Kết quả công tác năm 2024 hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được thực hiện kịp thời, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật. Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật được thực hiện hiệu quả. Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý nhà nước.
Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Công tác xây dựng ngành, kiện toàn tổ chức, bộ máy được triển khai quyết liệt…Những kết quả trên tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Thanh Tùng – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh: Trong suốt năm 2024, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Tư pháp luôn có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ của ngành. Một trong những dấu ấn của ngành trong công tác phối hợp là đã tham mưu triển khai có hiệu quả chương trình chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới mạnh mẽ tư duy lập pháp.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua 18 luật, 4 Nghị quyết. Con số này thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ tư pháp với Ủy ban Pháp luật Quốc hội trong thời gian qua. Đặc biệt là Luật đầu tư công sửa đổi, Luật công chứng sửa đổi đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn mà thực tiễn đặt ra.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá cho nhiệm kỳ 2021 – 2026, ngành Tư pháp chắc chắn sẽ phải quyết liệt trong việc thực thi các nhiệm vụ lớn để mang lại những kết quả nhất định. Ông Hoàng Thanh Tùng khẳng định.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long khẳng định: ngành Tư pháp hiện đang đóng vai trò và vị trí quan trọng trong xã hội. Trong năm 2024, Quốc hội đã tổ chức 31 phiên họp riêng về pháp luật, xem xét hơn 110 Nghị định về xây dựng luật và dự án luật, 18 dự thảo Nghị quyết... Các cán bộ ngành Tư pháp chính là lực lượng nòng cốt tham mưu trực tiếp cho lãnh đạo về các dự thảo, nghị định trên.
Nhất trí cao với những kết quả mà ngành Tư pháp đã tổng kết, Phó thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh: Theo kết luận 108 ngày 18/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đánh giá: Hệ thống pháp luật trong thời gian qua cơ bản điều chỉnh đủ lĩnh vực, tạo nền tảng phát triển bảo đảm thuận lợi hơn cho người dân, đặc biệt công tác chuyển đổi số, công tác xã hội hóa một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp triển khai rộng, có nhiều đổi mới; đội ngũ cán bộ trong ngành ngày một trưởng thành đáp ứng được nhiều nhiệm vụ khó.
Hội nghị có sự tham dự của nhiều đại biểu trong và ngoài ngành
Trong phần giao nhiệm vụ của Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị: cần đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, bỏ tư duy không quản lý được thì cấm. Năng suất, chất lượng phải đảm bảo. Tiếp tục củng cố 1 hệ thống pháp luật khả thi, chi phí thấp, đến được người dân, doanh nghiệp một cách thực chất...
08 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai năm 2025
Trong công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật: Thực hiện yêu cầu của Tổng Bí thư về chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.
Toàn cảnh Hội nghị
Thực hiện rà soát chức năng, nhiệm vụ và sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp theo tinh thần “Không làm không được, khó mấy cũng phải làm”, “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “Gác lại lợi ích riêng, vì lợi ích chung”. Cơ cấu tổ chức mới của Bộ Tư pháp đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong các lĩnh vực của Bộ, ngành trong đó từng bước nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, trợ lý ảo phục vụ xây dựng và rà soát pháp luật...
Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được Quốc hội, Chính phủ giao. Tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đẩy mạnh thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Chú trọng phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế về pháp luật. Tổ chức thành công Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ nhất.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch thanh tra năm 2025, đồng thời chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất, thanh, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, các vụ việc được dư luận xã hội quan tâm.
Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam, trọng tâm là Lễ Kỷ niệm và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI.
Minh Minh, ảnh: PT