Điện Biên Phủ ghi sâu mãi trong lòng lớp cán bộ TDTT ngày ấy

Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đã đi vào lịch sử như bản anh hùng ca bất hủ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, chấm dứt cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của nhân dân ta. Sự kiện mãi mãi ghi dấu ấn trong lòng mỗi người con đất Việt nói chung, thế hệ cán bộ ngành TDTT Việt Nam nói riêng. Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Trang tin TDTT gửi tới bạn đọc bài viết "Điện Biên Phủ ghi sâu mãi trong lòng lớp cán bộ TDTT ngày ấy" của tác giả- Nhà báo Trương Xuân Hùng.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954, dẫn đến kết thúc Hiệp định Gieneve ngày 21-7-1954 lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ba tháng sau ngày 10-10 bộ đội từ chiến khu Việt Bắc tiến về giải phóng Thủ đô.

Ngày 20-5-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho gọi 6 người, gồm: Vương Bích Vượng, Vũ Quang Tiệp, Trần Kim Duyên, Nguyễn Thị Thu Thủy, Trương Tấn Bửu và cua-rơ xe đạp Vũ Văn Thân lên gặp Bác nhận nhiệm vụ đặc biệt: “Sang Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu học tập, nghiên cứu về tổ chức cơ quan thể dục thể thao của các nước bạn; kế hoạch mở trường, mở Trung tâm thể thao đào tạo huấn luyện cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên…. để chúng ta chuẩn bị việc tái thành lập Ngành Thể dục thể thao.

Lúc bấy giờ, ông Vương Bích Vượng đang là Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang được cử đi dự Đại hội Đoàn Thanh niên Cứu quốc toàn quốc năm 1951 ở Việt Bắc, được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đoàn và ở lại công tác tại Việt Bắc. Chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc, ông Vương Bích Vượng được cử sang thành lập đơn vị “Thanh niên xung phong Trung ương” và công tác cho đến khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ. Trở về Hà Nội, ông Vượng công tác ở Trung ương Đoàn.

Còn ông Vũ Quang Tiệp nguyên là “lực sĩ điền kinh”- nay là vận động viên, từng học Trường Cao đẳng Giáo dục Thể chất Đông Dương – (ESEPIC Phan Thiết. Cùng thời với ông Tiệp hồi đó (khóa đầu năm 1942), Bắc Kỳ còn có 2 học viên là Hà Đức Toàn và Đỗ Đức Uyên và khóa 3 (giữa năm 1942) Bắc Kỳ có 4 học viên, trong đó có Nguyễn Huy Khôi. Các “monitơ Phan Thiết” này, đầu năm 1946 đều được gọi về Bộ Thanh niên công tác ở Nha Thể dục Trung ương sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 14 ngày 30 tháng Giêng năm 1046 “Thiết lập một Nha Thể dục Trung ương tại Bộ Thanh niên”.

Sau cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, ngày 2-3 Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội, nội các chính phủ mới chỉ có 10 bộ (Chính phủ Lâm thời có 13 bộ) và Bộ Thanh niên không còn, Bộ trưởng Dương Đức Hiền là Giám đốc Trường Thể dục Việt Nam nằm trong Bộ Quốc gia Giáo dục do Bộ trưởng Đặng Thai Mai phụ trách.

Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu (ảnh: minh họa)

Tiếp đó, sau ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, Bộ Quốc gia Giáo dục tản cư lên ATK Việt Bắc. Thời gian sau, tại một địa điểm ở Phú Thọ, Nha Thể dục Trung ương tạm ngừng hoạt động. Cán bộ phụ trách 8 đơn vị của Nha cùng một số huấn luyện viên… được cử đến Trường Huấn luyện Lục quân ở Bắc Cạn, số khác được cử về các Đại đoàn chiến đấu (nay gọi là sư đoàn), các Trung đoàn độc lập, các Quân khu 12, Đông Bắc, Hữu Ngạn, Tả Ngạn, Quân khu 4, Quân khu 5…

Cùng thời gian này, tại Vùng Tự do - Vân Đình tỉnh Hà Đông, mấy chục “monitơ Phan Thiết” đã tình nguyện rời bỏ Hà Nội tạm chiếm, đi theo kháng chiến đã gửi “Bức thư ngỏ” cho giới thể thao có đoạn viết:

 “… Các bạn thân mến. Vì hoàn cảnh kháng chiến, chúng ta không được đoàn tụ như xưa ở Thủ đô yêu dấu. Chúng tôi ra vùng tự do hoạt động, còn các bạn bất đắc dĩ ở nơi địch tạm chiếm. Nhưng dù ở trong cũng như ở ngoài, chúng ta đều tham gia vào công cuộc kháng chiến, tin tưởng ở sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta phải là những thanh niên xứng đáng của dân tộc ở trong giai đoạn tổng phản công. Các bạn chuẩn bị sẵn sàng ngay từ bây giờ, từ sức khỏe đến vũ khí để đến khi được lệnh ra mặt trận thì chúng ta cùng hăng hái thi đua giết giặc. Các bạn Thanh niên khỏe của Thủ đô thân mến. Các bạn hãy hăng hái vươn mình lên giết giặc đem vinh quang lại cho dân tộc, cho tròn cái sứ mạng thể thao của chúng ta… Chào thân ái và đoàn kết. (Báo Cứu quốc Thủ đô ngày 11-10-1949).

Dưới bức thư tâm huyết của giới thể thao đi theo kháng chiến có cả trăm chữ ký. Đó là các nhà thể thao nổi tiếng 3 xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ: Nguyễn Hữu Nguyên, Nguyễn Văn Thân, Vũ Văn Tiến, Đặng Hồ Khuê, Phan Sang, An Văn Thọ, Thu Goòng, Đàm Thế Công, Nguyễn Khắc Thuận, Hà Đức Toàn, Nguyễn Huy Khôi, Phạm Duy Sen, Nguyễn Lân, Nguyễn Hữu Hàm, Vũ Công Bảy, Mai Duy Dưỡng, Trần Văn Dzị, Thìn A, Văn Diễn…

Chiều ngày 7-5-1964, nhân kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, những người có tên trong bức thư ngỏ kia (có những người đã hy sinh ở chiến trường) đã có cuộc hội tụ ở Trụ sở Báo Thể dục thể thao để cùng ôn chuyện 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu" với niềm tự hào rạng rỡ.

Mọi người nhắc đến “Đoàn quân” gần 300 cán bộ từ Thiếu úy đến Đại tá về Ngành Thể dục thể thao ngay sau ngày Chính phủ thành lập Ủy ban Thể dục thể thao. Ngoài Trung tướng Hoàng Văn Thái – Người trực tiếp chỉ huy trên chiến trường- giải phóng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ còn có Trung tá Nguyễn Văn Giảng, các Đại úy: Nguyễn Thế Hào, Phùng Duy Thực, Nguyễn Tính, Vũ Tiến Quân, Nguyễn Thanh Trạm, Lê Đại Lịch, Nguyễn Anh Tuấn, Ngô Mai Xuân, Nguyễn Văn Toại, Đỗ Duy Ninh… Những “Nhà thể thao” này đều là “bộ đội Cụ Hồ”, là lính các đại đoàn chủ lực tham dự chiến dịch Đông –Xuân 1953-1954 giải phóng Điện Biên: 308, 312, 316, 304… Hay bên Đoàn Thể thao Quân đội (Thể Công) với gần 40 người là các cán bộ phụ trách, chính trị viên của các đội Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng rổ, Bắn súng, Bơi lội, Xe đạp, Thể dục dụng cụ…. đều là “Chiến sĩ Điện Biên”: Nguyễn Văn Bưởi, Nguyễn Thông, Hoàng Khoản, Hồ Xuân Kỷ, Vũ Bá Thụ, Trần Oanh, Võ Khắc Vẽ, Nguyễn Hữu Tài, Ngô Xuân Quýnh, Nguyễn Tất Thắng…

Năm 1984, nhân kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ngành Thể dục thể thao đã xây tặng cho đồng bào huyện Điện Biên (năm 1984 chưa thành lập tỉnh Điện Biên, chỉ là huyện thuộc tỉnh Lai Châu) một sân vận động có mái che với sức chứa 2 vạn chỗ ngồi hiện đại nhất ngày đó. Trưởng ban Xây dựng Tổng cục Phan Thông khá vất vả với cái sân “trên rừng Tây Bắc” này với gần 2 năm trời… đi đi về về.

Tại nhà khách Huyện ủy Điện Biên, Bí thư Huyện ủy Lò Văn Pún báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đồng bào Điện Biên chúng tôi vô cùng biết ơn Đảng, Chính phủ, Biết ơn Bác Hồ, biết ơn Ngành Thể dục thể thao Trung ương đã cho nhân dân Tây Bắc một sân vận động to đẹp, nguy nga!”.

Đại tướng Hoàng Văn Thái – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao hồi thập niên 60 của thế kỷ trước cũng bắt tay khen ngợi Trưởng phòng Thể dục thể thao huyện Điện Biên Trần Hồng Cẩm và nói với mọi người: “Các đồng chí giữ cho thật tốt cái sân vận động Điện Biên rất đặc biệt này. Hôm nay và mãi sau này nữa, sân vận động Điện Biên cũng là biểu tượng của chiến thắng. Rồi đây khách du lịch nước ngoài, người Mỹ, người châu Âu sẽ đến thăm và tham quan du lịch chiến trường lịch sử Điện Biện Phủ, họ đến du lịch Tây Bắc của các đồng chí, của chúng ta sẽ càng nhiều, nhiều lắm đấy.”

Cũng trong lễ kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, màn Thể dục đồng diễn gồm 2000 người với chủ đề “Khỏe để lao động- học tập, công tác và Bảo vệ Tổ quốc” do tổ giáo viên Thể dục Trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn do Nhà giáo Trần Phúc Phong phụ trách đã để lại ấn tượng không thể quên về sự hào hùng, hoành tráng đối với các đại biểu dự lễ Mừng chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ sáng ngày 7-5-1984 tại thành phố Điện Biên khi ấy.

                                                       Trương Xuân Hùng

Ảnh trong bài
  • Điện Biên Phủ ghi sâu mãi trong lòng lớp cán bộ TDTT ngày ấy