Công nghệ góp phần mang lại sự thành công cho ASIAD 19

ASIAD 19 đã mang đến cho tất cả các đoàn tham dự Đại hội cũng như du khách quốc tế có mặt tại Hàng Châu cảm nhận chung về một kỳ Đaiị hội ấn tượng, hoành tráng về công tác tổ chức và đặc biệt là được chiêm ngưỡng những thành tựu của nước chủ nhà trong phát triển xanh và tiến bộ công nghệ trên trường quốc tế.

Việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số trong công tác điều hành tổ chức luôn là điều cần thiết ở mỗi kỳ Đại hội thể thao châu Á. Tại ASIAD 19, một loạt các công nghệ kỹ thuật số hiện đại lần đầu tiên được giới thiệu như: người cầm đuốc kỹ thuật số, thẻ đăng ký nhận dạng điện tử, nền tảng dịch vụ hướng dẫn thực phẩm, hướng dẫn du lịch, hỗ trợ ngôn ngữ,…

Trong lễ khai mạc, 70.000 khán giả có mặt trên sân vận động Bông sen lớn đã không khỏi kinh ngạc trước màn tạo hình ảnh tuyệt đẹp bằng công nghệ kỹ thuật số. Trong lễ khai mạc này, sông Tiền Đường và cây cầu Gongchen mang tính biểu tượng kết nối thời cổ đại và hiện đại đã được chiếu trực tiếp lên sân khấu thông qua sự phối hợp của màn hình mặt đất và màn hình lập thể, và thông qua thiết kế hiệu ứng hình ảnh 3D mắt thường và hình ảnh ảo. Việc tích hợp công nghệ 3D mắt thường, thực tế tăng cường (AR) và trí tuệ nhân tạo (AI) đã mang đến trải nghiệm mới mẻ và thú vị cho người xem trên toàn thế giới.

Hình thức thắp sáng đài đuốc bằng công nghệ "tích hợp ảo và thực tế" lần đầu tiên được trình diễn tại một sự kiện thể thao lớn nhất châu lục, thể hiện sự đổi mới công nghệ của kỷ nguyên thông minh. Trong phần cuối của buổi lễ, hàng trăm triệu người trên khắp châu Á đã được chiêm ngưỡng hình ảnh người cầm đuốc, Wang Shun, và "người cầm đuốc kỹ thuật số" cùng nhau thắp sáng đài đuốc chính.

Mỗi người tham gia trực tuyến là một điểm sáng hội tụ trên sông Tiền Đường để tạo thành một "người kỹ thuật số" tượng trưng gặp gỡ người cầm đuốc tại địa điểm chính để thắp sáng đài đuốc chính. Điều này thể hiện sự cộng hưởng giữa thế giới kỹ thuật số và thế giới thực, đồng thời thể hiện mong muốn xây dựng một cộng đồng chung ở châu Á.

Tất cả địa điểm thi đấu cũng như các địa điểm khác của Đại hội đều được bao phủ bởi hệ thống 5G, cột sạc năng lượng mới và hệ thống quản lý thông minh. Các môn thi đấu đều được phát sóng ở độ phân giải 4K, tạo ra trải nghiệm xem phong phú mới cho khán giả.

Bên cạnh đó để phục vụ cho du khách, nước chủ nhà cũng đưa vào sử dụng hệ thống xe buýt không người lái. Xe buýt được trang bị nhiều thiết bị cảm biến lái xe tự động, chẳng hạn như camera quan sát, có thể cảm nhận chính xác môi trường xung quanh. Vì thế, Làng Asian Games cũng sử dụng một số xe buýt không người lái.

Xe buýt nhỏ không người lái sẽ đưa khách từ Hàng Châu sang thành phố Thiệu Hưng lân cận nơi một số môn thi đấu diễn ra. Tại trung tâm truyền thông, nhân viên phụ trách đón tiếp là robot. Ngay cả vài địa điểm thi đấu cũng được lập nên với sự trợ giúp của robot xây dựng.

Được xem là “thủ phủ” ngành công nghệ Trung Quốc, Hàng Châu triển khai nhiều robot để phục vụ, giải trí và giữ an ninh cho đại hội. Trong làng vận động viên có robot bẫy muỗi bằng cách bắt chước nhiệt độ cơ thể và hơi thở con người, chó robot phụ trách tuần tra cơ sở cấp điện, robot nhảy múa và chơi đàn piano. Mọi người còn có thể thử phản xạ của bản thân với robot chơi bóng bàn Pongbot.

Các máy bán hàng tự động có thể làm nóng bữa trưa, kiểm tra nhiệt độ để món ăn vừa miệng, thậm chí thu thập dữ liệu về sở thích của thực khách.

Bên cạnh đó, đại hội Thể thao châu Á Hàng Châu cũng đạt được hai bước đột phá quan trọng trong lĩnh vực năng lượng xanh: lần đầu tiên cung cấp điện tái tạo hoàn chỉnh cho tất cả các địa điểm và khai trương sử dụng methanol không carbon.

Tiêu chí ASIAD xanh được tính toán chi tiết đến năng lượng tiêu hao của từng bóng đèn, từng máy điều hòa, từng chiếc thang máy. Tầng 4 và tầng 5 của Nhà thi đấu Trung tâm thể thao Olympic Hàng Châu được chia thành hơn 70 khu vực để lắp cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, mật độ người qua lại, từ đó tính toán và xây dựng phương án tiêu thụ năng lượng điện phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế của mỗi khu vực để vừa thực hiện cắt giảm phát thải CO2 vừa tránh lãng phí tài nguyên.

Ngoài ra, trên đỉnh mái của Nhà thi đấu và Cung thể thao dưới nước ở Trung tâm thể thao Olympic Hàng Châu cũng lắp đặt 210 thanh điều hướng ánh sáng được điều khiển bằng hệ thống thông minh để đưa ánh sáng bên ngoài vào trong, giúp tiết kiệm được 100.000 số điện mỗi năm.

"Đây là lần thứ hai tôi đến Trung Quốc. Nơi đây rất đẹp, đầy đủ các công nghệ mới, rất tốt cho các bạn trẻ học tập", Dilnaz Murzataeva, VĐVđấu kiếm đến từ Uzbekistan cho biết.

KC (từ Hàng Châu, Trung Quốc)

Ảnh trong bài
  • Công nghệ góp phần mang lại sự thành công cho ASIAD 19
  • Công nghệ góp phần mang lại sự thành công cho ASIAD 19