Hội thảo đã đưa ra nhiều thông tin, quan điểm về quyền tác giả trong lĩnh vực CNTT-TT. Đây cũng là một lĩnh vực khá mới mẻ và phức tạp tại Việt Nam. Đồng thời Hội thảo cũng đặt ra nhiều vấn đề như: trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ Internet; tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền tác giả và quyền liên quan tới nhân dân; bổ sung cho hệ thống pháp luật về lĩnh vực này và tăng cường quản lý thực thi quyền tác giả trong CNTT-TT.
Trước đó, Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã gửi khuyến cáo tới 82 đơn vị tại 2 địa phương Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về việc thực hiện nghiêm quyền tác giả. Trong văn bản khuyến cáo đã nêu rõ: "Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch khuyến cáo quý đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo họ quyền tác giả đối với chương trình máy tính, không sao chép, cài đặt, sử dụng các chương trình máy tính mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu. Mọi hành vi xâm phạm khi bị phát hiện sẽ được xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành."
Những hoạt động của Bộ VH,TT&DL trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyền tác giả đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực lớn trong việc thực hiện Nghị định số 47/2009/NĐ-CP. Nghị định do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 13/5/2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Nghị định đã có hiệu lực từ ngày 30/6.
Với Nghị định mới này, việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm, các đơn vị không chỉ phải chịu mức phạt nghiêm khắc mà còn bị ảnh hưởng nghiệm trọng đến uy tín của cơ quan, doanh nghiệp. Đặc biệt đối với các cơ quan quản lý nhà nước cần thiết thực hiện nghiêm chỉnh luật sở hữu trí tuệ. Đối với các cơ quan này, kinh phí mua phần mềm đã nằm trong kế hoạch nên hoàn toàn không nên sử dụng các phầm mềm vi phạm bản quyền. Đặc biệt cần cẩn thận khi sử dụng các sản phẩm này vì lý do khách quan có thể cơ quan sử dụng phầm mềm vi phạm bản quyền một cách vô thức. Khi đó, uy tín của cơ quan sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng.