Những kết quả đạt được sau 7 năm thực hiện Chỉ thị tại một số địa phương

Sau 7 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX), sự nghiệp TDTT nước ta đã có bước phát triển đáng khích lệ, góp phần tích cực vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội.

Đoàn kiểm tra, khảo sát công tác thực hiện Chỉ thị 17 làm việc tại tỉnh Phú Yên(Ảnh: Trần Vỹ)
TDTT quần chúng được mở rộng trong các đối tượng và địa bàn với nhiều hình thức phong phú và đặc biệt thể thao thành tích cao có tiến bộ rõ rệt, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới và Châu lục. Đó là nhận xét, đánh giá của Vụ các vấn đề xã hội (phối hợp với Tổng cục TDTT, Bộ VH,TT&DL) sau khi kiểm tra, khảo sát tại 9 tỉnh, thành phố (Tp Hồ Chí Minh, Tp Hà Nội, An Giang, Tây Ninh, Quảng Trị, Sơn La, Nam Định, Gia Lai, Phú Yên). Những chuyển biến đó được cụ thể trên các mặt sau:

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị

Sau khi Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về phát triển TDTT đến năm 2010 được ban hành, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trên đã chủ động, tích cực tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy ban hành kế hoạch chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy, các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy, các ngành, đoàn thể có liên quan triển khai, quán triệt các văn bản này đến chi bộ, đảng viên và cán bộ công chức, viên chức các ngành liên quan, phổ biến tới các đoàn thể và quần chúng nhân dân.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố phối hợp với ngành VH,TT&DL và các ngành liên quan kịp thời tham mưu cho Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy ban hành các văn bản như: thông tri, chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động và kế hoạch tổ chức thực hiện nhằm cụ thể hóa chỉ thị trên; đồng thời chỉ đạo các tổ chức đảng, các ngành, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp.

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân và UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, các quyết định đề án, chương trình hành động để tổ chức thực hiện. Các nhiệm vụ, mục tiêu về thể dục thể thao được đưa vào Nghị quyết, kế hoạch hàng năm của Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp để chỉ đạo thực hiện. Trong đó, phải kể đến một số tỉnh đã thực hiện tốt công tác này như: Sơn La, Quảng Trị, Phú Yên, Tây Ninh.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân của các tỉnh, thành phố cùng các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát và thường xuyên sơ, tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 17 tại địa phương.

Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thể dục thể thao của các cấp uỷ đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đã có sự chuyển biến đáng kể. Các cấp, các ngành, các địa phương coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, qua đó chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chỉ thị; đề ra các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai; đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành trong hoạt động TDTT.

Về kết quả tổ chức, thực hiện Chỉ thị

Sau khi có Chỉ thị 17-CT/TW, công tác TDTT tại các tỉnh, thành phố và cơ sở đào tạo trên ngày càng được quan tâm, nhiều hoạt động mang tính giáo dục cao đã được các cấp chính quyền chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhân Ngày truyền thống ngành TDTT (27/3) hàng năm.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy sự nghiệp TDTT các tỉnh, thành phố đã có những bước chuyển biến như: TDTT cho mọi người, thể thao trường học và đặc biệt là thể thao thành tích cao. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa thể thao, chuyên nghiệp hóa thể thao, công tác quy hoạch đất dành cho thể thao cũng như việc đầu tư xây dựng các công trình thể thao cũng đã từng bước được cải thiện.

TDTT chúng ngày càng phát triển và mở rộng đến nhiều đối tượng với nhiều hình thức hoạt động đa dạng, phong phú và gắn chặt hơn với việc xây dựng làng văn hóa, bảo tồn và phát huy các bộ môn thể thao dân tộc. Số lượng người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên tăng nhanh hàng năm. Theo số liệu thống kê mới nhất, lượng người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên và số hộ gia đình thể thao tăng nhanh hàng năm tại các tỉnh (Sơn La: 19,3%, 14,3%; Nam Định: 28%, 17%; Gia Lai: 21,5%, 16,5%; Phú Yên: 21,7% và trên 14,7%; Quản Trị: 24,5%, trên 14,%; Tây Ninh: 25%, 20%; tỉnh An Giang: 27,8%, 23%; Tp Hồ Chí Minh: 24,5%, 20%; Tp Hà Nội: 27%,18%).

Phong trào tập luyện TDTT trong cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, thanh niên, sinh viên, học sinh phát triển khá mạnh và đã trở thành nòng cốt cho TDTT quần chúng trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố; công tác giáo dục thể chất trong các trường học ngày càng được quan tâm, coi trọng. Việc giảng dạy môn giáo dục thể chất ngày càng nề nếp hơn và có nhiều tiến bộ.    

Hoạt động thể thao thành tích cao của một số tỉnh, thành phố đã và đang được các cấp, các ngành quan tâm, xác định những mục tiêu mũi nhọn, lựa chọn ưu tiên phát triển những môn thi đấu phù hợp điều kiện cụ thể của địa phương và có kế hoạch đầu tư theo chiều sâu. Đơn cử như thể thao thành tích cao của tỉnh An Giang, được xếp thứ nhất trong khu vực ĐBSCL và trong 10 hạng đầu của cả nước với những môn thể thao mũi nhọn như: Xe đạp, Điền kinh, Bơi, Thể hình, Võ cổ truyền, Taekwondo, Boxing, Pencak Silat, Đua thuyền...

Cùng với đó, việc phát hiện, tuyển chọn VĐV năng khiếu cho các đội tuyển, các tuyến năng khiếu ở các môn có nhiều tiến bộ. Chế độ, chính sách đối với VĐV từng bước được cải thiện. Chương trình mục tiêu đào tạo tài năng thể thao quốc gia được quan tâm và đã phát hiện, đào tạo được hàng nghìn lượt VĐV các môn thể thao khác nhau tại Nam Định, Gia Lai, Tp Hồ Chí Minh, Tp Hà Nội.

Ngoài ra, tại các tỉnh, thành phố trên công tác tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác TDTT đang từng bước ổn định và phát triển cả về số lượng và chất lượng; công tác xã hội hóa TDTT cũng được các tỉnh, thành phố quan tâm, chú trọng.

Phạm Thanh Cẩm

Ảnh trong bài
  • Những kết quả đạt được sau 7 năm thực hiện Chỉ thị tại một số địa phương