Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam đã tiến hành một cuộc điều tra về các vụ tấn công trên máy tính. Kết quả có đến hơn một nửa cơ quan Nhà nước là không có nhân viên chuyên trách hoặc bán chuyên trách về an toàn thông tin, chỉ có 40% các cơ quan ban hành quy chế về an toàn thông tin, 10% cơ quan Nhà nước có quy trình xử lý sự cố về an toàn thông tin.
Nhóm chuyên gia về CNTT cũng đã tiến hành một cuộc thử nghiệm bằng cách tấn công một số Website của các cơ quan Nhà nước, nhưng chỉ có 23% trong số đó nhận biết là có cuộc tấn công. Điều đó, cho thấy trình độ tin học và công tác bảo mật của nhiều cơ quan còn tồn tại bất cập.
Một số chuyên gia về công nghệ thông tin và truyền thông cũng cho rằng, trong ứng dụng CNTT, đặc biệt là khi triển khai Chính phủ điện tử vấn đề an toàn thông tin là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Từ thực tế đó đã đặt ra cho: giới CNTT cần tìm ra những giải pháp hữu hiệu để xây dựng chính phủ điện tử. Theo đó, các nhà chuyên môn đã đưa ra một số giải pháp đồng bộ, cụ thể như: Xây dựng một cơ chế quản lý tài nguyên; Xây dựng một cơ chế quản lý và kiểm soát an toàn thông tin với quy trình quản trị hệ thống và ứng dụng các PM quản lý chính sách; Xây dựng các hệ thống quét Virút, Antispyware, Antispam; Thường xuyên dò tìm phát hiện lỗ hổng hệ thống; Xây dựng cơ chế dự phòng và phục hồi hệ thống, đảm bảo tính liên tục của hệ thống.
Để khắc phục tình trạng mất an ninh mạng trong các cơ quan Nhà nước, ngoài việc triển khai những giải pháp trên cần đào tạo một đội ngũ nhân lực giỏi để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra.
Thu Nga