|
Chủ tịch FIFA - Sepp Blatter dự lễ khánh thành sân cỏ nhân tạo tại TTĐT BĐ trẻ Việt Nam (Ảnh: TT) |
Phát triển kinh tế TDTT
Là 1 tổ chức xã hội nghề nghiệp, LĐBĐVN đã từng bước tự trang trải cho hoạt động của mình thông qua việc xây dựng thương hiệu các giải đấu do LĐ quản lý và phối hợp với các tổ chức xã hội khác như báo Thanh niên, báo Nhi đồng, báo Thiếu niên để phát triển Bóng đá trẻ.
Từ năm 1994 – 1998, mỗi năm LĐBĐVN bán thương quyền cho công ty môi giới tài trợ Strata 300.000 USD. Từ đầu năm 2000 – 2002, mỗi năm số tiền đó là 2 triệu USD. Bắt đầu từ năm 2003 thương quyền được phân chia cho các LĐBĐ địa phương và các CLB cùng khai thác. LĐBĐVN giữ quyền khai thác nhà tài trợ tên giải và nhà tài trợ chính. Năm 2003 đã thu về từ việc này 4 tỷ đồng, từ năm 2004 – 2009 thu về 7,2 – 8 tỷ đồng, năm 2010 đã thu 11 tỷ đồng.
Tổng giá trị thương quyền của mỗi giải đấu từng năm đã được nâng lên từ 30 tỷ đồng/năm trong những năm 2001 – 2002 đã tăng lên 40 tỷ đồng năm 2003 và 60 tỷ đồng năm 2004, đến năm 2005 là 8- tỷ đồng. Năm 2010 đã đạt được con số kỷ lục với 500 tỷ đồng. Vấn đề bản quyền truyền hình đang có nhiều chuyển biến tích cực. Từ chỗ phải nhờ vả, thậm chí phải mất tiền để truyền tải những hình ảnh về Bóng đá trên truyền hình đến nay LĐ và các CLB đều đã có nguồn thu từ 100 đến 500 triệu đồng trong 1 năm tuỳ thuộc vào số lượng các trận đấu được truyền hình trực tiếp. Từ năm 2005 – 2009, mỗi năm giải đấu thu về khoảng 900 triệu đồng và năm 2010 nguồn thu này đạt trên 4 tỷ đồng. Giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp (V-league) đã trở thành giải đấu hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á về mặt tổ chức, chuyên môn và hẫp dẫn. Theo công bố của cơ quan thống kê lịch sử Bóng đá thế giới năm 2009, V-league đã nhảy vọt từ vị trí thứ 93 lên vị trí thứ 41 trong tốp 100 giải vô địch quốc gia hấp dẫn nhất hành tinh.
Bóng đá việt Nam trong thời gian qua đã có một sự tiến bộ vượt bậc, bước đầu đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ. Đội tuyển vô địch AFF Cúp năm 2008, vào giai đoạn 2 của vòng chung kết giải vô địch Châu Á năm 2009, các đội U16, U19 lọt vào vòng chung kết giải trẻ Châu Á năm 2010, đội tuyển nữ vô địch SEA Games liên tiếp…
Khó khăn cần khắc phục
Bóng đá chuyên nghiệp có những mặt tích cực tạo ra cơ sở vật chất và nguồn kinh phí lớn để phát triển nhưng Bóng đá chuyên nghiệp theo quy luật của kinh tế thị trường cũng tạo ra những mặt tiêu cực. Trong 10 năm qua, đã có lúc Bóng đá bị ảnh hưởng của tiêu cực và tệ nạn xã hội xâm nhập vào hoạt động Bóng đá như moóc ngoặc, cá độ, mua bán tỷ số kể cả ở cấp đội tuyển quốc gia. Những mặt tiêu cực đó xuất hiện nhiều trong những năm từ 2003 – 2007. Một số trận đấu ở giải vô địch quốc gia còn chưa đảm bảo an ninh, an toàn và hành vi thiếu văn hoá của khán giả ở một số địa phương đã làm hoen ố hình ảnh của Bóng đá Việt Nam. Trong những trường hợp này, LĐBĐVN phải đơn độc đứng ra giải quyết trong khi sự hỗ trợ về mặt pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước về TDTT đối với liên đoàn còn hạn chế do sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và LĐBĐVN chưa được chặt chẽ, mặt khác LĐBĐQG còn phụ thuộc vào môi trường chính trị, xã hội, kinh tế, văn hoá.
Một trong những khó khăn trong hoạt động của các liên đoàn thể thao nói chung và của LĐBĐVN nói riêng là do nhận thức về vấn đề xã hội hoá còn chưa đầy đủ. Trong tiến trình xã hội hoá, thiết nghĩ nhà nước vẫn tiếp tục tăng cường đầu tư cho Bóng đá nhưng không phải bao cấp như trước đây và không can thiệp trực tiếp vào những vấn đề thuộc chuyên môn và kỹ thuật mà tập trung vào việc định hướng tạo điều kiện kiểm tra, giám sát hoạt động và can thiệp vào những vấn đề liên quan đến việc thực hiện những định hướng chính trị và pháp luật. Chỉ thị /CT-TW của Ban Bí thư đã đổi mới cơ bản các hình thức và biện pháp quản lý nhà nước về TDTT. Đối với các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia cần phải được cụ thể hoá để tạo ra các hành lang pháp lý cho các Liên đoàn, Hiệp hội hoạt động.
Sự chỉ đạo và phối hợp hoạt động của uỷ ban Olympic quốc gia đối với LĐBĐVN – một tổ chức thành viên còn hạn chế cũng là một trong những yếu tố được coi là khó khăn trong nhiều hoạt động của LĐBĐVN. Để tiếp tục đạt được những bước phát triển mạnh mẽ của nền Bóng đá nước nước, cần phải tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo của Tổng cục TDTT – cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về TDTT của Việt Nam đối với liên đoàn, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội nghề nghiệp khác…
Nói tóm lại, LĐBĐVN đã thực hiện tốt sự mệnh quản lý, điều hành và đưa nền Bóng đá Việt Nam phát triển lên 1 tầm cao mới đáp ứng được yêu cầu của ngành giao phó.
Phạm Ngọc Viễn