Bộ VHTTDL đạt mức độ C về chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, triển khai Chính phủ điện tử. Báo cáo Sơ kết tình hình chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2023 đã chỉ ra những kết quả nổi bật trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành và địa phương.

Đối với trụ cột chính phủ điện tử, chính phủ số của chuyển đổi số quốc gia, dịch vụ công trực tuyến là tiêu chí quan trọng nhất. Điều đó không những tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp mà còn giảm áp lực giấy tờ công việc lên các cơ quan quản lý nhà nước.

Kết quả khảo sát cho thấy có 6 nhóm nguyên nhân người dân không hài lòng hoặc gặp lỗi khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, với tỷ lệ tương ứng là: 3% là do lỗi thiết bị đầu cuối của người dân; 5% là do lỗi kết nối mạng của người dân; 36% là do lỗi của Cổng dịch vụ công; 10% là do lỗi khi thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công; 7% là do lỗi kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; 25% là do thủ tục hành chính phức tạp, làm trực tiếp dễ và nhanh hơn làm trực tuyến và 14% là do các nguyên nhân khác.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ góc độ trải nghiệm của người sử dụng đối với Cổng dịch vụ công của 20 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các Cổng dịch vụ công được chia thành 5 mức độ, cụ thể như sau: Mức độ A - Từ 90 điểm đến 100 điểm; Mức độ B - Từ 80 đến 89 điểm; Mức độ C - Từ 65 đến 79 điểm; Mức độ D - Từ 50 đến 64 điểm; Mức độ E - Dưới 50 điểm.

Một Cổng dịch vụ công được công nhận đạt mức độ A có đầy đủ chức năng, giao diện thân thiện, hỗ trợ người dân truy cập thuận tiện và đặc biệt có tốc độ tải trang và đáp ứng thao tác của người dùng tốt, tốc độ tải trang dưới 2,5 giây, thời gian phản hồi dưới 0,2 giây. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng công bố xếp hạng chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương theo các mức độ nêu trên.

Trong toàn bộ 83 Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương, có 39/83 được triển khai dưới hình thức thuê dịch vụ của doanh nghiệp, điểm trung bình đánh giá đạt 85,23 điểm, 40/83 được triển khai dưới hình thức đầu tư mua sắm giải pháp của doanh nghiệp, điểm trung bình đánh giá đạt 76,05 điểm, có 4/83 tự làm, điểm trung bình đánh giá đạt 68 điểm.

Theo đó, Bộ VHTTDL là một trong các Bộ, ngành đạt mức độ C về cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Cùng nhóm còn có Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tư pháp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động thương binh và xã hội.

Đạt mức độ C có Bộ giao thông vận tải và Bộ quốc phòng. Đạt mức độ B là Bộ công thương, Bộ công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Được biết, trong thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến,  Bộ VHTTDL quyết tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

(1) Đơn giản hóa, chuẩn hóa thực chất thành phần hồ sơ; thống nhất quy trình tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử đối với từng TTHC

- Chuẩn hóa quy trình nội bộ, cập nhật quy trình điện tử theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thông tin, dữ liệu và số lượng thành phần hồ sơ của từng TTHC để giảm tối đa các thành phần thủ tục, giảm tối đa thời gian và quy trình thực hiện; thống nhất quy trình phối hợp, lấy ý kiến nội bộ giữa các phòng, ban trong một đơn vị và quy trình phối hợp, lấy ý kiến giữa các đơn vị thuộc Bộ trong đó quy định cụ thể thời gian cho ý kiến, tăng cường sử dụng trao đổi văn bản điện tử (thông qua hệ thống Quản lý văn bản điện tử của Bộ) giữa các đơn vị trong Bộ.

- Khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu của cá nhân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giảm thiểu việc cung cấp thông tin cá nhân (như: bãi bỏ thành phần hồ sơ là: sơ yếu lý lịch, bỏ các nội dung ngày tháng năm sinh, nơi sinh, chứng minh thư nhân dân, địa chỉ, quốc tịch (đối với cá nhân là người Việt Nam); thay bằng số định danh cá nhân,…) trong biểu mẫu, thành phần hồ sơ, quy trình thực hiện TTHC.

- Tập trung rà soát đánh giá và tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ các dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần được ban hành tại Quyết định 784/QĐ-BVHTTDL ngày 30/3/2023 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Danh mục thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ VHTTDL đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo hướng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, hoàn thành trong tháng 9 năm 2023.

- Ưu tiên làm trước công tác rà soát đánh giá và tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ, chuẩn hóa quy trình nội bộ, cập nhật quy trình điện tử và đưa vào áp dụng ngay đối với các TTHC phát sinh nhiều hồ sơ. Các thủ tục được đơn giản hóa phù hợp với hình thức cung cấp trực tuyến theo hướng thuận lợi, dễ thực hiện cho người dân, doanh nghiệp.

(2) Nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến

- Rà soát, tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ cung cấp dịch vụ công trực tuyến (đẩy mạnh cung cấp, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao chất lượng dịch vụ mạng viễn thông tại bộ phận Một cửa; tăng cường trang bị thiết bị, máy quét Scan, tốc độ đường truyền mạng Internet, máy tính tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận Một cửa...).

- Rà soát việc cung cấp thông tin và triển khai các biện pháp để cung cấp thông tin, khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả trong việc chuyển thực hiện TTHC theo hình thức trực tiếp sang trực tuyến; giải đáp kịp thời thắc mắc trong quá trình thực hiện các TTHC; theo dõi, rà soát thông tin về tình trạng tiếp nhận, xử lý, trả kết quả TTHC; kịp thời trả lời các phản ánh, kiến nghị liên quan đến cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

(3) Xây dựng cơ sở dữ liệu; kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến

- Triển khai xây dựng, kết nối, liên thông, chia sẻ các hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia và chuyên ngành (như CSDL quốc gia về dân cư, CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CSDL chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức, CSDL chuyên ngành tài chính, bảo hiểm) và CSDL được tạo lập bởi các đơn vị của Bộ VHTTDL phù hợp theo yêu cầu, tiến độ của Chính phủ để phục vụ nhu cầu tìm kiếm, khai thác thông tin của người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC.

- Triển khai kết nối kỹ thuật, liên thông giữa phần mềm quản lý nghiệp vụ chuyên ngành của đơn vị với CSDL quốc gia về dân cư, CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhằm xác thực thông tin của cá nhân, doanh nghiệp và giảm thiểu thành phần hồ sơ, giấy tờ; rút ngắn thời gian xử lý nghiệp vụ trong công tác thẩm định, giải quyết thủ tục hành chính (như phần mềm quản lý hướng dẫn viên du lịch kết nối với CSDL quốc gia về dân cư nhằm quản lý hướng dẫn viên du lịch trên phạm vi toàn quốc; thúc đẩy sử dụng thẻ du lịch thông minh trong hoạt động du lịch nhằm tăng tiện ích cho du khách và tăng thu thuế,…).

(4) Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nguồn nhân lực triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Các cơ quan được giao giải quyết TTHC tiếp tục đầu tư, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng, nhân lực và các nguồn lực khác để tổ chức, triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình cho người dân, doanh nghiệp để đạt được các mục tiêu đề ra theo Kế hoạch.

(5) Nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Huy động tối đa sự tham gia của xã hội trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

(6) Nâng cao chất lượng phần mềm Cổng dịch vụ công trực tuyến

- Tiếp tục rà soát, cập nhật các chức năng của Cổng dịch vụ công trực tuyến nhằm giảm thiểu thời gian xử lý hồ sơ của công chức, tránh trùng lắp các thao tác dẫn đến chậm trễ trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

- Nâng cấp Cổng dịch vụ công trực tuyến đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công dân khi nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường số mà không bị sao chép, không bị mất mát, không bị lộ lọt thông tin cá nhân, bí mật kinh doanh./.

Ngô Giang

 

Ảnh trong bài
  • Bộ VHTTDL đạt mức độ C về chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến