Phương pháp sơ, cấp cứu một số chấn thương thường gặp trong luyện tập và thi đấu thể thao

Trong tập luyện và thi đấu TDTT, những tai nạn gây nên chấn thương và vết thương đã hạn chế được nhiều nhờ sự hiểu biết và sự trợ giúp các phương pháp, phương tiện tập luyện hiện đại.

Trong tập luyện và thi đấu TDTT, những tai nạn gây nên chấn thương và vết thương đã hạn chế được nhiều nhờ sự hiểu biết và sự trợ giúp các phương pháp, phương tiện tập luyện hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề chấn thương và tai nạn trong thể thao vẫn mang tính thời sự cấp thiết. Trước những tai nạn đó, các HLV, VĐV và người tập TDTT cần có những kến thức y học cần thiết để sơ cấp cứu tự bảo vệ cho bản thân và cho những người bị nạn. Trang tin điện tử Uỷ ban TDTT xin giới thiệu với các HLV, VĐV và những người ham thích tập luyện TDTT bài viết của PGS.TS Lê Quý Phượng về phương pháp sơ, cấp cứu một số chấn thương thường gặp trong luyện tập và thi đấu thể thao.

Vấn đề sơ cấp cứu có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi làm kịp thời và có hiệu quả công việc này sẽ giúp cho người bị nạn tránh được rủi ro, thậm chí cứu sống tính mạng và tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc cứu chữa tiếp theo tại các cơ sở y tế điều trị chuyên ngành. Một số chấn thương thương với những triệu chứng và cách xử trí thường gặp trong hoạt động TDTT:

Đụng dập

Đụng dập là những tổn thương phần mềm, không gây sự phá huỷ hoàn toàn bộ giải phẫu bề mặt của da. Thường thường nó đi kèm với tổn thươngmạch máu và gây ra hiện tượng xuất huyết dưới da. Đây là một chấn thương rất hay gặp trong tập luyện hay thi đấu thể thao.

Tại chỗ bị đụng dập sẽ bị đau, nề, thay đổi sắc thái da do xuất huyết dưới da và có thể gây khó khăn hoặc mất chức năng vận động của các chi tại khớp bị đụng dập.

Khi bị đụng dập, người tập ngừng vận động ngay, nếu tại chỗ đụng dập bị xây xước cần rửa bằng dung dịch Iôd (Betadin) hoạch dung dịch Xanhmetilen. Nhằm đề phòng tăng xuất huyết dưới da và giảm đau có thể xịt Chloretil. Chườm lạnh: Nếu không có túi nước đá chuyên dùng có thể dùng nước lạnh, nước đá được gói trong khăn sạch hoặc gặc sạch chườm lên chỗ tổn thương 15-20 phú. Sau khi tiến hành băn ép, nếu bị đụng dập ở chân hoặc tay thì cần băng ép chặt hơn một chút. Khi có xuất huyết dưới da nhiều, thì sau khi bị chấn thương từ 48 - 72 giờ có thể dùng chườm nóng để nhanh làm tan máu tụ. Sau khi sơ cấp cứu được khám và điều trị tại các cơ sở y tế, đặc biệt là khi mất khả năng vận động của các chi, để tránh các hậu quả xấu do thói quen coi đụng đập là chấn thương nhẹ.

Bong gân

Bong gân là những thương tổn bao hoạt dịch, bao khớp, dây chằng xảy ra ở vùng khớp với những mức độ khác nhau, từ nhẹ đến rất nặng như dây chằng bị căng, dãn, đứt một phần hay đứt toàn bộ. Những khớp hay bị bong gân là cổ chân, gối, bàn chân, khuỷu tay và các ngón tay.

Bong gân bao giờ cũng có tổn thương dây chằng, vì vậy quan trọng nhất là vị trí của điểm đau: ở chỗ bám của dây chằng, trên đường đi của dây chằng, đau chói khi kéo căng dây chằng, bong gân nhẹ (đau ít, sưng xung quan khớp và cơ năng ít bị hạn chế), bong gân nặng (đau nhiều, khớp sưng rất nhanh, sưng to, thường có tràn dịch, tràn máu khớp)

Trường hợp này, cần ngừng hoạt động ngay ở khớp và chi bị chấn thương; Chườm lạnh (chườm đá) bằng túi chườm hoặc bọc nước đá áp, xoa vào vùng khớp bị bong gân; Băng ép ngay vùng bị chấn thương để làm giảm chảy máu, tránh phù nề, đồng thời góp phần cố định khớp. Dùng băng thun là tốt nhất; Sau khi sơ cấp cứu những trường hợp nhẹ có thẻ điều trị và chăm sóc tại nhà nhưng những trường hợp nặng phải chuyển đến các bệnh viện để khám và điều trị bằng các phương pháp chuyên khoa.

Sai khớp

Sai khớp là sự sai lệch các diện khớp xảy ra đột ngột do tai nạn hoặc do chấn thương.

Triệu chứng đau sẽ xuất hiện; sưng nề một phần do chảy máu hoặc tổn thương các tổ chức quanh khớp, một phần do các diện khớp lệnh nhau làm gồ vồng cao lên; Khớp bị sai không thể hoạt động được, tay (chân) ở một tư thế bất thường nhất định không thể thay đổi được, thay đổi hình dáng khớp tại sai ("dấu hiệu hiến dạng")

Cố định là công việc đàu tiên khi xác định có sai khớp. Tổ chức cố định tại chỗ nếu điều kiện cho phép. Cố định như tư thế tay hoặc chân hiện có mà không cố gắng kéo thẳng, vì sẽ gây ra đau và tổn thương thêm. Nếu sai khớp vai cố định tạm thời treo tay bằng khăn. Sai khớp khuỷu cố định hai nẹp trước và sau có độn bông. Sai khớp háng cố định như gãy xương đùi, thường để nạn nhân nằm ngửa, kê gối và chèn cho chân được ở trong tư thế hiện có. Nếu nghi ngờ có gãy xương hoặc sai khớp cột sống thì tuyệt đối tránh không để thân hình nạn nhân bị xoay, cho nằm ngửa trên ván cứng, chèn chắc hai bên để khỏi xê dịch. Khi có sai những khớp lớn phải tiêm thuốc giảm đau, như moocphin 0.01/ml tiêm bắp hoặc các loại thuốc khác thay thế như Promedon, Dolacgan. Không được tự ý nắn chỉnh khớp nếu như không phải là các bác sĩ chuyên khoa, phải nhanh chóng chuyển nạn nhân tới các cơ sở y tế càng sớm càng tốt, vì nắn sớm dễ và ít đau hơn.

Gãy xương

Gãy xương là do xương bị gãy, là mất sự liên tục thường có của xương, thường xảy ra đột ngột do chấn thương hoặc tai nạn.

Đau tại vùng xương gãy là dấu hiệu rất điển hình, đau tăng lên khi sờ ấn, hoặc nhúc nhích đoạn kề đó (còn gọi là đau khu trú); Sưng nề, sưng nề to khi gãy xương lớn, chảy máu, đôi khi có bầm tím đặc trưng cho từng loại gãy xương; Giảm hoặc mất chức năng, không thể nhấc chận hoặc tay lên được vì đoạn gãy không còn là cánh tay đòn để cơ kéo; Thay đổi hình dạng của đoạn chi (thường là biến dạng), ví dụ đoạn chi đó ngắn hơn, cong, vẹo, lồi lõm bất thường; Tại đoạn chi gãy thấy di động bất thường mà bình thường chỉ có di động ở các khớp; Trong trường hợp gãy xương hở, ta có thể nhìn thấy đầu xương gãy.

Cố định tạm thời làm giảm đau khi bị gãy xương và tránh được các biến chứng như xương di lệch thêm hoặc gây tổn thương mạch máu, thần kinh hoặc cơ. Trong trường hợp gẵy xương hở, trước khi cố định cần xử lý vết thương theo nguyên tắc: không rửa, không đẩy xương thò ra vào sâu, phải lau bẩn xung quanh vết thương, bôi thuốc sát trùng và băng ép vô khuẩn.

Cố định bằng các loại nẹp y tế tiêu chuẩn sản xuất theo phương pháp cong nghiệp như nẹp Tomat cố định gãy xương đùi, nẹp Cơramer hình bậc thang cố định nhẹ và thông dụng ở mọi ví trí. Tuy nhiên cũng có thể dùng các nẹp tự tạo hoặc phương tiện có sẵn nơi xảy ra chấn thương như đòn gánh, đoạn tre, gỗ đủ độ dài,... Nếu gãy xương đùi cần cố định các khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân; Nếu gãy xương cẳng chân cần cố định khớp gối, khớp cổ chân; Nếu gãy xương cẳng tay cần cố định khớp khuỷu và khớp cổ tay.

Yêu cầu của cố định: Phải chắc chắn, đủ độ già (dìa quá mức sẽ thừa, vướng, nhưng ngắn quá sẽ không cố định được chi) và cố gắng cố định trong tư thế chức năng là dễ chịu nhát và tư thế thường sử dụng nhất.

Khi VĐV hoặc nạn nhân bị gãy xương phải vận chuyển bằng mọi phương tiện đến cơ sở điều trị nhanh nhất và an toàn nhất, trong đó lấy an toàn làm chính. Phải chuẩn bị phương tiện và cố định thật tốt mới chuyển. Gãy xương cột sống phải nằm trên ván cứng, gãy xương đùi cũng phải vận chuyển trên cáng nằm, còn gãy xương chi trên có thể vận chuyển ở tư thế ngồi.

Phần tiếp: Vết thương và chấn thương sọ não

PGS.TS Lê Quý Phượng

 

Ảnh trong bài
  • Phương pháp sơ, cấp cứu một số chấn thương thường gặp trong luyện tập và thi đấu thể thao