Kiểm tra, đánh giá phát triển TDTT quần chúng

Để kết quả kiểm tra, đánh giá đúng thực chất có độ tin cậy cao đòi hỏi trước hết phải tổng hợp phân tích các chỉ số chỉ báo sự phát triển thể dục, thể thao quần chúng trong thời gian gần nhất nhằm xác định những chỉ số nào là tiêu biểu, cơ bản phản ánh bản chất của sự phát triển hay nói cách khác là nhằm xác định rõ nội dung kiểm tra, đánh giá.

Thứ trưởng thường trực Nguyễn Danh Thái trong một chuyến đi kiểm tra thực tế (Ảnh: TT)
Kiểm tra, đánh giá phát triển thể dục, thể thao quần chúng là một trong những nội dung quản lý nhà nước về thể dục, thể thao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp những nhà quản lý hoạch định chính sách có cơ sở khoa học thực tiễn để xây dựng quy hoạch, kế hoạch, ban hành các cơ chế chính sách, định hướng đầu tư phát triển thể thao cho mọi người theo đúng mục tiêu xây dựng phát triển sự nghiệp Thể dục, thể thao của Đảng là góp phần nâng cao sức khoẻ, tầm vóc, thể lực và đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân.

Để kết quả kiểm tra, đánh giá đúng thực chất có độ tin cậy cao đòi hỏi trước hết phải tổng hợp phân tích các chỉ số chỉ báo sự phát triển thể dục, thể thao quần chúng trong thời gian gần nhất nhằm xác định những chỉ số nào là tiêu biểu, cơ bản phản ánh bản chất của sự phát triển hay nói cách khác là nhằm xác định rõ nội dung kiểm tra, đánh giá. Kết quả kiểm tra, đánh giá có đảm bảo được tính khách quan trung thực đến mức nào còn phụ thuộc rất lớn vào phương pháp tiến hành kiểm tra đánh giá. Việc chuẩn bị và tiến hành các bước kiểm tra, đánh giá có ý nghĩa không kém phần quan trọng ảnh hưởng tới kết quả kiểm tra, đánh giá.

Xác định nội dung kiểm tra, đánh giá

Về phát triển thể dục, thể thao quần chúng, Luật thể dục, thể thao quy định tại điều 11 trách nhiệm của chính quyền, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp về thể thao, cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp phải làm những việc gì để phát triển thể dục, thể thao quần chúng. Như thế khi kiểm tra, đánh giá phát triển thể dục, thể thao quần chúng trước hết chúng ta phải đặt ra tiêu chí cho từng nhiệm vụ của mỗi chủ thể và kiểm tra theo tiêu chí đó xem mức độ đạt được đến đâu.

Ví dụ, Luật định: "Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm xây dựng các công trình thể thao công cộng, đảm bảo nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ thể dục, thể thao; xây dựng mạng lưới cộng tác viên thể dục, thể thao cơ sở đáp ứng yêu cầu hoạt động thể dục, thể thao của cộng đồng dân cư." Vậy thì, hàng năm chúng ta phải kiểm tra, đánh giá xem bao nhiêu Uỷ ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh xây dựng được bao nhiêu công trình thể thao công cộng theo tiêu chí đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật như thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng Bộ Văn hoá- thông tin và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao số 22/2007/TTLT/BVHTT_UBTDTT ngày 24 tháng 7 năm 2007; bao nhiêu cán bộ TDTT được đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng. Mạng lưới cộng tác viên thể dục, thể thao cơ sở đã được xây dựng theo các tiêu chí tại thông tư số 05/2007/TT-UBTDTT ngày 20/7/2007 đạt được đến đâu.

Hay như tại khoản 3 Điều 11 quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm vận động hội viên tham gia hoạt động thể dục,thể thao nhằm rèn luyện thân thể, nâng cao sức khoẻ; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao tổ chức biểu diễn và thi đấu thể thao quần chúng.” Khi kiểm tra, đánh giá phát triển thể dục, thể thao quần chúng, cơ quan quản lý nhà nước phải tính toán đưa ra những tiêu chí về "vận động hội viên" là hoạt động gì cụ thể có phải là số hội viên được phổ biến kiến thức, hướng dẫn tập luyện hay là số hội viên qua các hình thức phổ biến tuyên truyền nay đang luyện tập thường xuyên hay đánh giá bằng cả hai chỉ số này, để có cơ sở kiểm tra, đánh giá. Rồi các tiêu chí về số cuộc thi đấu, biểu diễn thể thao với số hội viên tham gia v.v.

Khoản 4 Điều 11 cũng chỉ rất rõ về trách nhiệm của tổ chức xã hội- nghề nghiệp về thể thao là vận động mọi người tham gia phát triển phong trào thể dục, thể thao, phổ biến kiến thức, hướng dẫn tập luyện thể dục, thể thao phù hợp với sở thích, lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cộng tác viên thể dục, thể thao cơ sở. Cách thức vận động, hướng dẫn luyện tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đều phải lượng hoá bằng các tiêu chí về thời lượng tuyên truyền, tài liệu xuất bản, số người tham gia v.v. 

Khoản 5 điều 11 về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp đối với phát triển thể dục, thể thao quần chúng là tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị mình tham gia hoạt động thể dục, thể thao. Những nhiệm vụ này cũng phải được chuẩn hoá để đánh giá được thế nào là tạo điều kiện, phải chăng là tổ chức các hoạt động ngay tại cơ quan hay là cấp kinh phí thường xuyên cho mỗi thành viên đơn vị hoặc là chỉ tạo điều kiện về thời gian mỗi ngày.

Để thực hiện được các nội dung phát triển thể dục, thể thao quần chúng, Luật Thể dục, thể thao quy định rõ các giải pháp (biện pháp) như phát động phong trào thể dục, thể thao quần chúng (điều 12); chính sách phát triển thể dục, thể thao quần chúng trong các đối tượng người khuyết tật (điều 14); thể dục, thể thao cho người cao tuổi (điều15); luật quy định phát triển các loại hình thể dục, thể thao quần chúng phòng bệnh, chữa bệnh (điều 16), các môn thể thao dân tộc (điều 17), thể thao giải trí (điều 18), thể thao quốc phòng (điều 19). Riêng đối tượng là học sinh, sinh viên có mục 2 chương II về Giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường và đối tượng là cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ trang có mục 3 chương II về Thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang

Đánh giá phát triển thể dục, thể thao quần chúng không chỉ là đánh giá trong phạm vi một phong trào thể dục, thể thao quần chúng. Bởi, theo điều 12 quy định là phong trào thể dục, thể thao quần chúng được nhà nước phát động nhằm động viên khuyến khích mọi người tham gia tập luyện thể dục, biểu diễn và thi đấu thể thao, hình thành thói quen rèn luyện thân thể cho mọi người. Như thế người có thói quen rèn luyện thân thể là người tập luyện thường xuyên, tiêu chí thế nào là người tập luyện thường xuyên và thế nào là gia đình thể thao thì luật giao cho Uỷ ban Thể dục thể thao nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định: "Phong trào thể dục, thể thao quần chúng được đánh giá bằng chỉ tiêu số người tập luyện thường xuyên và gia đình thể thao. Việc tổ chức đánh giá phong trào thể dục thể thao quần chúng tại địa phương được thực hiện theo hướng dẫn của Uỷ ban Thể dục thể thao.”   

Cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao ở trung ương trước kia là Uỷ ban Thể dục thể thao nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm theo quy định của pháp luật phải ban hành tiêu chí cụ thể cho các nhiệm vụ phát triển thể dục, thể thao quần chúng để xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển thể dục, thể thao quần chúng và làm cơ sở tiến hành kiểm tra, đánh giá theo thẩm quyền.

Vũ Trọng Lợi

Ảnh trong bài
  • Kiểm tra, đánh giá phát triển TDTT quần chúng