Rowing và Canoeing: phấn đấu giành 1 vé tới Olympic (09/03/2008)

Chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa, ngày hội thể thao lớn nhất thế giới sẽ diễn ra tại Bắc Kinh. Tổng cục TDTT, Uỷ ban Olympic Việt Nam đã và đang tích cực chuẩn bị cho các đội tuyển trong đó có đội tuyển Canoeing và Rowing tham dự vòng loại châu lục giành vé tới Olympic Bắc Kinh 2008. Tìm hiểu vấn đề này, Phóng viên Trang tin điện tử Tổng cục TDTT đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hải Đường - Phụ trách môn Đua thuyền, Tổng cục TDTT.

Chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa, ngày hội thể thao lớn nhất thế giới sẽ diễn ra tại Bắc Kinh. Tổng cục TDTT, Uỷ ban Olympic Việt Nam đã và đang tích cực chuẩn bị cho các đội tuyển trong đó có đội tuyển Canoeing và Rowing tham dự vòng loại châu lục giành vé tới Olympic Bắc Kinh 2008. Tìm hiểu vấn đề này, Phóng viên Trang tin điện tử Tổng cục TDTT đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hải Đường - Phụ trách môn Đua thuyền, Tổng cục TDTT.

* Xin ông cho biết khái quát về tình hình tập luyện của các VĐV Rowing và Canoeing chuẩn bị cho vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008?

Ngay sau khi kết thúc SEA Games 24 (tháng 12/2007), đội tuyển Rowing và Canoeing chỉ nghỉ 1 tuần, sau đó, bước vào tập luyện ngay để chuẩn bị cho vòng loại châu lục với hy vọng giành vé tới Olympic Bắc Kinh diễn ra vào cuối năm 2008. Đợt tập huấn này bắt đầu từ ngày 1/1 đến 51/5. Đội Rowing tập huấn với 9 VĐV (5 nam và 4 nữ) và Canoeing tập huấn với 10 VĐV (8 nam và 2 nữ). Hiện tại, 7 VĐV Rowing và 5 VĐV Canoeing đang được Uỷ ban Olympic quốc gia hỗ trợ dinh dưỡng trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho việc thi đấu giành vé tham dự Olympic 2008. Mặc dù Bộ môn, Hiệp hội Thể thao dưới nước và tất cả các VĐV cũng như HLV Rowing và Canoeing đều rất quyết tâm giành vé tới Olympic nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

* Để chuẩn bị thực hiện đạt kết quả tốt nhất nhiệm vụ này, Bộ môn đã có những biện pháp thực hiện như thế nào?

Đây là giải đấu vô cùng quan trọng, do đó, Bộ môn đã đề nghị và được lãnh đạo ngành phê duyệt cho đội tuyển Rowing tập huấn tại Thượng Hải - Trung Quốc từ ngày 10 đến 28/4. Trong đó, tập huấn đến ngày 23/4 còn từ ngày 24-28/4, các VĐV sẽ thi đấu giải Vòng loại châu lục.

* Xin ông cho biết, mục tiêu và khả năng giành vé tham dự Olympic của Canoeing và Rowing tại vòng loại như thế nào?

Tại giải Vòng loại Châu Á, môn Rowing sẽ có 4 nội dung thi đấu. Trong đó, với mỗi nội dung sẽ chọn số thuyền vào dự Olympic khác nhau và cụ thể là: thuyền đơn nam hạng nặng (M1x) sẽ lấy 6 thuyền xếp hạng từ từ 1-6, Thuyền đôi nam hạng nhẹ (LM2x) từ 1-3, nội dung Thuyên đơn nữ hạng nặng (W1x) từ 1-5, Thuyền đôi nữ hạng nhẹ từ 1-3. Còn về đội tuyển Rowing Việt Nam dự kiến sẽ tham dự cả 4 nội dung. Trong đó, BHL hy vọng vào nội dung Thuyền đôi nữ hạng nhẹ của 2 trong số 3 VĐV Trần Thị Sâm, Cao Thị Tuyết hoặc Võ Thị Huyền Trang và nội dung Thuyền đôi nam hạng nhẹ của VĐV Đường Thanh Bình và Nguyễn Đình Huy. Mặc dù tham dự Olympic sẽ có tổng số 550 xuất và thi đấu ở 14 nội dung (11 hạng nặng và 3 hạng nhẹ) nhưng mục tiêu của Rowing Việt Nam là 1 thuyền dự Olympic. Đây là 1 nhiệm vụ rất khó khăn. Tuy nhiên, Bộ môn, Hiệp hội Thể thao dưới nước, Ban huấn luyện cũng như các VĐV rất hy vọng và quyết tâm cao.

Còn đội Canoeing cũng hy vọng giành một vé tham dự Olympic. Sắp tới, đội tuyển sẽ tham gia vòng loại châu lục. Mặc dù giải đấu này tổ chức cho cả 12 nội dung thi đấu tại Olympic song lại chỉ lấy các thuyền đứng thứ nhất vào thẳng Olympic. Trong khi đó, có tới trên 30 nước tham dự giải vòng loại này, do đó, việc giành vé của đội Canoeing quả là vô cùng khó khăn. Nội dung hy vọng chủ yếu của Canoeing là thuyền 500C2 nam của Trần Văn Long và Lưu Văn Hoàn. Bên cạnh đó, Bộ môn cũng dự định mục tiêu phấn đấu đối với nội dung thuyền đơn nam 500mC1 Hoàng Hồng Anh và 500m K2 Nguyễn Văn Chi và Nguyễn Thành Quang.

* Theo ông, hiện tại, cơ sở vật chất, trang thiết bị của đội tuyển có đáp ứng đầy đủ yêu cầu quốc tế và có đảm bảo cho việc tập luyện hay không?

Hiện tại, các VĐV hai đội Canoeing và Rowing vẫn đang tập luyện với những chiếc thuyền được trang bị từ SEA Games 22 được tổ chức tại Việt Nam năm 2003. Năm 2005, do ảnh hưởng của bão nên đã đánh hỏng trên 100 chiếc và sau đó, đội tuyển cũng đã được trang bị 5 chiếc mới. Mặc dù đã được đầu tư nhưng về cơ bản thuyền của Việt Nam vẫn lạc hậu hơn so với các nước trong khu vực. Hơn nữa, do thời gian sử dụng quá dài nên cũng hay hỏng hóc. Điều đáng mừng là các VĐV, HLV của chúng ta trong quá trình tập huấn, thi đấu ở nước ngoài cũng học được đôi chút kỹ thuật cơ bản và tự sửa những bệnh đơn giản nên có thể khắc phục được phần nào.

Xin chân thành cảm ơn ông

 Hồng Xiêm thực hiện





 

Ảnh trong bài
  • Rowing và Canoeing: phấn đấu giành 1 vé tới Olympic (09/03/2008)