Thú vị thể thao ngày Xuân trên mọi miền tổ quốc!

Trong tiết trời tháng giêng tràn ngập không khí Xuân mới, trên khắp mọi miền Tổ quốc, bà con đang náo nức tổ chức hội Xuân. Trong đó, các môn thể thao mang đậm dấu ấn truyền thống địa phương được hưởng ứng rất nhiệt tình…

Giải Vật “Mùa Xuân thượng võ” Hà Nam

Giải Vật là ngày hội của bà con mỗi dịp Tết đến Xuân về

Như một thông lệ, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhằm ngày 8/2 (tức 11 tháng giêng), tại Sới vật Liễu Đôi, xã Liêm Túc (huyện Thanh Liêm), Sở VHTTDL Hà Nam lại phối hợp với UBND huyện Thanh Liêm tổ chức Giải Vật “Mùa Xuân thượng võ”. Tham dự giải năm nay có gần 200 VĐV đến từ 6 huyện, thị xã, thành phố. Các VĐV thi đấu ở 6 nội dung gồm: Jujitsu NO GI nam, nữ; vật tự do nữ; vật dân tộc nam; vật lão đô; vật anh tài. Đây là hoạt động thiết thực nhằm tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, góp phần giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là các môn thể thao dân tộc truyền thống, trong đó có môn Vật; đồng thời cũng là một trong những nội dung thi đấu trong chương trình Đại hội TDTT tỉnh Hà Nam lần thứ VII.

Theo Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nam Tạ Đình Quyền, Giải Vật "Mùa Xuân thượng võ" tỉnh Hà Nam hằng năm diễn ra vào đầu Xuân là nét đẹp văn hóa của quê hương nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ của dân tộc. Đây cũng là hoạt động văn hóa lành mạnh, góp phần tạo không khí vui tươi phấn khởi cho nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương dịp đầu Xuân năm mới.

Qua 28 năm tổ chức, Giải Vật “Mùa Xuân thượng võ” tỉnh Hà Nam đã được Bộ VHTTDL  xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Kỳ thú hội Đua ngựa Gò Thì Thùng ở Phú Yên

Vào ngày 6/2 mỗi năm (năm nay nhằm mùng 9 tháng Giêng), trong không khí ngày Xuân, Hội đua ngựa Gò Thì Thùng được chính quyền địa phương tổ chức tại khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Địa đạo Gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Hội đua ngựa Gò Thì Thùng có sự tham gia của 32 con ngựa ở các xã của huyện Tuy An. Điều làm nên sự "kỳ thú" ở hội đua là phần lớn đua là ngựa cái, hằng ngày chuyên chở nông sản chứ không phải ngựa đua chuyên nghiệp. Các "kỵ sỹ" chủ yếu là những người nông dân tại địa phương, từ già đến trẻ, có cả những phụ nữ cưỡi ngựa để đua.

Ở hội đua ngựa, khán giả được thấy những con ngựa đang băng băng trên đường đua bỗng dừng lại hất văng kỵ sỹ khiến ai cũng bất ngờ. Nhiều con ngựa không chịu chạy hết đường đua của mình mà quay đầu, hoặc lững thững đi vào khu vực tập kết ngựa.

Khi xuất phát, có ngựa "bỏ qua" hiệu lệnh của trọng tài, khiến "huấn luyện viên" gặp khó khăn... Có những màn "rượt đuổi nhau của các kỵ sỹ cùng ngựa của mình" đem lại tiếng cười sảng khoái cho khán giả.

Những năm gần đây, Hội đua ngựa Gò Thì Thùng là "đặc sản" trong số lễ hội Xuân được tổ chức ở tỉnh Phú Yên. Du khách thích thú vì không chỉ được xem ngựa đua mà còn có được nhiều tiếng cười vui đầu năm mới. Chính những điều "kỳ thú" ở hội đua ngựa đã thu hút thêm nhiều khách du lịch đến với vùng đất Phú Yên.

Hội đua ngựa Gò Thì Thùng là "đặc sản" trong số lễ hội Xuân được tổ chức ở tỉnh Phú Yên

Kết thúc hội đua, những con ngựa lại gắn bó với người dân địa phương trong cuộc sống thường ngày, phục vụ chuyên chở nông sản và chờ hội đua mùa Xuân mới. Nhiều khách du lịch đến Phú Yên thích thú với việc được cưỡi ngựa, chụp ảnh cùng ngựa. Những năm gần đây, ngựa còn được nuôi phục vụ hoạt động du lịch.

Rộn ràng hội Kéo co Hữu Chấp – Bắc Ninh

Vào những ngày đầu năm mới (ngày 4 Tết năm Ất Ty), tại tỉnh Bắc Ninh đã diễn ra lễ hội Kéo co Hữu Chấp. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào những ngày đầu Xuân thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ công đức của 5 vị Thành Hoàng làng có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Lương xâm lược vào thế kỷ VI.

Ông Nguyễn Văn Tín, Phó Trưởng BTC Lễ hội cho biết: Nét độc đáo trong hội thi kéo co làng Hữu Chấp là không thi kéo bằng dây, mà dùng cả thân cây tre làm dây kéo. Tương truyền xưa kia, dân làng Hữu Chấp có nghề kéo gỗ thuê ở các làng bên sông, rất được các phường kéo gỗ ở các nơi tín nhiệm. Vì vậy mà lễ hội làng có tục Kéo co. Đây là hoạt động quan trọng mang tính gắn kết cộng đồng, tôn vinh sức mạnh đoàn kết trong lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm qua suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Theo truyền thống, nghi thức kéo co ở Hữu Chấp vận hành theo hướng Đông - Tây. Trong đó đội hình kéo co là những thanh niên khỏe mạnh trong làng, chia làm hai bên Đông và Tây, mỗi bên 35 người nam tuổi từ 30-37, không đau ốm, bệnh tật và gia đình không có tang bụi. Cùng với ban nhạc là các bô lão đánh chiêng trống, 4 ông Hóa cầm cờ lệnh và 4 ông Vè làm nhiệm vụ cầm trịch. Trò chơi diễn ra sôi động, đông vui, náo nhiệt. Hai đội kéo 3 keo, người dân đứng xung quanh hò reo, cổ vũ chờ đến keo thứ ba thì ùa vào kéo cho đội bên Đông giành phần thắng với niềm tin bên Đông thắng thì Thánh sẽ phù hộ cho mùa màng bội thu.

Nghi lễ và trò chơi kéo co Hữu Chấp một di sản độc đáo mang nhiều ý nghĩa tốt lành của nhân dân địa phương và cũng là nét đẹp trong văn hóa của người Kinh Bắc. Với những giá trị truyền thống về văn hóa, lịch sử, nghi lễ, trò chơi Kéo co làng Hữu Chấp đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa đa quốc gia năm 2015. Sau 10 năm được công nhận, nghi lễ truyền thống được người dân duy trì, gìn giữ, phát triển nhằm tôn vinh sức mạnh đoàn kết.

Hấp dẫn Giải leo núi Tà Cú - Bình Thuận

Ngày 4/2, UBND huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh tổ chức Giải leo núi Tà Cú huyện Hàm Thuận Nam – Bình Thuận mở rộng lần thứ 27 năm 2025 nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2025) và mừng Xuân Ất Tỵ.

Giải năm nay có sự tham gia của 385 VĐV (236 nam, 149 nữ) thuộc 54 đoàn đến từ 10 tỉnh, thành phố. Các VĐV tham gia tranh tài ở các nội dung: cự ly 6.300m (chạy 4.000m và leo núi 2.300m) dành cho nam; 5.300m (chạy 3.000m và leo núi 2.300m) dành cho nữ.

Giải đấu góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong những ngày đầu Xuân; phát triển mạnh mẽ hơn nữa phong trào tập luyện TDTT, hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Bà Mai Thị Ngọc Ảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam, Trưởng BTC cho biết: Qua 27 lần tổ chức, giải thu hút được nhiều VĐV tham dự; chất lượng giải được nâng cao, để lại ấn tượng tốt đẹp cho người tham dự. Mùng 7 Tết hằng năm đã trở thành ngày hội của người dân Hàm Thuận Nam, hân hoan chào đón các VĐV và du khách thập phương về chinh phục đỉnh cao núi Tà Cú, viếng chùa, lễ Phật.

Nghi lễ và trò chơi kéo co Hữu Chấp một di sản độc đáo mang nhiều ý nghĩa tốt lành của nhân dân

Về Sóc Trăng xem Bơi đua vỏ lãi truyền thống

Giải Bơi đua vỏ lãi là môn thể thao được nhiều người yêu thích, đang phát triển mạnh mẽ ở Sóc Trăng. Các đội trình diễn sôi nổi, quyết liệt không kém giải đua Ghe ngo hàng năm của đồng bào dân tộc Khmer.

Giải năm nay thu hút 93 đội thi đấu, trong đó có 86 đội nam, 7 đội nữ, với gần 2.000 VĐV trong và ngoài tỉnh. Các VĐV thi đấu với cự ly 600m (nam, nữ), vỏ lãi có chất liệu composite, kích thước từ 7,7-8,5m, mỗi đội từ 8-10 VĐV. Giải đấu năm nay có sự tham gia của các đội đến từ tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bình Dương và một số huyện như Châu Thành, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Long Phú, Trần Đề, thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu, thành phố Sóc Trăng của tỉnh Sóc Trăng. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của các dân tộc (Kinh, Khmer, Hoa) trong xây dựng phát triển quê hương.

Ông Lê Phát Út Lớn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận (huyện Mỹ Tú) cho biết, năm nay giải đấu đã thu hút hàng ngàn cổ động viên, du khách trong và ngoài tỉnh đến cổ vũ. Các đội tham gia giải chuẩn bị khá chu đáo, cống hiến những màng bơi ngược vòng sôi nổi…

Minh Minh, ảnh: OL

 

Ảnh trong bài
  • Thú vị thể thao ngày Xuân trên mọi miền tổ quốc!
  • Thú vị thể thao ngày Xuân trên mọi miền tổ quốc!
  • Thú vị thể thao ngày Xuân trên mọi miền tổ quốc!