Với phương châm, mỗi người dân tự chọn cho mình ít nhất một môn thể thao hoặc một hình thức tập luyện thích hợp, đã góp phần nâng cao sức khỏe cũng như đưa phong trào TDTT quần chúng của tỉnh phát triển mạnh mẽ. Hiện toàn tỉnh có gần 400.000 người tập luyện TDTT thường xuyên, chiếm tỷ lệ hơn 36% dân số. Toàn tỉnh có hơn 730 CLB thể thao, hầu hết các xã, phường, thị trấn đều có sân chơi TDTT, CLB hoặc nhà văn hóa thể thao. Các môn thể thao được nhiều người lựa chọn, như: Taekwondo, Karate, Võ cổ truyền, Vovinam, Thể dục dưỡng sinh, bóng chuyền hơi, …
Trong đó, Thể dục dưỡng sinh là môn thể thao được nhiều người trung, cao tuổi lựa chọn tập luyện. Theo thống kê, hiện trên toàn tỉnh có 02 chi hội, 25 CLB với hơn 600 thành viên ở các xã, phường, thị trấn.
Cứ đều đặn vào lúc 05 giờ sáng hàng ngày, tại công viên bồn nước Phường 1, thành phố Trà Vinh, hơn 30 thành viên CLB thể dục dưỡng sinh lại đến sân tập rèn luyện thể lực, cải thiện sức khỏe và tinh thần.
Bà Nguyễn Thị Xuân Đào, Chủ nhiệm CLB thể dục dưỡng sinh Phường 1, thành phố Trà Vinh chia sẻ: tập dưỡng sinh không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn giúp người tập sớm phục hồi các chức năng của cơ thể khi bị tổn thương, đặc biệt là các bệnh như thấp khớp, tim mạch. Tham gia phong trào luyện tập còn đem lại cho người cao tuổi niềm vui, cuộc sống lạc quan, yêu đời hơn.
Cùng với phong trào TDTT của người cao tuổi, công tác Giáo dục thể chất và thể thao trong trường học được quan tâm chú trọng. Đến nay, 100% trường học các cấp trên địa bàn tỉnh đảm bảo chương trình Giáo dục thể chất nền nếp, trên 85% trường học tổ chức tốt hoạt động TDTT ngoại khóa dưới hình thức các CLB TDTT. Ngoài việc duy trì tốt các hoạt động thể dục giữa giờ, các trường học trên địa bàn tỉnh luôn đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đội ngũ giáo viên giảng dạy môn thể dục đảm bảo về chuyên môn và thường xuyên được tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ.
CLB Yoga luôn là lựa chọn của nhiều chị em trên địa bàn thành phố Trà Vinh tham gia tập luyện (Ánh: VD)
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn chú trọng duy trì tổ chức các môn thể thao dân tộc truyền thống, các trò chơi dân gian được nhân dân yêu thích như: Đẩy gậy; Kéo co; Đập nồi đất; Bịt mắt bắt vịt; Nhảy bao bố; Đi cầu tre; Chạy việt dã … Các hoạt động thể thao được tổ chức lồng ghép vào các hoạt động văn hóa, lễ tết. Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển; đồng thời, giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Để có được kết quả trên, trong những năm qua, Trà Vinh đã quan tâm chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, nhất là các thiết chế VHTT. Đến nay, hầu hết các xã, phường, thị trấn đều có sân chơi thể thao đơn giản, trong đó có khoảng 50% xã, phường, thị trấn có sân chơi, bãi tập đạt chuẩn theo quy định.
Công tác xã hội hóa TDTT ngày càng được quan tâm thực hiện, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã chung tay ủng hộ kinh phí, đầu tư xây dựng các công trình TDTT phục vụ nhu cầu tập luyện của người dân. Hiện có nhiều thiết chế TDTT như: Hồ bơi, sân cầu lông, sân bóng đá, sân quần vợt, phòng tập gym… đã được xây dựng với kinh phí xây dựng từ nguồn xã hội hóa từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Các loại hình kinh doanh dịch vụ TDTT như các phòng tập Gym, Yoga… ra đời đã thu hút được đông đảo nhân dân, nhất là lứa tuổi thanh niên, phụ nữ.
Chị Đặng Thu Hà -TP Trà Vinh cho biết: “Cứ tuần 3 buổi, sau giờ làm việc ở cơ quan, tôi thường đến phòng tập Yoga để tập luyện. CLB của chúng tôi có trên 30 người chủ yếu là cán bộ, công nhân viên chức. Kinh phí dành cho việc tập luyện mỗi tháng không nhiều, hơn nữa đến CLB chúng tôi được giao lưu, chia sẻ nên rất vui và bổ ích. Đặc biệt, quan trọng là việc thường xuyên tập luyện TDTT phù hợp giúp tôi thư giãn và rèn luyện sức khỏe.
Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, tỉnh duy trì mở rộng phát triển một số môn thể thao theo hình thức xã hội hóa như: Bi sắt (hiện đã phát triển và duy trì hoạt động 11 sân); bóng chuyền hơi nữ (hiện có 40 đội bóng chuyền hơi trong cán bộ công nhân viên chức tại các Sở, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn thị xã, thành phố), Bóng đá (Trung tâm HLTT tỉnh đã phối hợp với các đơn vị mở các lớp đào tạo Bóng đá cho trẻ em), Bơi lội (phối hợp các hồ bơi đã mở các lớp dạy bơi vào các dịp hè)…
Nhờ có sự đầu tư phát triển đúng hướng, nhiều môn thể thao đã giành thành tích cao cho thể thao tỉnh nhà. Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, các VĐV Trà Vinh đã giành 18 huy chương các loại (04 HCV, 6 HCB, 8 HCĐ). Đặc biệt, trong năm 2023, thể thao thành tích cao Trà Vinh đạt kết quả cao nhất trong những năm gần đây, với 197 huy chương (tính đến 12/12/2023) tại các giải đấu quốc gia và quốc tế. Điển hình như tại giải vô địch Bi sắt thế giới, được tổ chức vào tháng 11/2023, 02 VĐV Trà Vinh là Thạch Thị Ánh Lan và Kim Thị Thu Thảo đã xuất sắc giành HCV lịch sử
Cùng với những kết quả đạt được, công tác TDTT của Trà Vinh còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó phong trào TDTT quần chúng có phát triển nhưng chưa đồng đều (chủ yếu tập trung ở thành phố, thị xã, thị trấn, các trung tâm huyện l), chất lượng chưa cao (chủ yếu là thể thao phong trào), nhiều nơi còn thiếu các phương tiện tập luyện và thiếu cán bộ hướng dẫn viên TDTT. Việc tổ chức các giải thi đấu thể thao quần chúng ở cơ sở còn ít; Hệ thống cơ sở vật chất TDTT cũ kỹ, lạc hậu…
Vượt qua những khó khăn, thách thức trên, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của việc tập luyện TDTT thường xuyên. Đồng thời, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ, hội, nhóm TDTT ở các địa phương, các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, huy động tốt các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế thể thao; thường xuyên tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao, hội thao nhằm đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của nhân dân. Chú trọng đầu tư phát triển các môn thể thao thế mạnh, có chế độ đãi ngộ, đầu tư cho thể thao thành tích cao phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh…
VD