Thi đua, khen thưởng trong hoạt động thể dục, thể thao

Thi đua trong hoạt động thể dục, thể thao có tầm quan trọng rất lớn tạo động lực thúc đẩy ý chí phấn đấu vươn lên khắc phục khó khăn gian khổ trong tập luyện, dũng cảm trong thi đấu vì màu cờ sắc áo, lòng tự hào về địa phương, quốc gia, dân tộc và vì lòng tự trọng của bản thân, gia đình VĐV, HLV.

Thi đua khen thưởng trong hoạt động TDTT có tầm quan trọng rất lớn (Ảnh: TT)
Thi đua, khen thưởng trong hoạt động thể dục, thể thao được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và quy định trong Luật Thể dục, thể thao. Tổ chức, cá nhân hoạt động trong mọi lĩnh vực của thể dục, thể thao như thể dục, thể thao quần chúng; thể dục, thể thao trong nhà trường; thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang; thể dục thể thao trong công nhân viên chức, lao động, người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên; thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp, thể thao giải trí... có thành tích xuất sắc đều được xét khen thưởng xứng đáng cả về tinh thần và vật chất.

Do tính chất đặc thù của hoạt động thi đấu thể thao nên chế độ thưởng vật chất cho các VĐV, HLV thể thao thành tích cao đạt thành tích xuất sắc tại các giải thể thao quốc gia và quốc tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Ví dụ, việc khen thưởng đối với các VĐV, HLV thể thao đạt thành tích thi đấu xuất sắc được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại quyết định 234/2006/QĐ-TTg ngày 18/10/2006 về một số chế độ đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao và các văn bản hướng dẫn thực hiện quyết định như Thông tư liên tịch 34/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH-UBTDTT ngày 9/4/2007. Các địa phương, đơn vị chủ quản của các đội thể thao, các tổ chức cá nhân sử dụng VĐV, HLV căn cứ vào tính chất mức độ của từng giải đấu mà có thể quy định mức thưởng vật chất để khuyến khích việc tập luyện và thi đấu của VĐV, HLV cho phù hợp với khả năng huy động tài chính của địa phương, đơn vị và quy định của pháp luật có liên quan.

Với đối tượng là những VĐV, HLV tham gia thi đấu tại các giải thể thao quần chúng đoạt giải được thưởng vật chất theo quy định của điều lệ giải do cơ quan, tổ chức giải thể thao đó quy định. Theo Luật Thể dục, thể thao quy định tại khoản 4 điều 13 thì cơ quan, tổ chức quyết định tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng phải quy định nội dung, hình thức, chế độ bồi dưỡng, giải thưởng và bảo đảm kinh phí cho việc tổ chức giải thi đấu.

Thi đua trong hoạt động thể dục, thể thao có tầm quan trọng rất lớn tạo động lực thúc đẩy ý chí phấn đấu vươn lên khắc phục khó khăn gian khổ trong tập luyện, dũng cảm trong thi đấu vì màu cờ sắc áo, lòng tự hào về địa phương, quốc gia, dân tộc và vì lòng tự trọng của bản thân, gia đình VĐV, HLV. Việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong hoạt động thể dục, thể thao cần được chú trọng phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước, địa phương, đơn vị  như trước đây có phong trào chạy Quang Trung, bơi Yết Kiêu, nay có phong trào toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại… Với mỗi đối tượng khác nhau thì nội dung, hình thức và biện pháp thi đua cũng phải khác nhau.

Quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng trong hoạt động thể dục, thể thao là xây dựng, ban hành và tổ chức chỉ đạo thực hiện các chính sách khen thưởng đối với những tổ chức, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong lĩnh vực thể dục, thể thao. Đồng thời tổ chức và hướng dẫn tổ chức các phong trào thi đua yêu nước chung của cả nước và các đợt thi đua riêng cho mỗi đối tượng cụ thể trong lĩnh vực thể dục, thể thao; xây dựng điểm các mô hình hoạt động thể thao để rút kinh nghiệm nhân rộng thành phong trào thi đua tiên tiến về thể dục, thể thao cho từng đối tượng, địa bàn và cả nước.

Ban hành các tiêu chí thi đua khen thưởng trong hoạt động thể dục, thể thao đòi hỏi phải rất cụ thể, khoa học, dễ hiểu, thống nhất, phù hợp với thực tiễn là khâu quan trọng bảo đảm tính khả thi có hiệu quả cao của phong trào thi đua. Các biện pháp và hình thức thi đua trong hoạt động này cũng rất phong phú đa dạng bởi có nhiều đối tượng khác nhau nhất là các phong trào thể dục, thể thao quần chúng còn phải tính đến yếu tố vùng, miền, phong tục tập quán của các dân tộc. Công tác theo dõi, kiểm tra đánh giá phong trào thi đua thường xuyên, đột xuất vô cùng quan trọng, có kiểm tra đánh giá khách quan trung thực, chính xác thì mới khen thưởng đúng người có công, phong trào thi đua khi ấy mới có nhiều người hưởng ứng thi đua đích thực. Tổng kết đánh giá phong trào thi đua và thường xuyên nghiên cứu để đổi mới nội dung, hình thức và biện pháp thi đua khen thưởng là nhiệm vụ không kém phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về thể dục, thể thao, nhất là việc khen, thưởng vật chất đối với VĐV, HLV thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay.

Vũ Trọng Lợi

Ảnh trong bài
  • Thi đua, khen thưởng trong hoạt động thể dục, thể thao