Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội đều xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực, là đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu bắt buộc, tiến trình không thể đảo ngược ở bình diện quốc tế, quốc gia hay từng bộ, ngành, địa phương.
Hiện nay, Việt Nam xác định ưu tiên cho tăng trưởng. Theo đó phải làm mới các động lực tăng trưởng cũ là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ. Thực tế cho thấy, lực lượng sản xuất chất lượng cao chính là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để mỗi quốc gia “bắt kịp, tiến cùng, vượt lên”.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP
Theo Thủ tướng, nhìn lại những bước tiến trong quá trình chuyển đổi số ở nước ta thời gian qua rút ra nhiều bài học, trong đó bài học lớn là chuyển đổi số muốn mạnh, muốn nhanh, muốn hiệu quả đòi hỏi vai trò quan trọng, mang tính quyết định của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương.
Thủ tướng cho rằng: Chuyển đổi số là vấn đề mang tính toàn dân, toàn diện, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp và sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Chuyển đổi số được thực hiện toàn diện cả về phát triển hạ tầng số; hoàn thiện thể chế về chuyển đổi số và các vấn đề liên quan; tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số; chuyển đổi số đang “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; kinh tế số đang thẩm thấu dần vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, làm thay đổi một cách cơ bản đời sống kinh tế - xã hội.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung lắng nghe các báo cáo và đưa ra các ý kiến đóng góp và tập trung thống nhất đánh giá có 8 kết quả nổi bật trong chuyển đổi số thời gian qua. Trong đó, nổi bật theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các báo cáo thế giới đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm. Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 đứng thứ 3 và hai năm tiếp theo 2022, 2023 đứng thứ 1.
Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022 xếp Việt Nam hạng 55 toàn cầu, trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia 29, Thái Lan 31. Về xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng.
Còn theo đánh giá của Việt Nam, chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI) tăng đều qua các năm, đến năm 2022 đạt 0,71 điểm; các chỉ số thành phần về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45% - 55%.
Về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, nếu năm 2019 mới chỉ đạt gần 11% thì từ năm 2020 đến nay có bước tăng trưởng đột phá, đạt 55%, tăng gấp 5 lần so với cả giai đoạn trước 2020; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở năm 2019 chỉ khoảng 5%, thời điểm hiện tại, tỷ lệ này đạt 43% (tăng hơn 8 lần).
Về phát triển kinh tế số, ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5% và đến tháng 6/2024 là 18,5%... Về phát triển xã hội số, giai đoạn 2022 - 2024 có những chuyển biến tích cực, trong đó tỷ lệ người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử tăng từ mức 3% lên 13,5% (tăng gần gấp 4 lần); tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 87,08%.
Về phát triển công dân số, đến tháng 12/2023, Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip; đã kích hoạt 45,4 triệu tài khoản định danh; có 34 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt định danh điện tử cao nhất cả nước; ứng dụng VNeID đã được tích hợp thêm các tiện ích: sổ sức khỏe điện tử, giấy phép lái xe, ví điện tử, kê khai, đăng ký, nộp thuế, thông tin sổ bảo hiểm xã hội và nhiều tiện ích khác…
Cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số vẫn còn nhiều việc phải làm để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên”, Thủ tướng yêu cầu hội nghị thảo luận, đánh giá đúng tình hình, nêu các mô hình hay, bài học quý, cách làm hiệu quả; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, hiệu quả hơn, nhất là trong điều kiện kinh phí còn khiêm tốn, còn nhiều khó khăn, nhất là giải pháp đột phá, đổi mới sáng tạo với phương châm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp”…
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện và trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi số để thống nhất triển khai trong giai đoạn tới.
Thủ tướng đánh giá chuyển đổi số đã trở thành phong trào, xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Trong giai đoạn 2021-2024, chuyển đổi số được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, bao trùm, xuyên suốt, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong chuyển đổi số.
Sau khi phân tích các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng khái quát 5 bài học kinh nghiệm quan trọng.
Thứ nhất, phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số quốc gia.
Thứ hai, phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công rõ người, rõ việc, rõ ưu tiên, rõ thời gian, rõ kết quả để dễ kiểm tra, dễ giám sát, đánh giá, dễ khen thưởng, kỷ luật phù hợp. Phải tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, "làm việc nào dứt việc đó", tăng cường phối hợp, bám sát thực tế, phản ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
Thứ ba, phải đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, mạnh dạn thí điểm các mô hình mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy mạnh mẽ đầu tư đối tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư.
Thứ tư, phải luôn giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân.
Thứ năm, phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu; luôn cầu thị, lắng nghe phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Phải nói thật, làm thật, để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật những thành quả do chuyển đổi số mang lại theo tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".
N.H