Cụ thể, Thủ tướng chỉ thị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và tiếp cận các nguồn vốn. Đồng thời, bố trí nguồn lực phù hợp cho công tác chuyển đổi số trong phát triển du lịch, đồng bộ với nội dung chuyển đổi số do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện, tránh tình trạng manh mún, lãng phí nguồn lực.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương phát triển cơ sở dữ liệu về quản trị và kinh doanh du lịch trên nền tảng số dùng chung; xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch gắn với chuyển đổi số.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đẩy nhanh công tác chuyển đổi số trong việc thu thuế dịch vụ ăn uống và các dịch vụ liên quan đến du lịch. Bộ Công Thương nghiên cứu triển khai mô hình chuyển đổi số du lịch kết hợp với thương mại điện tử; gắn phát triển thương mại và du lịch trên môi trường trực tuyến nhằm mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm địa phương, quảng bá sản phẩm thương hiệu Việt Nam thông qua du lịch.
Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua, triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy nhanh hoạt động chuyển đổi số nhằm hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh du lịch và nâng cao trải nghiệm du khách, trong đó tập trung vào phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số dùng chung trong toàn ngành, gồm có:
Nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch: được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố là 1 trong 35 nền tảng số quốc gia cần ưu tiên phát triển. Đây là môi trường số kết nối các chủ thể chính trong hoạt động du lịch là cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch và khách du lịch.
Ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”: hỗ trợ toàn diện cho du khách thông qua tích hợp đa tiện ích như: tìm kiếm thông tin du lịch, bản đồ số du lịch, tra cứu doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, đặt phòng, đặt vé, thanh toán điện tử, quản lý tour du lịch, phản ánh tới cơ quan chức năng.
Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh: được tích hợp các công nghệ hiện đại, an toàn, bảo mật, sử dụng trong lĩnh vực du lịch và kết nối liên thông với tiện ích ở nhiều lĩnh vực liên quan khác như: y tế, giáo dục, giao thông, thương mại điện tử, tiện ích khu dân cư… Qua đó thúc đẩy xu hướng thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong du lịch theo chủ trương chung của Chính phủ.
Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch: bao gồm nhiều cơ sở dữ liệu thành phần về cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, điểm du lịch, cơ sở mua sắm, nhà hàng, khu vui chơi giải trí… Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước và xúc tiến quảng bá ngành du lịch.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ nâng cao trải nghiệm du khách, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã xây dựng Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức” áp dụng tại các điểm tham quan, khu du lịch, khu vui chơi. Hệ thống hỗ trợ bán vé trực tuyến; kết nối bán vé tham quan liên tuyến "mua vé ở một điểm, sử dụng ở nhiều điểm"; sử dụng các phương thức khác nhau để soát vé vào cửa; sử dụng duy nhất 01 vé cho cả đoàn khách... qua đó giúp gia tăng tiện ích cho khách tham quan, hướng dẫn viên và doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến, đơn giản hóa quy trình quản lý bán và soát vé của điểm tham quan, mang lại công cụ quản trị hiệu quả cho ban quản lý điểm tham quan, góp phần bảo vệ môi trường.
Hệ thống thuyết minh đa phương tiện (Multi-media Guide) giới thiệu tới du khách các thông tin về các điểm du lịch, di tích, bảo tàng, khu vui chơi giải trí... bao gồm: nội dung (text), hình ảnh, lời đọc (audio), video… được tích hợp trên ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” với hai nền tảng Android và iOS.
Song song với đó, từ năm 2022, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã xây dựng và phổ biến Tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch, hướng dẫn các bước triển khai áp dụng hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch ở địa phương, đơn vị một cách đồng bộ, thống nhất. Đồng thời, phối hợp với các sở quản lý du lịch tổ chức tập huấn tại nhiều địa phương trong cả nước nhằm thống nhất nhận thức và hành động thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành theo chủ trương chung của Chính phủ, đồng bộ với hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, qua đó giúp tiết kiệm nguồn lực, tránh manh mún, rời rạc.
Trung tâm Thông tin du lịch