LĐBĐVN tận dụng triệt để các điều kiện thuận lợi để phát triển

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - một trong những Liên đoàn có sự phát triển mạnh mẽ cả về chuyên môn và sự quản lý đã có những bước đi vững chắc theo đúng xu hướng của Bóng đá thế giới nói riêng của thể thao nói chung. Đây có thể coi là một Liên đoàn kiểu mẫu về một số cách thức quản lý cũng như hoạt động đặc biệt là công tác xã hội hoá và hoạt động kinh tế thể thao, đáng được học tập. Để tìm hiểu về một số vấn đề liên quan, Trang tin điện tử TDTT xin đăng tải bài viết của PGS.TS Phạm Ngọc Viễn - Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

PGS.TS Phạm Ngọc Viễn - Phó Chủ tịch LĐBĐVN (Ảnh: TT)
Vài nét về LĐBĐVN

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ với mục đích phát triển Bóng đá ở Việt Nam. Tiền thân của LĐBĐVN là Hiệp hội Bóng đá Việt Nam (VFA) được thành lập năm 1962. VFA gia nhập FIFA năm 1964. Trước đó, Hiệp hội Bóng đá miền Nam Việt Nam đã gia nhập AFC năm 1954 và là một trong những nước sáng lập ra AFC. Thời gian đầu hoạt động của VFA chủ yếu mang tính hình thức, hoàn toàn không điều hành các hoạt động chuyên môn về Bóng đá ở Việt Nam. Năm 1989, nhằm đáp ứng tình hình mới của đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Hiệp hội Bóng đá Việt Nam quyết định triệu tập Hội nghị đại biểu các địa phương có phong trào về Bóng đá để thành lập LĐBĐVN (VFF). Từ năm 1989 đến nay, VFF đã tổ chức 6 lần đại hội. VFF thực sự trở thành cơ quan đầu não điều hành toàn bộ hoạt động của Bóng đá Việt Nam. Hiện nay, VFF là 1 trong 206 quốc gia thành viên của FIFA, 1 trong 45 quốc gia và vùng lãnh thổ của AFC. Năm 1994, VFF gia nhập Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) và là một trong 11 nước thành viên. LĐBĐVN là thành viên của Uỷ ban Olympic quốc gia Việt Nam đồng thời chịu sự quản lý nhà nước của Tổng cục TDTT và Bộ VH,TT&DL.

Cơ cấu tổ chức của LĐBĐVN được phân chia theo mô hình 2 cấp: cấp quản lý và cấp điều hành. Cấp quản lý thực hiện chức năng lập pháp, xây dựng chủ trương đường lối phát triển Bóng đá, giám sát hoạt động của bộ phận điều hành. Cấp quản lý bao gồm BCH (hiện nay với 23 uỷ viên, thường trực BCH gồm 7 uỷ viên) đứng đầu là Chủ tịch. BCH hiện nay có 11 ban chức năng gồm: Ban chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam, Ban Bóng đá chuyên nghiệp, Ban Futsal, Ban Bóng đá nữ, Ban Bóng đá phong trào, Ban Tiếp thị tài trợ, Ban Tài chính, Ban đối ngoại, Ban Truyền thông, Ban Y học và Ban Tư cách cầu thủ.  Thuộc BCH có 2 ban là Ban kiểm tra và Ban kỷ luật hoạt động độc lập.

Ngoài các Ban chức năng, cấp quản lý còn có các bộ phận khác như Trung tâm đào tạo trẻ, Báo Bóng đá, Hội đồng HLV, Hội đồng trọng tài quốc gia. Các bộ phận này trực tiếp nằm dưới sự quản lý của Ban chấp hành LĐBĐVN.

Cấp điều hành hoạt động theo chủ trương, đường lối do cấp quản lý vạch ra và chịu sự quản lý, giám sát của tổ chức này. Cấp điều hành là Ban Tổng thư ký với các phòng chức năng: Văn phòng, Quan hệ quốc tế, Thi đấu, Tài chính, Futsal, Bóng đá nữ và phong trào. Phòng các đội tuyển quốc gia và đào tạo, Phòng pháp lý và Tư cách cầu thủ, Phòng tiếp thị và vận động tài trợ…

Mô hình hoạt động 2 cấp của LĐBĐ Việt Nam đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý, điều hành.

LĐBĐVN là một tổ chức xã hội nghề nghiệp bao gồm 58 tổ chức thành viên (là LĐBĐ các địa phương và 28 CLB Bóng đá hạng chuyên nghiệp và hạng nhất), LĐBĐVN không có hội viên mà chỉ có Hội viên danh dự.

Những thuận lợi, khó khăn và giải pháp thực hiện trong hoạt động của LĐBĐVN

Bóng đá là môn thê thao có nhiều thuận lợi so với các môn thể thao khác đặc biệt là mức độ quan tâm lớn của Nhà nước từ lãnh đạo Bộ VH,TT&DL, lãnh đạo Ngành TDTT qua các thời kỳ, sự quan tâm của các cấp và quan trọng là sự quan tâm, hâm mộ của đông đảo quần chúng nhân dân trong xã hội. Do đó, LĐBĐVN đã có nhiều thuận lợi và là tổ chức lĩnh ấn tiên phong trong xu thế xã hội hoá các hoạt động của mình.

Biến nguồn lực xã hội thành nguồn lực phát triển Bóng đá

Với lợi thế về tính chất xã hội và quần chúng của môn thể thao được ưa chuộng hàng đầu ở Việt Nam, LĐBĐVN đã biến các nguồn lực xã hội thành nguồn lực phát triển cho Bóng đá kể cả nguồn lực ở nước ngoài như các Tổ chức Bóng đá quốc tế FIFA, AFC, AFF. Bằng các hoạt động của mình trong công tác quan hệ quốc tế, LĐBĐVN đã thu hút được sự ủng hộ của các Tổ chức Bóng đá quốc tế cho hoạt đông phát triển của mình.

Điển hình là thông qua tổ chức FIFA, từ năm 1999 – 2006, LĐBĐVN đã nhận được 2 triệu USD cho các hoạt động đào tạo Bóng đá trẻ (trung bình mỗi năm 250.000 USD). Liên đoàn nằm trong danh sách các Liên đoàn quốc gia thành viên được hưởng 3 dự án trong chương trình mục tiêu của FIFA gồm: Trụ sở LĐBĐVN tại 18 Lý Văn Phức, Sân cỏ nhân tạo tại Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ; Các trang thiết bị tập luyện cho Trung tâm đào tạo Bóng đá trẻ. Tổng các dự án đó lên tới 1,3 triệu USD. Hiện nay, LĐBĐVN đang nằm trong danh sách số ít các Liên đoàn quốc gia thành viên sẽ được hưởng dự án chương trình mục tiêu giai đoạn 4 với giá trị tài trợ khoảng 450.000 USD. Thực tế, Việt Nam là một trong nước thực hiện nhanh nhất Chương trình này. Trong khi Việt Nam đã thực hiện giai đoạn 3 và chuẩn bị bước vào giai đoạn 4 thì nhiều liên đoàn quốc gia khác mới chỉ thực hiện ở giai đoạn 2.

Ngoài ra, FIFA cũng đã hỗ trợ cho Việt Nam mở 4 lớp (Ruturo) đào tạo cán bộ quản lý hành chính, HLV, bác sỹ và nhiều HLV được FIFA tài trợ cho đi học các lớp HLV nâng cao do FIFA tổ chức ở nước ngoài. Đến nay, tổng cộng đã có 72 HLV Bóng đá của Việt Nam được nhận bằng do FIFA cấp.

Bắt đầu từ năm 1998, LĐBĐVN đã nhận được sự ủng hộ của AFC trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Bóng đá Việt nam đó là lực lượng HLV. Trung bình mỗi năm LĐBĐVN được AFC tài trợ mở từ 2 – 3 lớp HLV theo hệ thống bằng cấp của AFC. Đến nay, Việt Nam đã có một lực lượng hùng hậu các HLV với bằng cấp cụ thể: 51 HLV bằng A, 163 HLV bằng B và 455 lượt HLV bằng C.

LĐBĐVN là một trong 8 LĐBĐ quốc gia thành viên được nằm trong chương trình tầm nhìn Châu Á. Nhờ đó, nguồn nhân lực về công tác đào tạo trẻ ở Việt Nam được phát triển mạnh đặc biệt ở các địa phương nằm trong chương trình đó là: Nghệ An, Long An và TP Hồ Chí Minh. Chương trình này sẽ còn được tiếp tục trong thời gian tới và LĐBĐVN sẽ tận dụng tối đa các điều kiện đó trong việc phát triển các nguồn lực tạo sức mạnh cho sự phát triển chung của Bóng đá Việt Nam.

AFF cũng đã hỗ trợ cho LĐBĐVN trong các hoạt động phát triển đặc biệt ở giai đoạn đầu khi chúng ta gia nhập tổ chức Bóng đá khu vực (1994 – 2002) và giai đoạn 1998 – 2006 khi LĐBĐVN triển khai Bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Việc chuyển đối cơ chế quản lý và điều hành Bóng đá theo xu hướng xã hội hoá, chuyên nghiệp hoá không những chỉ nâng cao trình độ tổ chức, quản lý và điều hành của LĐBĐVN mà còn nâng cao trình độ của những người trực tiếp quản lý CLB. Đây là một điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Bóng đá Việt Nam.

Phạm Ngọc Viễn

Còn nữa

Ảnh trong bài
  • LĐBĐVN tận dụng triệt để các điều kiện thuận lợi để phát triển