Năm 3 tuổi biến cố đã xảy đến với Trương Ngọc Bình khi anh bị di chứng sốt bại liệt khiến đôi chân không còn lành lặn. Cú sốc quá lớn đối với gia đình Bình nhưng cả gia đình đã đồng hành cùng Bình vượt qua.
Bản thân Bình dù bị khiếm khuyết nhưng những năm tháng tuổi học trò, Bình không chịu ngồi yên mà thường xuyên chơi thể thao cùng với các bạn đồng trang lứa tại sân vận động Đạt Đức (giờ là Trung tâm văn hóa thể thao Q.Gò Vấp). Nói thì nghe đơn giản vậy thôi chứ những ngày đầu tập chơi, Bình phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình vận động. Có lúc quá mệt mỏi, tưởng chừng như muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ đến những người thân, Bình lại cố vực dậy tinh thần để vượt qua sự tự ti, e dè, mang đến niềm vui cho bản thân cũng như gia đình.
Kể về cơ duyên trở thành VĐV người khuyết tật, Bình cho biết: Ban đầu chơi thể thao, tôi chỉ đặt mục tiêu là tập luyện cho khỏe cũng như là được giao lưu với mọi người, thoát khỏi mặc cảm tự ti. Năm 1999 khi đang tham gia sinh hoạt cầu lông, tôi được thầy Tôn Thành Can (lúc đó là Phó giám đốc Trung tâm thể thao) biết đến. Thầy Can đã đến gặp gia đình xin cho tôi tham gia tập luyện đội tuyển và tham gia giải thể thao người khuyết tật toàn quốc lần thứ 2, tổ chức tại Đà Nẵng.
Lần đầu tham dự giải thể thao người khuyết tật toàn quốc, mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ nhưng may mắn tôi đã giành được HCĐ nội dung đứng đánh. Cảm giác lần đầu tiên giành được huy chương khiến tôi rất vui vì những nỗ lực trong tập luyện của mình đã mang lại những thành quả nhất định. Trương Ngọc Bình nhớ lại.
VĐV Trương Ngọc Bình thi đấu tại Asian Para Games 4 - 2023 (Ảnh: TD)
Có được thành tích ban đầu, Bình càng lúc càng nỗ lực hơn, ra sức rèn luyện mỗi ngày để không phụ lòng mong mỏi của các thầy cũng như gia đình. Năm 2003, tại giải thể thao người khuyết tật toàn quốc tổ chức tại Hà Nội, Bình đã giành HCV với niềm hạnh phúc dâng trào.
Những thành tích của Bình đã giúp anh được cử tham gia tập huấn và thi đấu Đại hội thể thao người khuyết tật khu vực Đông Nam Á lần 2 năm 2003 do Việt Nam đăng cai tổ chức. Tại Đại hội này, Bình đã mang về cho đội tuyển thể thao người khuyết tật Việt Nam 1 HCV, 1 HCB. Kể từ đó, bảng thành tích huy chương của Bình ngày càng được cộng thêm theo từng năm, từ trong nước đến Đông Nam Á rồi cả giải đấu Châu Á, như: HCĐ giải Cầu lông người khuyết tật thế giới năm 2013; HCB giải cầu lông Người khuyết tật Đông Nam Á năm 2017, HCV giải cầu lông Người khuyết tật Quốc gia năm 2022.
Thành công của Bình có sự góp phần không nhỏ của người vợ tào khang cũng là một VĐV người khuyết tật. Bình chia sẻ: "May mắn là tôi đã có một người đồng hành cùng nhau "chia ngọt sẻ bùi" từ cách đây 12 năm. Vì cũng là một VĐV khuyết tật nên vợ chồng luôn tìm được sự đồng cảm trong quá trình chung sống. Kết quả của tình yêu thương này là 2 người con đủ nếp, đủ tẻ rất ngoan ngoãn và hiếu thảo".
Không chỉ tham gia thi đấu môn Cầu lông, Bình còn chơi rất nhiều môn thể thao như: Tennis, Bắn cung. Anh cũng đã tham gia giải vô địch bắn cung TPHCM dành cho hệ phong trào. Dù là VĐV khuyết tật thi đấu cùng với VĐV bình thường nhưng anh cũng xuất sắc đạt được 1 HCB, 1 HCĐ khiến nhiều người nể phục.
Những thành tích của Bình đã đưa anh bén duyên trở thành HLV. Năm 2021, Bình đã được thầy Lý Đại Nghĩa (Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Judo Việt Nam) giao trọng trách làm HLV môn bắn cung người khuyết tật và sau đó anh còn được phụ trách quản lý bộ môn bắn cung tại trung tâm Văn hóa thể thao Q.Gò Vấp.
Mặc dù chưa có nhiều thành tích ở môn Bắn cung, nhưng niềm đam mê với thể thao đã giúp Bình tự tin đảm nhận vai trò HLV. Mỗi ngày sau giờ tập luyện, Bình đều lên mạng tìm kiếm thêm thông tin cũng như học hỏi các đàn anh đi trước về bộ môn bắn cung. Khi đứng trước các học trò, ngoài dạy những bài học chuyên môn, Bình còn dạy họ cách để sống tự tin với niềm đam mê thể thao, cách vượt qua khó khăn để không đầu hàng số phận, cách để vươn lên khẳng định chính mình, với mong muốn họ sẽ sống một cuộc đời không hối tiếc dù bản thân là người khiếm khuyết.
Học trò của Bình, ngoài những em nhỏ, anh chị khuyết tật cũng có những người bình thường. Theo lời Bình kể "úc mới lập câu lạc bộ, anh tham gia huấn luyện cho khoảng 10 người khuyết tật đều bị bại liệt. Nhìn thấy sự quyết tâm của các học trò, anh như tìm thấy lại chính mình ở những năm về trước. Cũng sự cố gắng ấy, cũng đam mê ấy, cũng nghị lực ấy, họ từng ngày tập luyện để mong sẽ không trở thành gánh nặng cho gia đình và khẳng định bản thân đã sống những tháng ngày có ích. Trong vai trò là HLV, Bình luôn cố gắng hết sức có thể để "trò” tiếp cận bộ môn một cách dễ hiểu và tạo được sự đam mê với nó.
Nổi bật trong nhóm học trò "đặc biệt" ấy là chị Huỳnh Thị Hạnh. Trong năm 2023, cả thầy và trò đều không giấu được sự vui mừng khi chị Hạnh đạt được 3 HCV, 1 HCB Giải vô địch bắn cung người khuyết tật toàn quốc. Cũng trong khoảng thời gian này, TPHCM tổ chức giải vô địch bắn cung dành cho người bình thường; được sự đồng ý của thầy Nguyễn Quốc Tuấn (Trưởng bộ môn bắn cung TPHCM), Bình mạnh dạn đăng ký cho chị Hạnh tham dự để tạo điều kiện cho "trò” được cọ xát cũng như rèn luyện thêm tinh thần thi đấu. Và cuối cùng, chị Hạnh đã đạt HCV nội dung bắn cung 3 dây nữ.
Ngoài làm HLV CLB bắn cung dành cho người khuyết tật, Bình còn tham gia hướng dẫn một nhóm sinh hoạt bộ môn cầu lông hàng tuần tại CLB cầu lông Tân Sơn. Trong vai trò nào, anh cũng cố gắng để các học viên "đặc biệt" cảm thấy đây là một sân chơi thật sự bổ ích để sống vui, sống khỏe mỗi ngày.
Như Quỳnh