NCS Đỗ Đức Hùng đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp Trường

Ngày 28 tháng 12 năm 2203, NCS Đỗ Đức Hùng đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp Trường với tên đề tài: “Xây dựng chương trình tập luyện thể dục Aerobic ngoại khóa cho sinh viên nữ Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2”.

NCS Đỗ Đức Hùng bảo vệ luận án trước Hội đồng khoa học (Ảnh: NG)

Hội đồng chấm Luận án cho NCS Đỗ Đức Hùng gồm 7 thành viên, GS.TS. Nguyễn Đại Dương làm Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Lương Thị Anh Ngọc, phản biện 1, PGS.TS Phạm Ngọc Viễn, phản biện 2, PGS.TS Trần Tuấn Hiếu, Phản biên 3, TS Ngũ Duy Anh, ủy viên, TS Nguyễn Hữu Hùng, ủy viên, TS Nguyễn Thị Việt Nga, ủy viên Thư ký hội đồng. Buổi bảo vệ còn có sự tham dự của nhiều khách mời là GS, PGS.TS, TS, chuyên gia đầu ngành thể thao cùng các đồng nghiệp, bạn bè, gia đình và người thân của NCS.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có 2 học kỳ về các trường Trung học phổ thông thực tập nghiệp vụ chuyên môn. Ngoài hoạt động về chuyên môn đào tạo, sinh viên phải kiêm nhiệm tổ chức hoạt động ngoài giờ cho học sinh. Cũng như tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao trong các ngày lễ như: 26/3, 20/10, 20/11. Vì vậy, việc sinh viên có những kỹ năng cơ bản về kỹ thuật, biên soạn bài Thể dục Aerobic là điều cần thiết, nó được coi là một hoạt động kỹ năng mềm cần thiết cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Thực tế hiện nay các sinh viên tham gia tập luyện ngoại khóa Thể dục Aerobic theo nhóm một cách tự phát, với nội dung là các bài Thể dục Aerobic có sẵn trên mạng Internet để tập luyện và biểu diễn. Đồng thời, vấn đề xây dựng chương trình Thể dục Aerobic lại chưa quan tâm nghiên cứu đúng mức. Chính vì vậy, việc xây dựng chương trình tập luyện Thể dục Aerobic ngoại khóa cho sinh viên nữ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 được xác định là vấn đề mang tính cấp thiết, làm cơ sở cho việc đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng công tác GDTC trong Nhà trường.

Trên cơ sở nghiên cứu các nguồn tư liệu trong và ngoài nước khác nhau, cùng với ý kiến của các chuyên gia và kinh nghiệm xây dựng chương trình, luận án đã xác định được 7 tiêu chuẩn với 43 tiêu chí cần tuân thủ khi xây dựng chương trình môn thể dục Aerobic ngoại khóa cho sinh viên nữ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Qua phỏng vấn 45 cán bộ quản lý GDTC, giảng viên, chuyên gia Thể dục Aerobic, đề tài đã lựa chọn được 35 tiêu chí thuộc 7 tiêu chuẩn làm căn cứ xây dựng chương trình môn Thể dục Aerobic ngoại khóa cho sinh viên nữ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Căn cứ vào các tiêu chí đã lựa chọn, đề tài đã tiến hành xây dựng chương trình môn Thể dục Aerobic ngoại khóa trong 60 buổi (mỗi buổi 90 phút), với 2 giai đoạn: cơ bản và nâng cao. Nội dung của chương trình tập luyện môn Thể dục Aerobic ngoại khóa như sau:

• Thông tin chung về học phần: Tên học phần gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh. Loại hình: Ngoại khóa câu lạc bộ; Số học phần: 2; Tổng số buổi quy chuẩn: 60 buổi (07 buổi lý thuyết, 01 buổi thảo luận, 52 buổi thực hành); Điều kiện tham dự học phần: Sinh viên toàn trường; Yêu cầu khác: Tự nguyện; Đơn vị phụ trách học phần: Khoa Giáo dục Thể chất.

• Mô tả học phần: Môn học trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản: chấn thương trong tập luyện y sinh học TDTT; kiến thức và kỹ năng; kỹ thuật cơ bản trong thể dục Aerobic, biên soạn tổ chức hoạt động phong trào, bổ sung kỹ năng mềm cho sinh viên. Nội dung gồm: Phần 1. Khái quát về Thể dục Aerobic; Phần 2. Phòng ngừa chấn thương trong tập luyện Thể dục Aerobic; Phần 3. Kỹ thuật cơ bản trong Thể dục Aerobic; Phần 4. Phương pháp biên soạn bài Thể dục Aerobic; Phần 5. Nhóm động tác khó và biên soạn bài Aerobic.

Qua quá trình nghiên cứu đã xây dựng được chương trình tập luyện Thể dục Aerobic ngoại khóa cho sinh viên nữ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 gồm 2 giai đoạn: giai đoạn cơ bản và giai đoạn nâng cao. Trong đó, cấu trúc chương trình gồm 07 giờ lý thuyết, 01 giờ thảo luận và 52 giờ thực hành. Đồng thời, qua kiểm định lý thuyết cho thấy Chương trình đáp ứng tốt về tính cập nhật, tính hiệu quả, tính phù hợp, tính trình tự, tính tích hợp, tính gắn kết và tính cân bằng, cân đối. Đây là những cơ sở khoa học quan trọng để đề tài tiếp tục kiểm nghiệm tính hiệu quả của Chương trình thông qua thực nghiệm sư phạm.

Tại buổi bảo vệ tác giả đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các khách mời là chuyên gia trong lĩnh vực TDTT, các nhà quản lý và tổ chức thể thao tại trung ương và địa phương. Đặc biệt, những ý kiến đóng góp của các thành viên trong Hội đồng đã giúp NCS làm sáng tỏ được nhiều vấn đề trong công tác nghiên cứu còn đang thiếu sót.

Tuy còn những hạn chế cần chỉnh sửa song đề tài của NCS được Hội đồng đánh giá là công phu, đủ hàm lượng khoa học, kết cấu các chương, mục rõ ràng đúng quy định của một luận án Tiến sỹ giáo dục học.

Kết quả Hội đồng nhất trí 07/07 (100%) thành viên Hội đồng  đề nghị Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh cấp bằng tiến sĩ cho NCS Đỗ Đức Hùng sau khi đã chỉnh sửa luận án theo kết luận của Hội đồng./.

Ngô Giang

 

Ảnh trong bài
  • NCS Đỗ Đức Hùng đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp Trường
  • NCS Đỗ Đức Hùng đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp Trường