt hiệu quả cao hơn

Xin chân thành cảm ơn ông.

Thanh Xiêm thực hiện





 

Ảnh trong bài
  • TTHLTTQG III với công tác chuẩn bị cho SEA Games 24 (07/08/2007)