Quy trình xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú

Nhằm tôn vinh những người nắm giữ và thực hành di sản, đặc biệt là trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 93/2023/NĐ-CP, ngày 25/12/2023 thay thế Nghị định 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 (Nghị định 62) về việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”.

Như vậy, sau gần 10 năm triển khai và thực hiện Nghị định số 62-NĐ/CP, việc xét tặng Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú có những hạn chế, cần phải có những điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, các thủ tục về quy trình xét tặng cũng được cởi mở, đơn giản hóa thủ tục và có nhiều điểm mới. 
Cụ thể, tại điều 9 chương III của Nghị định 93/2023/NĐ-CP nêu rõ: Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” được thành lập theo 3 cấp gồm: Hội đồng cấp Tỉnh, Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ, Hội đồng cấp Nhà nước. Ở mỗi cấp đều có quy định rõ về quy trình xét tặng cho các danh hiệu cao quý này. 

Nghệ nhân Ưu tú Nông Thị Nhít (đứng đầu tiên phía trước) cùng đội múa Chầu biểu diễn một tiết mục múa Chầu

Trong đó, Nghị định đã nêu rõ ở Hội đồng cấp Tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao. 
Số lượng thành viên Hội đồng cấp tỉnh từ 9 – 11 thành viên, trong đó Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc hoặc Phó Giám đốc phụ trách về lĩnh vực di sản văn hóa của Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao. 
Đặc biệt, các cá nhân có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” hoặc “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể không tham gia Hội đồng. Hội đồng xem xét về thời gian hoạt động liên tục hoặc cộng dồn liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời, đánh giá về uy tín, kỹ năng nghề nghiệp, tầm ảnh hưởng của từng cá nhân có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” hoặc “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể theo tiêu chuẩn quy định hiện hành. 

Hai Nghệ nhân Ưu tú Nông Sình Ríu và Hoàng Văn Rứ biểu diễn kéo nhị trong Dá Hai 

Đối với Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan chuyên môn về công tác thi đua, khen thưởng của Bộ. Số lượng thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ từ 11 – 15 thành viên. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phó Chủ tịch Hội đồng là Thủ trưởng cơ quan chuyên môn về công tác thi đua, khen thưởng và Thủ trưởng cơ quan chuyên môn về di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 
Các nguyên tắc làm việc của Hội đồng cấp Bộ về cơ bản có những điểm tương đồng với Hội đồng cấp Tỉnh. Tuy nhiên vẫn có điểm khác biệt, ở Hội đồng cấp Bộ sẽ xem xét hồ sơ, trình tự, thủ tục của Hội đồng cấp tỉnh; đánh giá về uy tín, kỹ năng nghề nghiệp, tầm ảnh hưởng của từng cá nhân có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” hoặc “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể theo tiêu chuẩn quy định của Nghị định ban hành mới nhất. 
Hội đồng cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Số lượng thành viên Hội đồng cấp Nhà nước từ 15 – 19 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phó Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ, đại diện Bộ Nội vụ (Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương); 
Về nguyên tắc hoạt động của Hội đồng cũng không có nhiều thay đổi so với Hội đồng cấp cơ sở (cấp Bộ và Tỉnh), song có những điểm khách biệt trong việc Hội đồng cấp Nhà nước sẽ xem xét về hồ sơ, trình tự, thủ tục của Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ, đánh giá về uy tín, kỹ năng nghề nghiệp, tầm ảnh hưởng của từng cá nhân có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” hoặc “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể theo tiêu chuẩn quy định tại Điều 7 hoặc Điều 8 của Nghị định 93/2023/NĐ-CP. 
Như vậy, có thể thấy danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” là những danh hiệu vô cùng cao quý trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn theo quy định mà Nghị định 93/2023/NĐ-CP đã ban hành. Những cá nhân vinh dự được trao tặng những danh hiệu này là những người có tài năng hoặc kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh; có cống hiến to lớn được ghi nhận cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân đang nắm giữ. Đồng thời, thể hiện ở việc hiểu biết, nắm giữ tri thức, bí quyết, kỹ năng thực hành về loại hình di sản văn hóa phi vật thể; có sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật, góp phần bảo vệ và làm giàu các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của đất nước. Cùng với đó, truyền dạy được nhiều cá nhân đã hoặc đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

N.H, Ảnh: Đàm Nhớ
 

Ảnh trong bài
  • Quy trình xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú
  • Quy trình xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú