Đưa võ cổ truyền vào trường học: giải pháp đẩy mạnh phát triển võ cổ truyền Việt Nam

Trải qua hơn bốn nghìn năm lịch sử, Võ cổ truyền không chỉ là di sản văn hóa quý báu của Việt Nam, mà còn là môn thể thao giúp rèn luyện kỹ năng tự vệ, nâng cao sức khỏe, hun đúc tinh thần thượng võ, yêu nước, đoàn kết và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các thế hệ người Việt Nam.

Tính đến nay, võ cổ truyền Việt Nam phát triển ở hơn 50 quốc gia, quảng bá tại hơn 70 nước trên thế giới. Ở trong nước, võ cổ truyền có ở 58 đơn vị, địa phương, trong đó có trên 40 tổ chức Hội, Liên đoàn cấp tỉnh/thành, Bộ, ngành với trên 60 chi hội trực thuộc; có hơn 700 võ đường, CLBvới trên 100 môn phái, võ phái, thu hút đông đảo võ sinh tham gia, nhất là Thanh thiêu nhi, học sinh và cán bộ chiến sĩ Công an, Bộ đội.

Thực tế, với số lượng ngày càng nhiều võ đường, CLB võ cổ truyền được thành lập và phát triển rộng khắp trong cả nước, nhiều VĐV đã tham gia thi đấu các bộ môn khác nhau và giành thành tích cao. Có thể kể đến 06 tấm HCV của Kun Bokator hay 05 HCV Kun Khmer tại SEA Games 32 đều có được nhờ sự xuất sắc của các VĐVvõ cổ truyền.

Để đẩy mạnh phát triển môn Võ cổ truyền cũng như giúp học sinh được tiếp cận và hiểu biết thêm về tinh hoa võ Việt, đồng thời giữ gìn và phát huy tinh hoa võ cổ truyền dân tộc, nhiều địa phương trong cả nước đã triển khai các chương trình, kế hoạch với mục tiêu đưa võ cổ truyền Việt Nam vào trường học.

Điển hình như ở tỉnh Quảng Trị, việc đưa võ cổ truyền vào dạy học, tập luyện đã được triển khai sâu rộng. Theo đó, các cơ quan liên quan đã phối hợp đưa võ cổ truyền vào chương trình học thể dục của các trường tiểu học, THCSvà THPT trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn cho 100% đội ngũ giáo viên thể dục bậc THPT và 2 lớp võ cổ truyền cho đội ngũ giáo viên thể dục bậc THCS với 60 giáo viên.

Môn Võ cổ truyền được các địa phương đưa vào giảng dạy trong các giờ học chính khóa và ngoại khóa

Thầy giáo Nguyễn Văn Bằng, Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP.Đông Hà, cho biết: “Sau khi tham gia tập huấn, năm 2016, tôi đã triển khai dạy võ cổ truyền cho các em học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo, cũng như dạy lại cho một số giáo viên khác về võ cổ truyền. Khi học võ cổ truyền, học sinh rất thích thú, nhất là đối với các em muốn học võ nhưng vì hoàn cảnh không thể theo học được”.

Hay như tại huyện Bắc Hà – Lào Cai, tới nay võ cổ truyền được 100% trường tiểu học, THCS tổ chức dạy, tập luyện cho học sinh trong giờ thể dục và hoạt động ngoại khóa. Đáng nói, không ít nhà trường còn thành lập CLBvõ cổ truyền. Tạo điều kiện để học sinh được tham gia biểu diễn tại một số sự kiện TDTT, các ngày lễ lớn trong và ngoài nhà trường suốt năm học. 100% giáo viên thể dục các trường trên địa bàn huyện đã được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy môn Võ cổ truyền

 

Ông Bùi Văn Tiến - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà cho biết: đa số trường trên địa bàn đã lồng ghép đầy hiệu quả võ cổ truyền vào môn Giáo dục thể chất, thể dục giữa giờ, hoạt động ngoại khóa… cho học sinh. Nếu như học sinh khối tiểu học học bài quyền căn bản 27 động tác thì học sinh khối THCS được tăng cường hơn theo lứa tuổi với bài quyền 36 động tác. Ba năm triển khai, nhiều trường đã xây dựng được những màn đồng diễn võ cổ truyền công phu, nghệ thuật.

 

Thầy Lê Ngọc Anh-Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Tà Chải, Bắc Hà cho biết: Đưa võ cổ truyền lồng ghép trong Giáo dục thể chất và hoạt động ngoại khóa là hướng đi đúng đắn, ý nghĩa và thiết thực… của ngành GD&ĐT huyện Bắc Hà. Học sinh ra trường không chỉ cần tới kiến thức, mà còn cần có sức khỏe, hiểu biết văn hóa truyền thống từ đó hình thành kỹ năng sống khác cũng cần thiết".

Lâm Đồng cũng là một trong những địa phương phát triển mạnh môn Võ cổ truyền trong trường học. Nhờ đó, đến nay võ cổ truyền hiện đã có mặt trong 12 huyện, thành của tỉnh Lâm Đồng với 36 CLB, phòng tập; gần 100 võ sư, HLV và trên 4.000 môn sinh tập luyện thường xuyên, trong đó chủ yếu là học sinh các cấp phổ thông, sinh viên. Tập trung nhiều nhất hiện nay là thành phố Đà Lạt với 12 CLB, phòng tập; Bảo Lộc có 6 CLB và phòng tập; các huyện, thành còn lại có khoảng 2-3 phòng tập nhưng có những địa phương chỉ có 1 phòng tập như Lạc Dương và Đạ Tẻh.

Phong trào phát triển cũng giúp Võ cổ truyền trở thành môn có thế mạnh của thể thao Lâm Đồng. Các võ sỹ đã, mang không ít huy chương về cho thể thao Lâm Đồng từ các giải quốc gia, quốc tế.

Không chỉ có các địa phương, nhiều trường đại học trên cả nước cũng đang từng bước đưa võ cổ truyền vào dạy cho sinh viên. Điển hình như trường Đại học Quy Nhơn, từ năm 2009 đã thực hiện dạy võ thuật cổ truyền dành cho sinh viên không chuyên ngành TDTT khi học môn giáo dục thể chất. Đến nay có từ 400 - 500 sinh viên ở các khoa thuộc Nhà trường được theo học và tập luyện võ cổ truyền.

Võ sư Hồ Minh Mộng Hùng, Phó Trưởng khoa Giáo dục thể chất - quốc phòng (GDTC-QP), trường Đại học Quy Nhơn cho biết: “Bộ môn võ cổ truyền được áp dụng vào giảng dạy chính khóa đối với sinh viên chuyên ngành TDTT và là môn tự chọn được nhiều sinh viên các ngành khác chọn học. Cùng với Võ cổ truyền Việt Nam, Võ cổ truyền Bình Định được khoa đưa vào chương trình giảng dạy chính khóa và được nhiều sinh viên theo học ở phần tự chọn”.

Nhiều sinh viên theo học tại khoa GDTC-QP và các khoa khác của trường là VĐV đội tuyển võ thuật của tỉnh Bình Định tham gia thi đấu và đạt thành tích cao như võ sinh Võ Hoàng Nam đã đoạt 20 HCV tại các kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc, giải Tinh hoa võ Việt quốc tế, giải Trẻ võ cổ truyền thế giới ở nội dung quyền thuật.

Bên cạnh đưa bộ môn võ cổ truyền vào chương trình giảng dạy chính khóa, Trường Đại học Quy Nhơn còn thường xuyên tổ chức biểu diễn võ cổ truyền Bình Định trong các hoạt động giao lưu với các trường đại học trong và ngoài nước và trong các ngày hội của trường.   

KC

Ảnh trong bài
  • Đưa võ cổ truyền vào trường học: giải pháp đẩy mạnh phát triển võ cổ truyền Việt Nam