Doping và chống doping là một trong những vấn đề mang tính chất thời sự trong lĩnh vực thể thao nói chung và trong lĩnh vực y học thể thao nói riêng. Trên thế giới và có lẽ ngay cả trong nước ta, việc lạm dụng doping trong tập luyện và thi đấu thể thao ngày một nhiều và ngày càng tinh vi.
Hậu quả của việc sự dụng doping đã làm cho nhiều VĐV bị mắc các chứng bệnh hiểm nghèo, sức khoẻ thể chất và tinh thần đều sa sút. Thậm chí đã có nhiều VĐV thiệt mạng vì sử dụng doping. Trong thể thao xuất hiện thành ngữ gọi những VĐV sử dụng doping là những "con bù nhìn đê mê" trong thi đấu. Việc lạm dụng doping không chỉ gây nên sự không công bằng trong thành tích thể thao, sự lừa dối ở những tấm huy chương, mà nghiêm trọng hơn nó huỷ hoại nhân cách VĐV, huỷ hoại tâm hồn và cơ thể VĐV. Các trường hợp sử dụng doping thường thấy ở VĐV của một số môn thể thao: Điền kinh, Xe đạp, Bóng đá, Quyền anh, Quần vợt, Cử tạ, Bóng chày, Hockey...
Nhiều cuộc họp của lãnh đạo Uỷ ban Olympic các quốc gia, lãnh đạo các Liên đoàn thể thao quốc tế đã bàn và đề ra những biện pháp cấp bách, cụ thể để kiểm tra và đưa hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các VĐV sử dụng chất kích thích, nhằm bảo vệ sự trong sáng của Hiến chương Olympic, bảo vệ những mục đích cao đẹp của TDTT.
Hội đồng Y học thể thao của Uỷ ban Olympic quốc tế đã nhiều lần cố gắng đưa ra một bản danh sách những chất kích thích cấm sử dụng. Song nhiều người đã lợi dụng việc điều trị bệnh để đưa các chất kích thích có trong thuốc vào cơ thể nhằm mục đích doping, hoặc họ sử dụng các hợp chất cùng họ với các chất có trong danh mục thuốc cấm dùng. Để chống tình trạng này, khi biên soạn danh mục các loại thuốc cấm bao giờ cũng ghi thêm vào cuối câu: "... và những hợp chất cùng họ cũng bị cấm". Còn khi dùng thuốc để chữa bệnh, thầy thuốc phải chọn cho VĐV những loại thuốc nào không chứa những chất đã có trong danh mục cấm. Bởi khi đã xét nghiệm có kết quả dương tính thì dù với bất kỳ lý do gì VĐV đó cũng vẫn bị vị phạm Luật cấm sử dụng doping.
Những năm gần đây, người ta còn sử dụng doping trong tập luyện nhằm mục đích thúc đẩy nhanh thành tích thể thao. Điển hình là việc sử dụng steroid sinh dục nam tăng đồng hoá. VĐV các môn thể thao hay sử dụng biện pháp này thường là các môn "thể thao cường sức" như: Bóng đá, Cử tạ, một vài phân môn của Điền kinh, Bơi, Xe đạp...
Một thực tế nữa mà người ta cũng thừa nhận rằng, không phải thày thuốc nào và HLV nào cũng coi việc chăm sóc VĐV mà họ phụ trách là công việc hàng đầu, thậm chí họ còn thúc bách VĐV phải giành chiến thắng bằng mọi giá. Nếu các cuộc thi đấu thể thao để cho suy thoái thành những cuộc đua tranh giữa các nhà dược lý học, các thày thuốc, các HLV... với các đấu thủ được dùng như vật thí nghiệm thì những cuộc thi đấu đó chắc chắn là trái với đạo lý tốt đẹp của TDTT.
Ở Việt Nam, mặc dù còn mới mẻ song vấn đề doping cần phải được đề cập đến một cách nghiêm túc. Bởi hiện nay, hiện tượng sử dụng doping đã xuất hiện trong một số cuộc thi đấu thể thao trong nước; VĐV, HLV và thầy thuốc còn thiếu hiểu biết về vấn đề doping và chống doping như: doping là gì, thuốc nào và phương pháp nào được gọi là doping, tác hại trước mắt và lâu dài của doping như thế nào và luật lệ chống doping ra sao?... Hiện tại, Việt Nam chưa có Luật chống doping trong các hoạt động thể thao.
Việt Nam là một quốc gia lớn ở khu vực Đông Nam Á, sớm muộn sẽ phải đăng cai tổ chức các cuộc thi đấu cấp châu lục và thế giới. Do đó, ngay từ bây giờ, chúng ta phải đào tạo một đội ngũ các chuyên gia về vấn đề này và phải có phương án tiến hành xây dựng một phòng kiểm tra doping với quy mô cho phép.
Mặc dù, hiện nay các phương pháp để kiểm tra doping đã phát triển rất tinh vi, song phải giáo dục cho mọi người nhận thức được rằng việc sử dụng doping là có hại rất sâu sắc tới sức khỏe, nhiều VĐV đã thiệt mạng do lạm dụng doping, sử dụng doping là vi phạm đến sự trong sáng về đạo đức, tâm lý và nhân cách VĐV chân chính, là bôi nhọ danh dự VĐV, danh dự đồng đội và cả quốc gia mình.
Do đó, việc tìm hiểu về doping và chống doping trong thể thao là một việc làm cần thiết trong giai đoạn trước mắt và lâu dài của một nền TDTT phát triển toàn diện và vững chắc. Chống doping còn là vấn đề có tính pháp luật trong thể chế Nhà nước ta về hoạt động TDTT.
TS. Lê Đức Chương