Sinh ra trong một gia đình công nhân viên bình thường tại TP.HCM, do sức khỏe luôn ốm yếu, Thúy Hồng được bố mẹ cho tham gia tập luyện các môn thể thao để nâng cao sức khỏe . Thúy Hồng bén duyên với môn võ Judo bắt đầu từ năm 1991 trong một lần tình cờ vào Câu lạc bộ Hồ Xuân Hương (quận 3) xem các anh chị tập võ.
Niềm đam mê với môn Võ này đã giúp Thúy Hồng đạt được nhiều thành tích đáng kể sau một thời gian tham gia tập luyện như: vô địch nhiều năm liền ở Giải trẻ toàn quốc, HCV Giải vô địch quốc gia năm 2000, HCĐ Giải vô địch Đông Nam Á năm 1998 tại Singapore, vô địch Giải sinh viên Pháp...
Thúy Hồng cho biết: “Mọi người đều nghĩ con gái thì không nên học võ, nhưng thật ra võ thuật mang lại cho người tập rất nhiều lợi ích, đặc biệt là con gái. Ngoài việc giúp chúng ta rèn luyện thể lực, tăng cường sức khỏe võ thuật còn giúp cho chúng ta tự tin hơn, linh hoạt hơn khi giải quyết vấn đề, nhất là giúp cho con gái có thể tự vệ trong những tình huống bất lợi”.
Tham gia thi đấu được 9 năm, với những thành tích đạt được Thúy Hồng được tuyển thẳng vào học tại Trường đại học Sư phạm TP.HCM ngành giáo dục thể chất. Không còn thi đấu nhưng niềm đam mê dành cho judo đã khiến cho cô mong muốn được tiếp tục gắn bó với môn thể thao này. Chính vì vậy, những thời gian rảnh rỗi không phải lên lớp học Thúy Hồng tham gia dạy Judo tại các Trung tâm TDTT và cũng trong thời gian này cô được giữ nhiệm vụ là trưởng bộ môn Judo- Vật tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao quận Tân Bình.
Thúy Hồng đến với Judo người khiếm thị cũng đầy duyên nợ khi vào năm 2003 cô được Trung tâm Văn hóa, Thể thao quận Tân Bình cử đi học một khóa tập huấn ngắn hạn về phương pháp giảng dạy và phân loại thương tật cho các VĐV khiếm thị tại Malaysia.
Trở về nước sau khóa học, Thúy Hồng trăn trở với mong muốn đưa môn võ Judo vào dạy cho người khiếm thị. Do chưa có phương pháp huấn luyện tốt nhất dành cho người khiếm thị cũng như tài liệu về người khiếm thị còn rất hạn chế, nên việc tiếp cận và giảng dạy gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, niềm đam mê, sự nhiệt huyết đã giúp Thúy Hồng cùng Ban huấn luyện dần tháo gỡ những khó khăn để ổn định việc dạy.
Nhìn lại quãng thời gian khi mới giảng dạy tại Hội Judo khiếm thị, Thúy Hồng chia sẻ: Con gái trở thành HLV dạy võ đã khó, huấn luyện cho người khiếm thị lại càng khó khăn gấp vạn lần. Ngoài việc hướng dẫn lý thuyết, đòn thế cơ bản... như những người bình thường, điểm đặc biệt của HLV Judo cho người khiếm thị là phải dạy học trò mình khả năng phán đoán bằng thính giác. Khi đã nhuần nhuyễn bài học này, các VĐV Judo khiếm thị nói riêng và võ thuật nói chung sẽ sử dụng "hơi tai" nhận biết động tĩnh của đối thủ để dựa vào đó chống đỡ hoặc ra đòn.
Thúy Hồng không chỉ dạy võ, truyền niềm đam mê môn võ Judo của mình cho các lứa học sinh khiếm thị mà cô còn như một chuyên gia tâm lý, luôn quan tâm, kịp thời động viên, an ủi các em trong quá trình học tập. Tình cảm và sự chia sẻ ấm áp của cô đã giúp đỡ tinh thần cho các học viên người khiếm thị thêm yêu và hăng say tập luyện. HLV Thúy Hồng luôn được các học viên yêu mến và đặt cho biệt danh là cô tiên giữa đời thường.
Nhiều thế hệ học viên dưới sự giảng dạy của cô Thúy Hồng đã giành được những thành tích đáng khích lệ trên đấu trường thể thao trong nước và trở thành những cái tên trong đội tuyển quốc gia đi thi đấu tại các giải thể thao khu vực và châu lục. Rất khiêm tốn khi nói về mình, HLV Thúy Hồng cho biết thành quả đó là công sức của cả tập thể, còn cá nhân cô chỉ muốn chia sẻ "những khó khăn của những người có hoàn cảnh bất hạnh" hòa nhập cộng đồng. Tôi chỉ muốn góp một phần sức lực nhỏ nhoi của mình giúp các em hòa nhập vào cuộc sống, hòa nhập vào xã hội. Với người khiếm thị, phải biết lắng nghe, chúng ta mới thấu hiểu. Mong muốn của Hồng và các HLV khác là làm sao để ngày càng có nhiều người khiếm thị được tham gia tập luyện Judo nói riêng và thể thao nói chung.
Phương Anh