Điểm lại những kết quả trong công tác chuyển đổi số của Bộ VHTTDL

Thời gian qua, việc chuyển đổi số quốc gia tại Bộ VHTTDL đã đạt được những kết quả tích cực khi nhận thức và hành động về chuyển đổi số của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có nhiều chuyển biến. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển đổi số và xây dựng chính phủ số của Bộ.

Vấn đề số hóa đã được Lãnh đạo Bộ VHTTDL quan tâm chỉ đạo từ rất sớm, ngay khi Chính phủ điện tử được triển khai. Trong một thời gian ngắn, các hoạt động chuyển đổi số trong ngành VHTTDL đã được triển khai thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là trong các lĩnh vực du lịch, di sản, bảo tồn, bảo tàng…Những thành công bước đầu của công tác chuyển đổi số đã có tác động rất rõ ràng, thiết thực trong thực tiễn hoạt động của ngành VHTTDL, đặc biệt là trong thời gian thử thách của đại dịch Covid-19.

Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, tập trung triển khai các nền tảng số dùng chung cho ngành VHTTDL như nền tảng bảo tàng số, nền tảng số về quản trị và kinh doanh du lịch; Dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp được triển khai ngày càng hiệu quả, tăng mức độ hài lòng đối với các dịch vụ công ích; Công tác đảm bảo an toàn, an ninh luôn được chú trọng; Nguồn lực dành cho chuyển đổi số được quan tâm, tăng cường, đặc biệt là kinh phí cho chuyển đổi số phục vụ công tác chuyên môn như: triển khai các hệ thống ứng dụng, tạo lập cơ sở dữ liệu, duy trì vận hành, tuyên truyền và đào tạo đã tăng hàng năm.

Hệ thống thông tin và dữ liệu số đã, đang được Bộ VHTTDL thực hiện đầu tư, từng bước hoàn thiện môi trường làm việc số cho người lao động thuộc Bộ. Các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã và đang từng bước chuyển đổi sang môi trường số. Các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến kết nối hệ thống Một cửa điện tử của Bộ; hệ thống thư điện tử; chữ ký số… đang được triển khai mạnh mẽ tại Bộ; đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống thông tin…

Các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ VHTTDL. Ở lĩnh vực di sản, Cục Di sản văn hóa đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu cụ thể: 100% hồ sơ khoa học di sản văn hóa được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% người làm công tác chuyên môn được đào tạo lại các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số; Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số; xây dựng nền tảng số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, truyền thông về chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Đối với cơ sở dữ liệu ngành Di sản văn hóa, tiếp tục ứng dụng, duy trì ổn định và phát triển các hệ thống thông tin để quản lý nhằm xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Di sản văn hóa, đẩy mạnh công tác số hóa trong ngành, hướng tới việc hoàn thiện các sản phẩm chủ lực phù hợp với xu thế phát triển của cuộc CMCN 4.0, đồng thời, làm cơ sở cho việc chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực di sản văn hóa.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật. Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA là một trong những nỗ lực bước đầu của Bảo tàng trong việc giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật phục vụ khách tham quan và phát huy hiện vật bảo tàng trên môi trường số. Với ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nhận được giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022 ở hạng mục Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc.

Các đại biểu trải nghiệm tham quan Bảo tàng bằng vé điện tử tích hợp trên Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh (Ảnh: Bộ VHTTDL)

Đặc biệt trong những ngày đầu năm 2024, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt và chính thức đưa vào sử dụng Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức”. Đây là giải pháp mới, hoàn toàn khác biệt và vượt trội với các hệ thống vé điện tử đang được giới thiệu trên thị trường, nhằm hỗ trợ các điểm du lịch đổi mới phương thức quản trị hệ thống vé tham quan, từ khâu bán vé, kiểm soát vé, báo cáo thống kê vé theo hướng khoa học, thuận tiện.

Ngoài ra, tính năng vé tập thể, vé đoàn cho phép khách đi theo đoàn có thể sử dụng 01 vé duy nhất cho tất cả thành viên, thay vì mỗi người một vé như cách truyền thống.

Việc áp dụng hệ thống này sẽ tạo thuận lợi cho khách đến tham quan, giảm thời gian chờ đợi, xếp hàng, thúc đẩy giao dịch không dùng tiền mặt; Tăng tính chủ động cho các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên trong việc đưa khách đến tham quan; Loại bỏ vé giấy truyền thống, góp phần tiết kiệm chi phí, giảm rác thải, bảo vệ môi trường; Cung cấp công cụ hữu hiệu cho bản quản lý điểm đến kiểm soát, nắm bắt được nhu cầu, hành vi, xu hướng của các đối tượng khách khác nhau; đồng thời tăng tính liên kết giữa các điểm đến, dịch vụ công cộng mang lại trải nghiệm toàn trình cho du khách.

Đánh giá về hệ thống này, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho biết: Việc ra mắt hệ thống vé điện tử ngay trong những ngày đầu năm mới 2024 và trước thềm Tết nguyên đán Giáp Thìn là hoạt động rất ý nghĩa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan. Đồng thời mong muốn các doanh nghiệp lữ hành sẽ tận dụng các tính năng ưu việt đặt vé trực tuyến, tăng cường kết nối đưa nhiều hơn khách du lịch đến với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để chiêm ngưỡng những bộ sưu tập quý giá của nền mỹ thuật Việt Nam và trải nghiệm nhiều hoạt động sáng tạo thú vị tại Bảo tàng.

Đối với lĩnh vực thể thao, xu thế chuyển đổi số sẽ là yêu cầu bắt buộc, nhất là sau đại dịch Covid-19, sự phát triển của lĩnh vực thể thao ngày càng mang tính toàn cầu, chuyên nghiệp và cạnh tranh lớn hơn cả về quy mô và hình thức. Hiện, Cục TDTT đã hoàn thiện việc xây dựng Đề án chuyển đổi số và đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đề án này được xây dựng bám sát Chương trình chuyển đổi số của Bộ VHTTDL.

Để đạt được các mục tiêu đề ra trong công tác chuyển đổi số lĩnh vực TDTT, theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông: trước hết cần chuyển đổi nhận thức, tư duy về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số. Xây dựng các chương trình truyền thông, hoạt động, sự kiện nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức của Cục TDTT về lợi ích của ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ năng về chuyển đổi số, khai thác dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục TDTT.

Ở lĩnh vực du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tập trung triển khai đẩy nhanh chuyển đổi số hoạt động du lịch và đã đạt được những kết quả tích cực. Các nền tảng số du lịch ở tầm quốc gia đã được hình thành và đi vào hoạt động theo đúng chủ trương chung của Chính phủ, là cơ sở để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ và thống nhất trên toàn quốc. (Ví dụ: Hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam, Nền tảng số quốc gia Quản trị và kinh doanh du lịch, Ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel, Thẻ Việt - Thẻ du lịch quốc gia, Hệ thống vé điện tử, Hệ thống thuyết minh đa phương tiện (Multimedia guide), Hệ thống phần mềm báo cáo thống kê từ Trung ương đến cơ sở..).

Nói về công tác chuyển đổi số của ngành VHTTDL, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết: Bộ VHTTDL xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, thiết yếu, do vậy công tác đạo tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số nói chung, và kiến thức chuyển đổi số đặc thù cho từng ngành là vô cùng cần thiết, đòi hỏi sự tham gia, hợp tác của các chuyên gia CNTT trong nước và quốc tế cũng như sự hợp tác của các trường đại học trong lĩnh vực CNTT.

Chính vì vậy, hàng năm Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức viên chức của Bộ và đôn đốc các đơn vị có liên quan triển khai theo quy định. Bộ VHTTDL có nhu cầu tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực CNTT của Bộ đối với các chuyên gia, doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT trong và ngoài nước, nhằm nâng cao trình độ, nhận thức về chuyển đổi số cho các cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ về CNTT của Bộ VHTTDL.

Hồng Minh

Ảnh trong bài
  • Điểm lại những kết quả trong công tác chuyển đổi số của Bộ VHTTDL