Phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực thể thao: giải phát cấp thiết nâng cao thể thao thành tích cao

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN) thể thao trong đào tạo, huấn luyện VĐV, nhất là VĐV có trình độ cao,… là những giải pháp mà các nhà quản lý, chuyên gia đưa ra trong Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2023.

Khó khăn và thách thức

Trong quá trình xây dựng và phát triển TDTT ở nước ta, công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong các lĩnh vực hoạt động đã được quan tâm và mang đến những hiệu quả nhất định trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành; tiềm lực khoa học, công nghệ thể thao, đặc biệt là đội ngũ các nhà khoa học, gồm các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ được đào tạo trong nước và nước ngoài với số lượng tăng rõ rệt; một số trang thiết bị nghiên cứu  khoa học được đầu tư; các trường đại học TDTT, Viện khoa học TDTT, các Trung tâm HLTTQG một số địa phương đều tổ chức các hoạt động khoa học và y học thể thao.

Từ năm 2013, sau Hội nghị khoa học quốc tế "Phát triển TDTT Việt Nam - Tầm nhìn Olympic", vấn đề "Đổi mới sáng tạo" trong phát triển thể thao thành tích cao đã được đặt ra nhằm từng bước ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả đào tạo, huấn luyện và phát triển thành tích thể thao.

Cũng từ thời điểm đó, ngành TDTT đã tiến hành nghiên cứu và đưa vào ứng dụng các giải pháp khoa học trong xây dựng lực lượng VĐV thể thao thành tích cao, trong đó có 7 môn thể thao Olympic trọng điểm được triển khai nghiên cứu ứng dụng trên các VĐV đỉnh cao, gồm: Điền kinh, Bơi lội, Thể dục, Bắn Súng, Cử tạ, Taekwondo và Karate. Đồng thời, ngành TDTT đã xây dựng và trình Bộ VHTTDL ban hành Thông tư về Giám định khoa học đánh giá trình độ tập luyện thể thao và kiểm tra sức khỏe VĐV (Thông tư số 03/2015/TT-BVHTTDL ngày 3/6/2015).

Tuy nhiên theo GS.TS. Lâm Quang Thành – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT: sau 8 năm triển khai Thông tư, hiệu quả của công tác giám định khoa học đánh giá trình độ tập luyện thể thao và kiểm tra sức khỏe VĐV vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Thiếu đi các ứng dụng khoa học kỹ thuật là nguyên nhân khiến thành tích các VÐV nước ta chưa cao so tiềm năng vốn có. VÐV cũng không thể nắm được tường tận các thông số quan trọng về sinh lý cùng thành tích thể thao của bản thân trong quãng thời gian dài tập luyện.

GS.TS.Lâm Quang Thành góp ý những giải pháp phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác huấn luyện (Ảnh: Văn Duy)

Hiện nay, thể thao thành tích cao Việt Nam đã có sự phát triển khởi sắc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tiến bộ hơn so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, nhìn chung thành tích thể thao ở các môn thể thao Olympic còn thấp so với châu lục và thế giới, đặc biệt là công tác nghiên cứu ứng dụng các thành tựu KH&CN thể thao trong đào tạo, huấn luyện VĐV, nhất là VĐV có trình độ cao, còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4.0) đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu các nước trên khu vực, châu lục và thế giới đều đã có sự đầu tư rất lớn cho việc ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực TDTT, đặc biệt là trong việc nâng cao thành tích cho VĐV thể thao thành tích cao. Thực tế đó, đòi hỏi ngành TDTT phải có những đổi mới trong công tác huấn luyện, trong đó cần phải ứng dụng mạnh mẽ KH&CN nhằm nâng cao trình độ, thành tích thể thao để ngang tầm với nền thể thao của các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Giải pháp cần cho sự phát triển thể thao thành tích cao

Ðể vươn tới đỉnh cao, ứng dụng KH&CN là điều kiện tiên quyết giúp VÐV có sức bật, bước nhảy trong quá trình luyện tập nhằm cải thiện thành tích. Muốn vậy, từ hệ thống cơ chế chính sách về hoạt động KH&CN cần được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng tạo, sáng kiến, phát minh.

Đưa ra những giải pháp để đẩy mạnh phát triển KH&CN trong lĩnh vực TDTT trong thời gian tới GS.TS.Lâm Quang Thành nhấn mạnh: ngành TDTT cần có chính sách, cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo trong thực hiện các giải pháp khoa học như là cầu nối để KH&CN phục vụ trực tiếp trong phát triển lực lượng VĐV đỉnh cao, qua đó tạo bứt phá trong nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện và thành tích thể thao.

Một trong những giải pháp cần thực hiện đó là việc đổi mới sáng tạo thông qua hoạt động nghiên cứu và phát triển lực lượng VĐV thể thao đỉnh cao. Theo đó cần tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển lực lượng VĐV đỉnh cao theo 3 nhóm: Nhóm VĐV của những môn thể thao Olympic được tập trung đầu tư đạt HCV trong các kỳ SEA Games, HCV ASIAD và HCV Olympic, viết tắt là VĐV SAO (SEA Games, ASIAD, Olympic); Nhóm VĐV của những môn thể thao Olympic được tập trung đầu tư đạt HCV trong các kỳ SEA Games, HCV ASIAD và đạt chuẩn tham dự Olympic, viết tắt là VĐV SAQ (Sea Games, ASIAD, Qualifying Olympic) và  Nhóm VĐV tiềm năng của những môn thể thao Olympic được tập trung đầu tư đạt HCVtrong các kỳ SEA Games, có tiềm năng đạt HCV ASIAD, đạt chuẩn và có huy chương Olympic, viết tắt là VĐV SPO (Sports Potentiality). Đây là các VĐV trẻ tiềm năng các môn thể thao Olympic được tuyển chọn, đào tạo để trở thành VĐV đỉnh cao (ví dụ như các VĐV trong Đề án 223 “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”).

Trong huấn luyện thể thao hiện đại, đặc biệt là trong tuyển chọn và đào tạo VĐV cấp cao, công nghệ huấn luyện VĐV trình độ cao là một vấn đề phức tạp, luôn gắn liền với tiến bộ khoa học và công nghệ mới. Tuy trình độ HLV và tư chất bẩm sinh VĐV là những nhân tố chủ yếu, quyết định hiệu quả đào tạo tài năng thể thao, nhưng sự tác động của KH&CNvào lĩnh vực này chiếm tỷ trọng đáng kể.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo trong ngành TDTT nói chung, trong lĩnh vực thể thao thành tích cao nói riêng, cần thiết lập một hệ thống tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ của ngành TDTT, trong đó lựa chọn một tổ chức "trụ cột" để tạo mối liên kết viện - trường -  trung tâm... nhằm khai thác có hiệu quả "tài sản trí tuệ" và huy động nguồn lực mạnh mẽ hơn trong đầu tư cho đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, cần đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về KH&CN thể thao, ngành TDTT, các tổ chức KH&CN cần xây dựng và tiến hành thực hiện chương trình liên kết, thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương với các tổ chức KH&CN thể thao của một số nước trên thế giới. Tăng cường mạnh mẽ hoạt động hợp tác KH&CN TDTT với nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học của các nước ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới nhằm tiếp nhận những thành quả, kinh nghiệm trong hoạt động KH&CN TDTT, đồng thời tăng cường hợp tác nghiên cứu các đề tài khoa học, đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học và quản lý khoa học. Đẩy mạnh tổ chức và tham gia các sự kiện KH&CN TDTT (hội nghị, hội thảo, diễn đàn KH&CN TDTT…) ở trong nước và ở nước ngoài; chủ động, tích cực tham gia các tổ chức KH&CN thể thao quốc tế nhằm nâng cao vị thế của KH&CN thể thao Việt Nam trong các hoạt động của cộng đồng KH&CN thể thao thế giới...

Đồng tình với những giải pháp của GS.TS. Lâm Quang Thành, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực TDTT. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu ngành TDTT cần đẩy mạnh ứng dụng HK&CN trong công tác đào tạo, huấn luyện và quản lý, điều hành, hướng đến thành tích cao tại đấu trường quốc tế.

Tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, ngành TDTT cũng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong việc phát triển và ứng dụng KH&CN y học thể thao trong công tác huấn luyện.

Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn lực ngân sách kết hợp với các biện pháp xã hội hóa để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, y học thể thao trong công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện VĐV thành tích cao; phòng, chống sử dụng Doping trong hoạt động thể thao; chữa trị, phòng ngừa chấn thương, phục hồi chức năng; kiểm tra, đánh giá thể chất và hướng dẫn phương pháp tập luyện, dinh dưỡng đúng cách cho người tập luyện thể thao.

Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý huấn luyện, quản lý thi đấu đối với các VĐV trong đó, ưu tiên cho việc triển khai sử dụng phần mềm quản lý HLV, VĐV, trước mắt là tại các Trung tâm HLTTQG, làm cơ sở triển khai đến các địa phương. Bố trí nhân lực cho hoạt động ứng dụng thành tựu KH&CN trong huấn luyện, đào tạo VĐVở môi trung tâm để phát huy tác dụng cơ sở vật chất hiện có.

KC

Ảnh trong bài
  • Phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực thể thao: giải phát cấp thiết nâng cao thể thao thành tích cao
  • Phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực thể thao: giải phát cấp thiết nâng cao thể thao thành tích cao