HLV Nguyễn Hồng Phúc – người thầy của những nhà vô địch

Đằng sau những tấm huy chương danh giá của các VĐV có sự đóng góp không nhỏ của những người thầy, những con người thầm lặng gắn bó cả đời vì sự nghiệp thể thao của nước nhà. Trong những người thầy ấy không thể không nhắc đến HLV Nguyễn Hồng Phúc – người thầy của những nhà vô địch người khuyết tật.

Tốt nghiệp Khoa Điền kinh Trường Đại học TDTT TP. Hồ Chí Minh, song Nguyễn Hồng Phúc lại bén duyên với sự nghiệp HLV ở môn Cử tạ người khuyết tật từ năm 2003 khi Việt Nam là nước chủ nhà của Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á 2003. Thời điểm đó, thể thao dành cho người khuyết tật mới bắt đầu phát triển ở Việt Nam.

Khi mới đảm nhận vai trò là HLV đội tuyển Cử tạ người khuyết tật, HLV Nguyễn Hồng Phúc cho biết: thời gian đầu khi đảm nhận vai trò huấn luyện cho đội tuyển Cử tạ người khuyết tật tại cái “nôi” đào tạo những thế hệ VĐV khuyết tật lớn nhất hiện nay - Trung tâm Văn hóa, Thể thao quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh), tôi tự nhận thấy chưa hội đủ điều kiện cho công việc tưởng dễ mà khó này. Vì thế tôi đã xin tạm dừng huấn luyện để tự học hỏi, tìm tòi nâng cao nghiệp vụ. Được sự động viên của đồng nghiệp, năm 2009, tôi mới tự tin trở lại với đội tuyển cử tạ người khuyết tật, khởi đầu cho một chặng đường mới mẻ, đầy khó khăn nhưng cũng thành công hơn cả mong đợi.

Câu chuyện của những người khuyết tật đến với thể thao, hẳn ai cũng hiểu không dễ dàng. Những rào cản tâm lý, cùng những nhọc nhằn mưu sinh của cuộc sống thường nhật ngăn trở họ đến với luyện tập TDTT. Ngoài ý chí sẵn có của một VĐV khuyết tật, người thầy huấn luyện chuyên môn cho người khuyết tật, đào tạo họ thành những VĐV thể thao thực sự... là cả một quá trình gian nan, ít ai thấu hiểu.

HLV Nguyễn Hồng Phúc cũng không phải ngoại lệ, để trở thành một người HLV cho người khuyết tật anh phải tìm hiểu rõ là người khuyết tật cần sự gần gũi, không kỳ thị. Đó là điều cốt yếu giúp họ xóa đi những mặc cảm của số phận thiệt thòi. Tiếp đến là sự động viên tập luyện thể thao, tập để có sức khỏe và đạt thành tích.

Thầy trò HLV Nguyễn Hồng Phúc (Ảnh: Internet)

"Đối với người bình bình thường, VĐV trưởng thành theo từng tuyến, trình độ được nâng dần từ cơ bản lên cao thì VĐV người khuyết tật lại khác. Thông thường những người khuyết tật tham gia thể thao khi đã trưởng thành, có nghề nghiệp hẳn hoi. Vì vậy, các HLV phải là người nhìn nhận, phát hiện được những tố chất của họ, từ đó hướng dẫn, mời gọi họ tham gia tập luyện thể thao, từng bước đào tạo thành những VĐV thực thụ.

Đặc biệt, đối với VĐV người khuyết tật, trong tập luyện, HLV vừa là huấn luyện vừa là người hỗ trợ VĐV di chuyển hay giúp nâng tạ cho VĐV. Khi VĐV nghỉ ngơi, HLV cũng là người bắt tay vào sửa sang lại xe lăn, nạng... bị hỏng hóc, tạo điều kiện tốt nhất để VĐV chuyên tâm vào tập luyện. Thi đấu thì lo lắng, hồi hộp còn hơn cả VĐV. Học trò thất bại, thầy là người đầu tiên an ủi, động viên; còn nếu có huy chương, HLV là người hạnh phúc nhất. Cứ như thế, thể thao người khuyết tật trở thành máu thịt, giúp được VĐV thỏa mãn niềm đam mê tập luyện, trút bỏ mặc cảm để đóng góp cho đời, còn bản thân hạnh phúc khi làm được những điều có ích" - HLV Phúc chia sẻ.

Đặc thù huấn luyện thể thao cho người khuyết tật đòi hỏi những giáo án phù hợp với hạng thương tật, tình trạng sức khỏe của mỗi VĐV, tập theo mức độ tăng dần đều nhằm tránh tình trạng bị chấn thương. Bên cạnh đó, việc chăm sóc chế độ dinh dưỡng đối với VĐV thể thao là không đơn giản. Từ cái ăn đến những nhu cầu tối thiểu, vấn đề dinh dưỡng khoa học để đạt hiệu quả cao nhất trong thi đấu thể thao với họ dường như xa vời, nhất là khi không có chế độ tập quanh năm như VĐV bình thường. Ở họ, lòng tự nguyện và những khát khao mang lại niềm vui cho chính bản thân VĐV là động lực để thầy Phúc chia sẻ cùng các học trò.

Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của HLV Nguyễn Hồng Phúc đã “thắp lửa” cho những ước mơ huy chương “sáng giá” mang tầm cỡ châu lục, thế giới mà những học trò mang lại, như: Lê Văn Công (HCV hạng dưới 49kg, phá kỷ lục Thế giới Paralympic), Nguyễn Bình An, Đặng Thị Linh Phượng (HCĐ hạng 50kg, Paralympic 2016), Châu Hoàng Tuyết Loan...

Nhớ lại kỳ Thế vận hội Paralympic Rio 2016, trong tổng số 4 huy chương t mà đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam giành được thì có đến một nửa số huy chương đều thuộc về các môn Cử tạ của thầy Phúc. Đó là tấm HCV của nhà vô địch Thế giới Lê Văn Công(hạng 49kg) và tấm HCĐ của Đặng Thị Linh Phượng(hạng 50kg).

Khi nói về người thầy của mình, nhà vô địch Thế giới Paralympic Lê Văn Công tâm sự: “Sự thân thiện giữa tình thầy trò hàng ngày đã thổi bùng lên niềm đam mê tập luyện thể thao với em lúc nào không biết. Nhờ tập luyện thể thao em đã có sức khỏe tốt hơn, cũng vì thế em thấy cuộc sống thật ý nghĩa. Kết quả đỉnh cao nhất tại đấu trường Paralympic Rio 2016 là niềm hạnh phúc lớn nhất mà thầy Phúc đã dày công vun đắp cho em”.

Với những thành công đạt được, HLV Nguyễn Hồng Phúc đã đạt danh hiệu HLV xuất sắc nhất của Thể thao NKT Việt Nam các năm 2012, 2014, 2015.

Gần 23 năm gắn bó với thể thao người khuyết tật, HLV Nguyễn Hồng Phúc đã trở thành một phần không thể thiếu của thể thao người khuyết tật, đưa những VĐV "tàn nhưng không phế" với ý chí chiến đấu vô cùng mãnh liệt đến mọi đấu trường để làm rạng danh hai tiếng "Việt Nam"…

KC

Ảnh trong bài
  • HLV Nguyễn Hồng Phúc – người thầy của những nhà vô địch
  • HLV Nguyễn Hồng Phúc – người thầy của những nhà vô địch