Đối với thể thao thành tích cao, ngoài việc chuyên tâm trong tập luyện, thì việc bổ sung dinh dưỡng cũng là một yếu tố quan trọng, giúp nâng tầm thành tích cho VĐV. Song, bổ sung dinh dưỡng thế nào cho đủ và đúng, lựa chọn thực phẩm chức năng bổ sung ra sao cho phù hợp với VĐV luôn là vấn đề được giới chuyên môn quan tâm.
Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Nam Nhân chia sẻ, đơn vị TPHCM có khoảng 3.000 VĐV thể thao thành tích cao và để họ đạt đến tiêu chuẩn tập luyện, thi đấu có kết quả tốt cần rất nhiều yếu tố như: kỹ - chiến thuật, tâm lý, dinh dưỡng, phục hồi, đánh giá...Dinh dưỡng là một trong những vai trò quan trọng, bởi nó liên quan mật thiết đến việc hình thành thể lực cho VĐV.
Nhiều thông tin về dinh dưỡng thể thao đã được đưa ra tại buổi hội thảo. Ảnh: THANH TÙNG
Theo TS. Lê Thị Quỳnh Nhi - Tiến sĩ y khoa lâm sàng Đại học Oxford, thành viên Hội đồng khoa học công nghệ viện dinh dưỡng TPHCM, mục tiêu của dinh dưỡng dành cho VĐV là cải thiện thành tích, tăng cường điều kiện, hỗ trợ phục hồi và tránh thương tổn. Đối với một VĐV đỉnh cao hoặc hoạt động nặng, năng lượng dinh dưỡng cần cho họ là 150-250kcal/kg/ngày, tương đương 7.500 -10.000kcal/ngày tùy mức độ và hàm lượng giai đoạn vận động.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, một số loại thực phẩm bổ sung được chứng minh có tác dụng rõ rệt giúp nâng cao thành tích thi đấu, tăng chuyển hóa và miễn dịch, rút ngắn thời gian phục hồi, hỗ trợ bảo vệ xương khớp, tăng cơ bắp, cũng như phòng chống một số bệnh mạn tính, cấp tính có thể xảy ra với VĐV. Hầu hết các VĐV đỉnh cao đều có sử dụng khoảng 3-5 loại mỗi ngày.
Các loại thực phẩm bổ sung được sử dụng với mục đích bổ sung dinh dưỡng cho các bữa ăn tự nhiên bị thiếu hụt, rất tiện lợi như các bữa ăn thay thế, bữa ăn nhanh gọn ngay trước, trong và ngay sau khi thi đấu, tập luyện; bữa ăn giúp bổ sung nhanh năng lượng với các môn sức bền, kéo dài, giữa các trận thi đấu, với các trận quay vòng liên tiếp sau 1 vài ngày, khi di chuyển nhỡ bữa...
Làm sao đủ và đúng dinh dưỡng?
Trong quá trình phát triển thể thao thành tích cao, TPHCM cũng vướng phải một số thực trạng trong: dinh dưỡng cung cấp qua khẩu phần ăn hàng ngày và sử dụng thực phẩm bổ sung. Hiện nay, nhiều đội tuyển chưa có chế độ ăn tập trung, VĐV cũng chưa được cung cấp nhiều kiến thức về dinh dưỡng thể thao, từ đó tính xem ăn uống sao cho đủ và đúng.
Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Nam Nhân chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: THANH TÙNG
Ngoài ra, do hạn chế về kinh phí và quy định nên kinh phí sử dụng thực phẩm bổ sung chưa dựa trên cơ sở khoa học của hoạt động chuyên môn. Có nghĩa là do hạn chế kinh phí nên các môn không thể đề xuất toàn bộ những thực phẩm bổ sung theo nhóm mục tiêu dinh dưỡng (bổ sung năng lượng, bổ sung vitamin khoáng chất và hỗ trợ hồi phục), mà phải cân đối để đề xuất theo thứ tự ưu tiên.
Từ đây, giới chức chuyên môn và các chuyên gia cùng nhau thảo luận đâu sẽ là giải pháp để nâng cao hiệu quả dinh dưỡng trong thể thao thành tích cao TPHCM. Ông Phạm Thanh Nghị - Trưởng phòng Y học Khoa học thể thao (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TPHCM) cho biết, việc đầu tiên cần làm đó là tiêu chuẩn kiến thức dinh dưỡng cho HLV, VĐV. Khi vào tuyến, họ bắt buộc phải tham gia một khóa học về dinh dưỡng thể thao. “Việc sử dụng thực phẩm bổ sung phải tính đến việc bù trừ thiếu hụt từ các bữa ăn chính trong ngày, nên việc kiểm soát khẩu phần ăn hàng ngày là một yếu tố quan trọng trong xây dựng kế hoạch sử dụng thực phẩm bổ sung”, ông Nghị nói thêm.
Ngoài ra, nhiều phương pháp được đề xuất thêm như: xây dựng chương trình dinh dưỡng theo đặc thù các môn thể thao, theo dõi các tiêu chí đánh giá tình trạng dinh dưỡng, xây dựng bếp ăn tập trung cho VĐV.
NGUYỄN ANH (SGGP)