Thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" giai đoạn 2021 – 2030, các hoạt động TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh diễn ra thường xuyên, phong phú cả về nội dung lẫn hình thức. Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác TDTT trong các tầng lớp nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, ý thức tự giác tập luyện TDTT được nâng cao. Theo thống kê của ngành VHTTDL tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Tiền Giang có 656.570 người tham gia tập luyện TDTT, đạt tỷ lệ 36,85%; có 120.352 hộ gia đình tham gia tập luyện TDTT, đạt tỷ lệ 24,62%. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 830 CLB, tụ điểm, nhóm tập từng môn, đa môn được phát triển rộng khắp trong các huyện, thị, thành. Trong đó, CLB các môn như Dưỡng sinh, Võ thuật, Bóng đá, Cầu lông… chiếm số lượng nhiều và phát triển rộng khắp trên toàn tỉnh.
Công tác giáo dục thể chất và hoạt động TDTT trong trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được đẩy mạnh
Đóng góp vào sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng của tỉnh một phần phải kể đến việc triển khai và thực hiện tốt công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học. Thực hiện mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương; tăng cường an ninh, an toàn trường học; chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều duy trì thực hiện tốt hoạt động giảng dạy môn giáo dục thể chất đảm bảo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đồng thời, các nhà trường, cấp học trên địa bàn tỉnh đã chủ động đổi mới chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và thể thao trong trường học. Chương trình môn học Giáo dục thể chất về cơ bản đã bảo đảm cung cấp kiến thức, kỹ năng và duy trì thói quen tập luyện TDTT cho học sinh. Đến nay, 100% trường học bảo đảm chương trình giáo dục thể chất chính khóa; 85% số trường học thực hiện chương trình ngoại khóa. Để các hoạt động thể thao trong trường học ngày càng phát triển, ngành GDĐT tỉnh đã khuyến khích phát triển các mô hình CLB, các hoạt động ngoại khóa… Qua đó, giúp học sinh nâng cao thể lực và phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ.
Hình thức tổ chức và nội dung tập luyện TDTT của học sinh ngày càng phong phú, đa dạng và dần đi vào nền nếp. Bên cạnh đó, hệ thống giải thi đấu thể thao trong học sinh được duy trì thường xuyên, ổn định và ngày càng thu hút đông đảo học sinh tham gia. Điểm nhấn là việc ngày càng có nhiều học sinh tham gia ở nhiều nội dung trong HKPĐ các cấp. Đây là minh chứng cho thấy sự phát triển sâu rộng phong trào tập luyện TDTT của học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh.
Gần nhất, tại kỳ HKPĐ toàn quốc lần thứ X, năm 2024 diễn ra tại TP. Hải Phòng vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, đoàn Thể thao học sinh tỉnh Tiền Giang với 37 VĐV tham gia thi đấu 7 môn: Bơi, Điền kinh, Cầu lông, Cờ vua, võ Vovinam, võ Taekwondo và Võ cổ truyền. Kết quả, đoàn Thể thao học sinh tỉnh Tiền Giang đạt tổng cộng 31 HCV, 24 HCB, 43 HCĐ, xếp thứ 10 trên bảng xếp hạng huy chương của 63 tỉnh, thành phố tham gia tranh tài và vinh dự được nhận Cờ thi đua dành cho đơn vị có thành tích khá tại HKPĐ lần này.
Ngoài việc không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như nội dung môn học giáo dục thể chất, việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động dạy và học cũng như tổ chức các hoạt động TDTT luôn được quan tâm. Theo thống kê, các trường trong toàn tỉnh hiện có 82 hồ bơi (trong đó có 14 hồ bơi cố định, quy mô lớn tại 14 trường THPT); 125 nhà thi đấu đa năng; 830 sân tập TDTT; 835 sân chơi, khu vui chơi cho học sinh và trẻ em. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác giảng dạy môn giáo dục thể chất cũng từng bước được chuẩn hóa và không ngừng được nâng cao trình độ chuyên môn thông qua các khóa tập huấn, bồi dưỡng hàng năm.
Mặc khác, công tác xã hội hóa đối với công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học từng bước được quan tâm… đã giúp các trường học thực hiện có chất lượng công tác giáo dục thể chất và phong trào TDTT trong học sinh. Từ đó, phong trào TDTT trường học đã thực sự là sân chơi lành mạnh, giúp phát huy năng khiếu, sở trường, đáp ứng nhu cầu, sở thích của học sinh; thúc đẩy nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện theo từng năm học.
Với những giải pháp đồng bộ, toàn diện được triển khai bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT trong trường học trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Đây cũng chính là cơ sở để Tiền Giang phấn đấu đến năm 2030 đạt 100% số trường học đảm bảo giáo dục thể chất nội khóa có chất lượng; 100% số trường thực hiện tập luyện thể dục, thể thao ngoại khóa.
Trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay, công tác phát triển TDTT ở nước ta cũng đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới để phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, đổi mới giáo dục thể chất và thể thao trường học gắn với mục tiêu giáo dục, phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, văn hoá, sức khoẻ, thẩm mỹ và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, tạo nền tảng để phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và tài năng trẻ là một trong những yêu cầu được Bộ Chính trị đặt ra trong Kết luận 70/KL-TW về phát triển TDTT trong giai đoạn mới.
Để công tác TDTT nói chung, thể thao trong trường học trên bàn tỉnh Tiền Giang ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học. Bên cạnh kinh phí được các cấp thẩm quyền cấp hằng năm, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tùy vào điệu kiện của đơn vị, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động các nhà đầu tư xây dựng, khai thác các sân tập, nhà tập như nhà thi đấu Cầu lông, sân Bóng đá mini, hồ bơi, Bóng bàn… để có thể chủ động trong việc thực hiện xây dựng cơ sở vật chất TDTT.
Ban Giám hiệu các trường tạo điều kiện về thời gian, phát động nhiều giải đấu, duy trì tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ; thành lập CLB các môn thể thao trong nhà trường; khuyến khích, động viên giáo viên cùng tham gia tập luyện để thu hút học sinh đến với phong trào TDTT.
Bài, ảnh VD