Xung quanh việc chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cho các tổ chức xã hội về TDTT

Mặc dù, dự thảo Đề án đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ, song vẫn còn tồn tại những thiếu xót nhất định. Nhằm bổ sung thêm một số nội dung cho hoàn chỉnh. Hội nghị triển khai Nghị định 45/2010/NĐ-CP và tập huấn nghiệp vụ tổ chức Hội đã dành không tít thời gian cho vấn đề này. Trong đó việc trực tiếp nghe các ý kiến của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia đã góp phần thu được những kết quả tích cực.

Ông Phạm Văn Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT
phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TT)
Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Bộ VH,TT&DL giao Tổng cục TDTT chủ trì xây dựng Đề án “Chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cho các tổ chức xã hội về TDTT đến năm 2015”. Thông qua nghiên cứu quá trình phát triển và thực trạng hoạt động của các tổ chức xã hội về TDTT trong những năm qua, Dự thảo đề án đã đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém, tạo ra cơ chế thuận lợi để các tổ chức xã hội về TDTT phát triển, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp TDTT trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước.

Dự thảo đề án đã được xây dựng trong thời gian khá dài, nhưng do đây là vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn trong việc thay đổi cả một cơ chế nên quá trình xây dựng Đề án đã gặp không ít những khó khăn. Mặc dù, dự thảo Đề án đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ, song vẫn còn tồn tại những thiếu xót nhất định. Nhằm bổ sung thêm một số nội dung cho hoàn chỉnh. Hội nghị triển khai Nghị định 45/2010/NĐ-CP và tập huấn nghiệp vụ tổ chức Hội đã dành không tít thời gian cho vấn đề này. Trong đó việc trực tiếp nghe các ý kiến của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia đã góp phần thu được những kết quả tích cực.

Ông Phạm Ngọc Viễn – Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cho rằng: Việc chuyển giao cần được cân nhắc thật kỹ lưỡng, trong đó cần chú ý về mức độ chuyển giao, chuyển giao toàn bộ hay chuyển giao một phần? quá trình chuyển giao trong bao lâu và chuyển giao cái gì?. Bởi tình hình thực tế của các Liên đoàn, Hiệp hội là rất khác nhau. Tôi cho rằng, Liên đoàn, Hiệp hội nào có thể nhận chuyển giao phần nào thì tiếp nhận phần đó. Còn nếu chuyển giao toàn bộ thì e rằng đại đa số các Liên đoàn, Hiệp hội sẽ gặp khó khăn. Chỉ có một số ít Liên đoàn, Hiệp hội (trong đó có LĐBĐVN) có thể cố gắng tự chủ được.

Ông Lê Truyền – Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam: Đây là đề án rất công phu, tôi cũng đâm tắc với một số vấn đề, ở đây tôi xin nhắc tới một số điều băn khoăn, thắc mắc.   

Việc chuyển giao tác nghiệp từ các cơ quan quản lý nhà nước cho các tổ chức xã hội về TDTT nếu nói không khéo thì sẽ thể hiện sự không bình đẳng. Hơn nữa, vấn đề đặt ra là việc chuyển giao này có làm ảnh hưởng tới quyền lực của Nhà nước? làm cho quyền lực Nhà nước giảm đi hay không. Theo tôi nghĩ quyền lực của Nhà nước chính là sự uỷ quyền của nhân dân đối với Nhà nước. Khi chuyển giao nhiều công việc tác nghiệp cho các tổ chức xã hội thì nhà nước càng tăng thêm vai trò quản lý vốn là nhiệm vụ của Nhà nước mà không phải là mất đi quyền lực. Khi đó nhiều nguồn lực cả Nhà nước và xã hội đều tập trung giúp ngành TDTT phát triển. Như vậy, người dân càng được hưởng lợi từ sự phát triển đó. Khách quan nhận định thì dự thảo đề án đã phản ánh được tinh thần đó.

Một vấn đề khác mà tôi cho rằng vô cùng quan trọng, đó là: chúng ta nên có một tổ chức của các Liên đoàn thể thao Việt Nam và đề nghị ra nhập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Khi đó, chúng ta sẽ có người đại diện các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao là thành viên của Quốc hội. Qua đó, có thể nói lên tiếng nói cho ngành thể thao trong các kỳ họp của Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước…

Đã có nhiều ý kiến đóng góp chân thành, sâu sắc
về một số nội dung trong Đề án (Ảnh: TT)
Ông Đinh Việt Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước: Cản trở lớn nhất đối với hoạt động của nhiều Liên đoàn, Hiệp hội theo tôi thẳng thắn nhìn nhận thì đó chính là do chúng ta chưa thực hiện tốt các quy định. Đơn cử như Ban vận động Liên đoàn chỉ được hoạt động trong thời gian nhất định nếu thành lập được Liên đoàn, Hiệp hội hay không thì cũng phải giải thể sau đó thì sẽ thành lập tiếp trong điều kiện phù hợp. Nhưng thực tế, có Ban vận động hoạt động đến hơn 10 năm. Như Hiệp hội Thể thao dưới nước của chúng tôi được thành lập năm 1963, BCH thì rất đông nhưng tổ chức hoạt động chưa hiệu quả. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tinh giản bộ máy. Theo tôi vấn đề nhân sự của Liên đoàn cũng rất cần những người có chuyên môn về TDTT giỏi nhưng không nhất thiết phải giữ vị trí chủ chốt trong Liên đoàn, Hiệp hội như Chủ tịch hay Phó Chủ tịch, mà những người giỏi chuyên môn sẽ tham gia các Ban chuyên môn của Liên đoàn, Hiệp hộii, như vậy sẽ phát huy tốt vai trò của những người làm công tác chuyên môn…

Ông Phạm Văn Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT: trước đây cũng như bây giờ ngành TDTT luôn ủng hộ việc chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cho các tổ chức xã hội về TDTT. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, việc chuyển giao này còn chậm chễ. Để khắc phục những hạn chế trong công tác này, ngành TDTT sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các Liên đoàn, Hiệp hội trong việc thực hiện các hoạt động tác nghiệp cũng như phối hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hướng tới sự phát triển chung của toàn ngành.

Hồng Xiêm (thực hiện)

Ảnh trong bài
  • Xung quanh việc chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cho các tổ chức xã hội về TDTT