Ứng dụng Công nghệ số trong hoạt động Thể thao

Trong những năm gần đây, việc đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ số trong hoạt động Thể thao đã mang đến làn gió mới cho các giải thể thao, đặc biệt là các giải chạy. Càng ngày càng có nhiều người dân, VĐV tham gia các giải chạy đã sử dụng các ứng dụng Công nghệ thông minh để hỗ trợ cho việc tập luyện của mình.

Điển hình như CLB chạy bộ Quảng Trị Runners (QTR) là CLB đang đi đầu trong việc ứng dụng Công nghệ số trong tổ chức hoạt động Thể thao tại Quảng Trị.

Theo đó, để theo dõi sát sao các thành viên trong hoạt động chạy bộ, QTR đã triển khai nhiều tiện ích, phục vụ hiệu quả chạy bộ, tạo được sự đồng tình hưởng ứng cao trong các thành viên. Ban đầu, việc ứng dụng công nghệ chỉ là việc các thành viên của CLB sử dụng điện thoại cài app chạy bộ Strava (một ứng dụng theo dõi quá trình tập luyện thể thao) để đo thành tích của mỗi lần vận động về số km, thời gian, tốc độ, bước chân...

Tuy nhiên việc sử dụng ứng dụng này khiến các thành viên phải liên tục cầm điện thoại khi chạy, điều nay khiến mọi người gặp khó khăn trong quá trình vận động và ảnh hưởng đến thành tích. Để giải quyết vấn đề này, QTR đã tìm hiểu và đưa ra những giải pháp mới bằng việc sử dụng đồng hồ Garmin với nhiều tính năng đỉnh cao cho chạy bộ nói riêng và các môn thể thao khác nói chung khi tích hợp 30 môn thể thao khác nhau như chạy bộ, đạp xe, bơi…

Sau mỗi lần chạy, đồng hồ thông minh Garmin luôn đem đến những gợi ý về bài tập để điều chỉnh, phục hồi phù hợp với hiệu suất bản thân; gợi ý thời gian hoàn thành, đào tạo miễn phí, trạng thái và hiệu quả luyện tập; cung cấp dữ liệu về giấc ngủ, hướng dẫn cách luyện tập để kích hoạt năng lượng khi thức dậy; cung cấp được hiệu suất luyện tập cũng như tổng quan sức khỏe thông qua ghi nhận sự thay đổi của nhịp tim; giúp dễ dàng phát hiện được môi trường khó khăn, theo dõi an toàn và phát hiện sự cố...

QTR là CLB đi đầu trong ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thể thao ở tỉnh Quảng Trị

Việc đưa ứng dụng vào trong tập luyện giúp người tập đánh giá thành tích của cá nhân đạt được, đồng thời có thể so sánh với thành tích các thành viên khác, rồi từ đó chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau cùng hướng tới thành tích cao hơn. Không những thế khi tất cả các thành viên đã ứng dụng công nghệ hiện đại tự động ghi nhận kết quả tập luyện, thi đấu đã giúp cho QTR quản lý, giám sát thành viên dễ dàng và hiệu quả hơn. Từng hoạt động của các thành viên sẽ được ghi nhận nếu hợp lệ với các tiêu chí đưa ra về tốc độ chạy trung bình trong khoảng cho phép, có đường chạy thể hiện rõ ràng, có nhịp tim và guồng chân đầy đủ. App sẽ tự tính toán các hoạt động hợp lệ và ghi nhận, đồng thời loại các hoạt động không hợp lệ. QTR căn cứ vào tổng thành tích các cá nhân để xếp hạng và trao thưởng rất thuận tiện và nhanh chóng. Từ ứng dụng hiệu quả, Công nghệ số đã giúp cho các thành viên luôn giữ vững đam mê chạy bộ để khám phá, vượt qua giới hạn của mình, đồng thời thi đấu gặt hái thành tích ấn tượng trong nhiều giải thể thao quy mô cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế.

Không chỉ ứng dụng Công nghệ số trong tập luyện, QTR cũng gắn ứng dụng công nghệ trong việc tổ chức các giải chạy trực tuyến để gây quỹ vì cộng đồng thu hút đông đảo doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Các giải chạy bộ trực tuyến thường quy đổi quãng đường chạy thành tiền quyên góp từ thiện, vì thế, QTR luôn nỗ lực để mỗi bước chạy thêm nhanh hơn, xa hơn nhằm quy đổi ra số tiền nhiều hơn, mang đến sự hỗ trợ thiết thực nhất cho những người yếu thế. Điều thú vị về các giải chạy bộ trực tuyến đó là thời gian diễn ra khá dài, các VĐV tự chọn đường chạy bất cứ nơi đâu và thời gian bất cứ lúc nào để chạy…

VĐV tham gia chạy và ghi nhận lại kết quả chạy bộ bằng cách sử dụng ứng dụng Strava. Nhìn sơ qua, các VĐV tham gia chạy không khác gì việc tập luyện thể thao hằng ngày. Nhưng khi thấy họ nhìn đồng hồ thông minh và khuôn mặt hiện rõ sự quyết tâm mới nhận ra là thi đấu trực tuyến ứng dụng Công nghệ số.

Hay như tại Lạng Sơn, ứng dụng công nghệ trên điện thoại thông minh đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều người dân và các VĐV tham gia các giải chạy. Các ứng dụng phổ biến được người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng gồm: Strava, Running App, Gramin… Theo đó, thông qua hệ thống định vị toàn cầu Global Positioning System (GPS) được kết nối bằng điện thoại thông minh mà người dân mang theo khi tập luyện, các ứng dụng sẽ cập nhật vị trí để tính độ dài quãng đường mà người tập đã đi, hiển thị hành trình đi trên bản đồ định vị, tính trung bình thời gian di chuyển/kilomet, ước tính năng lượng đã được sử dụng để thực hiện đi hoặc chạy trên quãng đường đó, đo nhịp tim (khi kết nối với đồng hồ thông minh)… Kết quả chạy của người dân cũng được ứng dụng lưu trữ, thống kê bằng biểu đồ.

Từ tiện ích của các ứng dụng, thời gian qua, nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các giải chạy nhằm mục đích gây quỹ từ thiện. Tham gia giải, hầu hết các VĐV đều cài đặt ứng dụng chạy (do BTC lựa chọn ứng dụng) để làm căn cứ tính kết quả. Điển hình như tại giải chạy “Agribank – Vì tương lai xanh” do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Lạng Sơn (tháng 2/2023) và giải chạy “Vạn trái tim – một niềm tin” do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Lạng Sơn tổ chức (tháng 3/2023) có khoảng 700 người đã cài đặt ứng dụng Strava khi tham gia giải.

Ông Phương Ngọc Thuyên, Trưởng Phòng Quản lý TDTT, Sở VHTTDL Lạng Sơn cho biết: Sử dụng công nghệ, ứng dụng trên các thiết bị thông minh hỗ trợ tập luyện TDTT trong những năm gần đây đã được khá nhiều người dân trên địa bàn áp dụng. Các phần mềm tiện ích không chỉ giúp nâng cao hiệu quả, tạo động lực duy trì việc tập luyện thường xuyên của người dân, nâng cao thành tích cho VĐV đối với các môn thể thao dịch chuyển như đi bộ, chạy việt dã, xe đạp đường trường, xe đạp địa hình… mà còn lan tỏa phong trào tập luyện những môn này, từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ người dân luyện tập TDTT thường xuyên trên địa bàn.

Việc sử dụng ứng dụng, phần mềm với hàng loạt các chức năng tích hợp, người dân trên địa bàn có thể tự tập luyện, đánh giá kết quả, đặt ra mục tiêu phấn đấu hằng ngày nhằm góp phần nâng cao hiệu quả tập luyện và thành tích thi đấu.

Bài, ảnh: Hồng Hạnh

Ảnh trong bài
  • Ứng dụng Công nghệ số trong hoạt động Thể thao