Trường Đại học TDTT III - Đà Nẵng với những bước tiến quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục Đại học ở Việt Nam(02/10/2007)

Có thể nói năm học 2006 - 2007 là năm hết sức quan trọng, được coi là năm bản lề đối với ngành Giáo dục nói riêng và với cả nước nói chung. Hoà chung không khí toàn Đảng, toàn dân thi đua lập thành tích chào mừng thành công của kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khoá XII, tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường Đại học TDTT III - Đà Nẵng đã phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Phóng viên Trang tin Điện tử TDTT đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tấn Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT III - Đà Nẵng về năm học đặc biệt này.

Có thể nói năm học 2006 - 2007 là năm hết sức quan trọng, được coi là năm bản lề đối với ngành Giáo dục nói riêng và với cả nước nói chung. Hoà chung không khí toàn Đảng, toàn dân thi đua lập thành tích chào mừng thành công của kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khoá XII, tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường Đại học TDTT III - Đà Nẵng đã phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Phóng viên Trang tin Điện tử TDTT đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tấn Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT III - Đà Nẵng về năm học đặc biệt này.

* Thưa ông, năm học 2006 - 2007 là năm đánh dấu sự kiện quan trọng đối với tập thể thày và trò trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng khi chính thức Nhà trường được nâng cấp thành trường Đại học và cũng là trường duy nhất đào tạo chuyên ngành TDTT tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hơn nữa, Quyết định về việc sáp nhập Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới vị thế của Nhà trường. Trước thềm năm học mới, xin ông cho biết đôi điều cảm nhận về trọng trách mà Nhà trường được giao?

Phải nói rằng năm học 2006 - 2007 là thời khắc lịch sử quan trọng, đánh dấu quá trình 30 năm xây dựng và trưởng thành của Nhà trường. Từ một trường trung học với cơ sở vật chất còn thô sơ, nghèo nàn, Nhà trường đã không ngừng cố gắng, nỗ lực để đến năm 1997 chính thức được Thủ tướng Chính phủ nâng cấp thành trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng. Từ đó đến nay, tập thể giảng viên, cán bộ công nhân viên Nhà trường luôn quyết tâm phấn đấu xây dựng trường vững mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, quản lý.

Năm học 2006 - 2007 cũng là năm Nhà trường tạo được bước tiến nhảy vọt khi Thủ tướng Chính phủ quyết định tiếp tục nâng cấp trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng thành trường Đại học TDTT III - Đà Nẵng. Trong niềm hân hoan đó, tập thể thày và trò Nhà trường càng ý thức được trọng trách to lớn được giao và quyết tâm thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra, xứng đáng là một trong những trường đào tạo cán bộ TDTT có chất lượng cho ngành.

Đặc biệt, trước tình hình mới của đất nước, nhất là sau kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khoá XII, nước Cộng hoà XHCN Việt Nam với việc sáp nhập các Bộ, ngành, đối với Nhà trường trọng trách lại càng nặng nề hơn, mở ra nhiều điều kiện thuận lợi về thế và lực trong việc phối hợp toàn diện về đào tạo, phù hợp với quá trình hội nhập thế giới.

* Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết của toàn ngành giáo dục. Vậy xin ông cho biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ này Nhà trường đã có những chủ trương, định hướng, giải pháp như thế nào và yếu tố nào là quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay, khi Nhà trường bắt đầu đào tạo hệ Đại học chính quy?

Đề cập tới chất lượng đào tạo không thể không nói đến trình độ của đội ngũ giảng viên. Vì vậy, ngay từ khi Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái - Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT (trước đây), nay là Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có kết luận về việc nâng cấp lên Đại học (năm 2003), công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên, đặc biệt là cán bộ quản lý, cán bộ khoa học đã được đẩy mạnh và coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường. Nhờ vậy, đến năm 2003 số lượng giảng viên có trình độ của Nhà trường đã tăng cả về chất và lượng; từ 1% số giảng viên có trình độ thạc sỹ đến nay con số này đã tăng lên 36%. Bên cạnh đó, còn có 30 giảng viên hiện đang theo học chương trình này. Do vậy, số giảng viên đạt trình độ thạc sỹ sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới. Hơn nữa, con số 10 giảng viên đã và đang làm nghiên cứu sinh (ở cả trong nước và nước ngoài) của trường Đại học TDTT III Đà Nẵng chắc chắn sẽ đáp ứng kịp thời cho định hướng mới của Chính phủ về vấn đề đào tạo Đại học và sau Đại học.

Thêm nữa, việc đổi mới phương pháp giảng dạy của Nhà trường đã đem lại hiệu quả cao khi phát huy được tính tích cực của người học và hạn chế tối đa hình thức đọc - chép trên giảng đường. Tiêu biểu phải kể đến những phương pháp đánh giá chất lượng học tập của sinh viên cũng như chất lượng bài giảng của giảng viên; việc sử sụng các trang thiết bị hiện đại vào giảng dạy đã góp phần làm phong phú bài giảng và nêu cao tính tự nghiên cứu của sinh viên... Những cố gắng, nỗ lực này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục Đại học ở Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo các loại hình cán bộ TDTT trong bối cảnh Nhà trường hội nhập, phát triển.

* Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Thịnh Hường - Quỳnh Hoa




 

Ảnh trong bài
  • Trường Đại học TDTT III - Đà Nẵng với những bước tiến quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục Đại học ở Việt Nam(02/10/2007)