PGĐ Sở VH,TT&DL Ninh Thuận - Bùi Văn Lộc: Nâng cao nhận thức là kết quả tiên quyết sau thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW

Ninh Thuận là một tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn cả về kinh tế, lẫn điều kiện tự nhiên (địa hình, khí hậu, ít mưa, nhiều nắng…), tuy nhiên, bằng sự nỗ lực từ nhiều phía, nền kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua đạt được những thành tựu quan trọng, trong đó, hoạt động TDTT đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao sức khoẻ, đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Để tìm hiểu về sự phát triển của TDTT Ninh Thuận trong thời gian qua đặc biệt là hiệu quả từ việc thực hiện Chỉ thị 17/CT-TW về phát triển TDTT đến năm 2010, PV trang tin điện tử TDTT đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Lộc – Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Ninh Thuận xung quanh vấn đề này.

  

Ông Bùi Văn Lộc - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Ninh Thuận (Ảnh: Ngô Hưng)
Xin ông cho biết, Chỉ thị 17 của Ban bí thư trung ương về phát triển TDTT đến năm 2010  đã được Ninh Thuận triển khai thực hiện như thế nào?

Nhận thức tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác TDTT, để thực hiện Chỉ thị 17 _ CT/TW của Ban Bí thư, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 26 – CT/TU và chỉ đạo triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Ban tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành hướng dẫn số 46 – HD/TG để triển khai thực hiện. UBND tỉnh phê duyệt quy hoạt phát triển TDTT tỉnh Ninh Thuận đến năm 2010 và chỉ đạo xây dựng đề án xã hội hóa TDTT tỉnh Ninh Thuận đến năm 2010, các cấp ủy từ huyện, thành phố  đến cơ sở đều xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị 26 – TC/TU và tổ chức quán triệt cho toàn thể đảng viên, cán bộ và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời chỉ đạo Đài, báo mở các chuyên mục, chuyên trang đăng tải, tuyên truyền phổ biến nội dung chỉ thị 17, chỉ thị 26 và các hoạt động TDTT rộng rãi trong nhân dân.

Với cương vị là Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL phụ trách vấn đề TDTT, ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được sau 7 khi thực hiện Chỉ thị?

Theo tôi, kết quả đóng vai trò tiên quyết và ý nghĩa nhất đó chính là nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo đã được nâng lên, thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác TDTT, từ đó nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW và Chỉ thị 26 – CT/TU nhất quán, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.

Đối với nhân dân, một phần lớn bộ phận nhân dân được nâng cao sự hiểu biết đối với hoạt động TDTT, có ý thức tự giác rèn luyện bảo vệ sức khoẻ nhằm mục đích thực hiện hiệu quả cao hơn trong hoạt động lao động học tập và phòng chống bệnh tật, các tệ nạn xã hội. Từ đó, tùy theo điều kiện của mình, nhân dân đã tự giác tham gia tích cực các hoạt động TDTT, mỗi người tự chọn cho mình một môn thể thao thích hợp để tập luyện, phong trào TDTT quần chúng ở hầu hết các địa phương đều có sự phát triển mới.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp của các ngành, các cấp, các địa phương và sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, sau 7 năm thực hiện Chỉ thị 17 – CT/TW và chỉ thị 26-CT/TU, phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh hơn các giai đoạn trước, các môn thể thao trên địa bàn tỉnh phát triển khá phong phú và đa dạng, cơ bản đã phủ kín hết địa bàn. Hầu hết mọi đối tượng, mọi lứa tuổi và đồng bào dân tộc đều tham gia tập luyện TDTT. Từ năm 2003 đến năm 2009, số người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên tăng 4,6% (từ 13,8% lên 18,4%), dự kiến đến hết năm 2010 tăng lên 20%, đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra (từ 18-20%); tỷ lệ hộ gia đình tham gia luyện tập TDTT thường xuyên tăng 2,4% (từ 7,9% lên 10,3%); số câu lạc bộ thể thao được thành lập tăng 37 câu lạc bộ (từ 47 câu lạc bộ lên 84 câu lạc bộ)....

Nhiều cơ sở vật chất TDTT những năm qua được đầu tư xây dựng đã và đang phát huy tác dụng, thu hút ngày càng nhiều người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên; công tác xã hội hóa TDTT ngày càng được chú trọng; nhiều câu lạc bộ TDTT được hình thành và phát triển; phong trào TDTT quần chúng không ngừng phát triển ở hầu hết các đối tượng và địa bàn. Bước đầu đạt được những kết quả đáng phấn khởi, góp phần vào sự phát triển chung về kinh tế xã hội của tỉnh.

Vậy theo ông, đâu là những tồn tại cần khắc phục?

Tuy nhiên, vì những lý do chủ quan và khách quan, phong trào TDTT trong tỉnh tuy có phát triển nhưng chưa được duy trì thường xuyên, đồng đều và vững chắc. Lý giải cho những hạn chế của hoạt động TDTT là do nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động TDTT trong đời sống xã hội chưa được phổ cập thường xuyên, người dân chưa thấy rõ tác dụng to lớn của hoạt động TDTT đối với sức khỏe và nâng cao tầm vóc, thể lực con người để tự giác tham gia tập luyện.

Hệ thống sân bãi và cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện TDTT ở các địa phương tuy có được đầu tư xây dựng nhưng vẫn còn  rất thiếu và lạc hậu không đáp ứng được nhu cầu luyện tập ngày càng nhiều của nhân dân. Hơn nữa, kinh phí cho hoạt động TDTT ở cấp huyện và cấp xã còn rất hạn chế, không đủ để chi phí cho việc quản lý và duy trì các hoạt động TDTT... Đội ngũ cán bộ hướng dẫn viên, huấn luyện viên TDTT ở cấp huyện và cấp xã, phường thì không được ổn định, còn rất thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Ngoài ra, vẫn còn tồn tại một số cấp ủy, chính quyền và một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa nhận thức đầy đủ quan điểm TDTT là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân nên chưa quan tâm đúng mức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện  nhiệm vụ phát triển TDTT của địa phương cơ sở, thậm chí có nơi khoán trắng cho cán bộ TDTT. Từ đó chưa khơi dậy và phát huy tốt các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển TDTT

Là một tình còn nhiều khó khăn, trong thực tế quá trình thực hiện Chỉ thị có gặp phải vướng mắc gì, thưa ông?

Kinh phí hoạt động thời gian qua chủ yếu từ nguồn ngân sách vì thế việc đầu tư cho phát triển xã hội, nhất là phát triển TDTT trong những năm qua có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển TDTT trong tình hình mới. Cơ sở vật chất chất, sân bãi, trang thiết bị phục vụ TDTT còn nhiều thiếu thốn, không đủ đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT ngày càng tăng của quần chúng nhân dân. Sau 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ninh Thuận chưa được đầu tư xây dựng mới một công trình nào cả. Hiện nay, Khu liên hợp thể thao của tỉnh đã được phê duyệt đề án (hơn 19 ha) song mới thực hiện được khâu giải phóng mặt bằng của sân vận động tỉnh (3,8 ha). Mặt khác, đời sống nhân dân trong tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là các xã miền núi; hậu quả thiên tai, hạn hán nặng nề kéo dài phải khắc phục trong nhiều năm; Việc xã hội hóa đối với các hoạt động TDTT còn khó khăn nhất định do điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh còn nghèo. Việc ổn định bộ máy tổ chức, nhân sự sau khi sáp nhập thành Sở VH,TT&DL cũng làm mất một thời gian.

Những khó khăn trên đã ảnh hưởng trực tiếp làm hạn chế đến sự phát triển của phong trào TDTT trong tỉnh. Nhưng bằng sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, sau 7 năm thực hiện Chỉ thị 17 – CT/TW và Chỉ thị 26-CT/TU, phong trào TDTT của tỉnh có nhiều chuyển biến tiến bộ, đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng.

Sau 7 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW, ông có thể chia sẽ những kinh nghiệm?

Sau 7 năm thực hiện, tôi nhận thấy những địa phương, đơn vị nào mà được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện và có sự quan tâm phối hợp tổ chức thực hiện của các ban, ngành, mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội đối với công phát triển TDTT thì những nơi đó thực hiện phong trào thể dục thể thao đạt hiệu quả. Do vậy, tôi nhận thấy cần phải tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú, hấp dẫn, thuyết phục để mọi người hiểu tầm quan trọng của việc rèn luyện thân thể, tăng cường thể lực, nâng cao thể chất cho mọi người. Cũng như cần thiết được củng cố, ổn định tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác TDTT các cấp đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, tích cực, nhiệt tình với phong trào, để từ đó góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các phong trào TDTT, câu lạc bộ, tụ điểm luyện tập thể thao. Điều mà tôi thấy thật cần thiết đó còn là việc thường xuyên phát hiện và biểu dương những gương điển hình cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác TDTT. Bởi đó là một trong những hình thức động viên chính những gương mặt điển hình đó đồng thời phát động được phong trào trong quần chúng nhân dân hưởng ứng và tập luyện theo.

-         Với cương vị là người quản lý, tham mưu cho lãnh đạo Sở VH,TT&DL Ninh Thuận từ đó tham mưu cho UBND tỉnh, theo ông, ngành TDTT Ninh Thuận trong thời gian tới sẽ phát triển như thế nào?

Trong thời gian tới, chúng tôi, với cương vị là những người quản lý sẽ tiếp tục tham mưu cho sự phát triển của ngành TDTT tại Ninh Thuận theo hướng tiếp tục đẩy mạnh công tác TDTT gắn với yêu cầu nâng cao nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng; nâng cao chất lượng thể thao thành tích cao; Đồng thời, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ thể thao truyền thống, thể thao dân tộc; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, quy hoạch, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn của ngành TDTT trong thời gian tới đạt trình độ trong khu vực và toàn quốc.

Để thực hiện theo đúng phương hướng đó, Sở VH,TTDL cần cân đối nguồn kinh phí, cụ thể là chuyển một phần kinh phí hợp lý từ nguồn kinh phí thể thao thành tích cao hàng năm của tỉnh cho TDTT quần chúng để tổ chức hoạt động TDTT ở cơ sở đồng thời chuyển công tác tổ chức thi đấu 1 số môn thể thao cấp tỉnh phù hợp cho cơ sở đăng cai nhằm tạo động lực phát triển phong trào cũng như sự quan tâm của các cấp trong đầu tư cơ sở vật chất cho TDTT. Bên cạnh đó, cũng cần phải tiếp tục thực hiện đề án giảm nguồn chi cho các môn thể thao tập thể chưa có khả năng để đầu tư các môn thể thao cá nhân có lợi thế của tỉnh; Đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hoá trong đầu tư cơ sở vật chất, phong trào TDTT quần chúng. Ngoài ra, còn cần chú trọng trong các hoạt động liên tịch với các ngành có đối tượng là nền tảng, nhân tố mà TDTT cần đến. Việc xây dựng TDTT cho mọi người trở thành nền tảng vững chắc, được sự ủng hộ đồng tình để tạo thế cho sự chọn lựa đầu tư tập trung cho các môn thể thao thành tích cao mang tính chuyên môn sâu sẽ là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng để phát triển theo đúng hướng của ngành TDTT Ninh Thuận.

Xin chân thành cảm ơn ông!

HX thực hiện

Ảnh trong bài
  • PGĐ Sở VH,TT&DL Ninh Thuận - Bùi Văn Lộc: Nâng cao nhận thức là kết quả tiên quyết sau thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW