“Chương trình nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam”(28/12/2004)

Ở mọi quốc gia, tầm vóc và thể lực của cầu thủ bóng đá đều phụ thuộc vào tầm vóc và thể lực của dân tộc. Gần đây, các nhà khoa học của nhiều ngành đã hợp tác soạn thảo “Chương trình nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam” để UBTDTT trình Chính phủ phê duyệt. Chúng tôi giới thiệu khái quát chương trình này, đồng thời có liên hệ với môn Bóng đá.

1. Lứa tuổi thuận lợi để phát triển tầm vóc và thể lực

Lý luận và thực tiễn đã cho thấy:

- Trẻ em dưới 5 tuổi và ở tuổi tiền dậy thì (11 - 13 đối với nữ, 13 - 15 đối với nam) là hai giai đoạn phát triển nhanh về chiều cao thân thể.

- Các tố chất thể lực chỉ phát triển thuận lợi ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Nhờ kết quả điều tra thể chất nhân dân năm 2001 cho thấy, sức bền phát triển chậm sau tuổi 15 (đối với nam) và sau tuổi 12 (đối với nữ); sức mạnh phát triển chậm sau tuổi 17 (đối với nam) và sau tuổi 14 (đối với nữ); sức nhanh phát triển chậm sau tuổi 13 (đối với nam) và sau 10 tuổi (đối với nữ).

Qua lứa tuổi 17 (đối với nam) và 15 (đối với nữ), con người có thể tiếp tục phát triển tốt về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, nhưng rất khó phát triển về chiều cao thân thể và thể lực chung. Vì vậy, đối với môn bóng đá nam, quá trình phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu từ 6 - 7 tuổi tới 15 - 16 tuổi rất quan trọng. Còn tới 17 - 18 tuổi, cầu thủ đã phải bộc lộ rõ tài năng bóng đá, không chỉ dừng ở mức còn phải xem xét về năng khiếu, sẽ tốn tiền đào tạo. Ngoài đánh giá về thể lực, kỹ chiến thuật, các chỉ số sinh học và tâm lý giữ vai trò quan trọng trong đánh giá năng khiếu bóng đá: huyết học, sinh hóa máu, công năng tim mạch - hô hấp, loại hình thần kinh, tuổi xương và dự báo chiều cao thân thể... Ngoại trừ nhược điểm về chiều cao thân thể, Văn Quyến có chỉ số sinh học, thể lực, kỹ thuật nổi trội ngay từ 14 - 15 tuổi, tài năng bóng đá bộc lộ ngay ở lứa tuổi 16 - 17.

2.Thực trạng tầm vóc và thể lực của người Việt Nam

Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng công tác bảo vệ, tăng cường sức khỏe nhân dân, vì vậy tầm vóc thanh niên ta hiện nay tiến bộ nhiều so với năm 1975. Nam thanh niên 20 tuổi năm 2001 trung bình cao hơn 4,7cm so với năm 1975 (1m63,7 và 1m59); nữ thanh niên cao hơn 4 cm (1m53 và 1m49). Nhịp độ tăng trưởng chiều cao thân thể trong 25 năm qua đạt 4,7cm đối với nam và 4 cm đối với nữ, nhanh hơn quy luật bình thường. Cứ sau 10 năm, theo quy luật, mỗi dân tộc chỉ tăng khoảng 1cm về chiều cao thân thể.

Tuy nhiên, ta chưa tận dụng được thời kỳ phát triển bù về chiều cao thân thể sau chiến tranh, nên nhịp độ tăng trưởng còn chậm so với Nhật Bản. Nhờ các biện pháp chủ động can thiệp đồng bộ, chiều cao thân thể người Nhật sau Thế chiến thứ 2 đạt nhịp độ tăng trưởng bù khoảng 4 cm trong 10 năm (tăng trưởng nhanh gấp 2 lần của ta). Khoảng năm 1980, thanh niên Nhật 20 tuổi có tầm vóc trung bình hơn hẳn 10cm so với người 40 - 50 tuổi.

Chính vì nhịp độ tăng trưởng chậm, nên tầm vóc và thể lực thanh niên ta tuy đã phát triển tốt hơn, nhưng còn thua kém nhiều so với quốc tế và khu vực. So với chuẩn quốc tế, tầm vóc nam 18 tuổi thua kém 13,1cm (1m63,7 và 1m76,8), tầm vóc nữ thua kém 10,7cm (1m53 và 1m63,7). So với Nhật Bản ta thua 8cm đối với nam và 4cm đối với nữ. So với nam Singapore và Thái Lan ta thua 6 - 7cm và 2cm về chiều cao thân thể. Về tố chất thể lực, hiện nay thanh niên ta thua kém rõ rệt so với nhiều nước châu Á, Đông Nam Á, đặc biệt về sức bền và sức mạnh. Công năng tim trong vận động và sức bền chung của thanh thiếu niên Việt Nam hiện xếp vào loại kém và rất kém so với Nhật Bản. Sự đói vận động bắt đầu dẫn đến tình trạng béo phì, bệnh trầm cảm, khó phát triển tốt về trí tuệ.

Trên cái nền về tầm vóc về thể lực chung của thanh thiếu niên, nhi đồng như vậy, nên tầm vóc và thể lực của vận động viên bóng đá quốc gia Việt Nam cũng thua kém nhiều nước Đông Nam Á. Các kỹ thuật đánh đầu, sút bóng từ xa đều rất hạn chế vì yếu về sức bền, sức mạnh, chiều cao thân thể, chưa kể đến công tác tuyển chọn và huấn luyện còn thiếu bài bản. Để sớm khắc phục tình trạng yếu kém này, trong đào tạo vận động viên bóng đá trẻ càng cần chú ý tới dự báo chiều cao thân thể và xác định năng khiếu bóng đá. Nghệ An là địa phương bước đầu đã chú trọng tới công tác này, đem lại hiệu quả tốt.

3.Giải pháp nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam

Chăm sóc về tầm vóc và thể lực của thanh niên cần được tiến hành liên tục, dài hạn trong 20 đến 25 năm mới có kết quả khả quan. Nhiều quốc gia đã tiến hành chương trình chăm sóc này, đặc biệt đạt kết quả cao ở Nhật Bản. Căn cứ vào lý luận và thực tiễn, người Nhật sử dụng giải pháp dinh dưỡng kết hợp với thể dục thể thao là chính, bên cạnh đó chú ý nghiên cứu về các yếu tố di truyền. Mặc dù yếu tố chính ảnh hưởng tới chiều cao thân thể con người là: dinh dưỡng 31%, di truyền 23%, thể dục thể thao 20% ... những giải pháp mà chúng ta sẽ ứng dụng ở nước ta không có gì mới so với thế giới, nhưng phải phù hợp với điều kiện Việt Nam. Cái mới chủ yếu là chúng ta tập trung chăm sóc cho lứa tuổi từ 6 - 18 tuổi, đặc biệt đối với lứa tuổi tiền dậy thì (chăm sóc “đón đòng”).

Các giải pháp thí điểm chăm sóc về tầm vóc và thể lực thanh thiếu niên, nhi đồng từ năm 2005 - 2010 bao gồm:

1/ Tiến hành can thiệp đồng bộ về dinh dưỡng, thể dục thể thao và lối sống để nâng cao tầm vóc, thể lực thanh thiếu niên, nhi đồng (chú trọng địa bàn nông thôn, miền núi). Thời gian thí điểm 2 năm cho mỗi đối tượng:

- Tổ chức thí điểm và hướng dẫn thực đơn các bữa ăn cho gia đình 4.000 học sinh tiểu học, 33.600 học sinh THCS, THPT. Thí điểm bữa ăn trưa cho 4.000 học sinh tiểu học.
- Tổ chức thí điểm bổ sung dinh dưỡng (sữa, chất vi lượng như kẽm, canxi) cho số lượng học sinh nêu trên.
- Trang bị mẫu cho các trường học trong diện thí điểm (132 trường) về cơ sở vật chất thể dục thể thao như sân chơi đa năng, bể bơi đơn giản, nhà tập đơn giản.
- Nghiên cứu ứng dụng các bài tập kích thích sự phát triển chiều cao thân thể cho học sinh ở 132 trường.
- Ứng dụng các chương trình luyện tập thể dục thể thao thích hợp trong giờ nội khóa, đặc biệt chú trọng tổ chức kết hợp hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa ở 132 trường thí điểm (chú trọng phát triển bóng đá học đường).

- Theo dõi, nhắc nhở học sinh trong diện thí điểm về lối sống: sinh hoạt vui chơi điều độ, đặc biệt đảm bảo tốt giấc ngủ.

Từ năm 2011 - 2025 là các giai đoạn chính thức phổ cập chương trình rộng rãi và hoàn thiện chương trình, đồng thời có điều chỉnh nội dung dinh dưỡng, thể dục thể thao cho phù hợp ở từng giai đoạn.

2/ Tăng cường giáo dục và phổ cập kiến thức dinh dưỡng, thể dục thể thao học đường. Chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nhiều gia đình nông thôn có thể tự túc tổ chức nguồn thực phẩm và bổ sung dinh dưỡng một cách khoa học, không bị chi phí tốn kém. Chú trọng xã hội hóa công tác chăm sóc về tầm vóc và thể lực.

3/ Xúc tiến công tác nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản phục vụ nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam.

- Khảo sát các yếu tố di truyền chi phối chiều cao đứng; điều tra tần số bệnh tật gây bất thường về chiều cao thân thể và đề xuất biện pháp can thiệp.
- Điều tra định kỳ và tổng điều tra về chỉ số sinh học, thể chất người Việt Nam từ 6 - 18 tuổi vào năm 2010 - 2011 để so sánh với năm 2001.
- Thành lập một số trung tâm tư vấn về dinh dưỡng, thể dục thể thao và dự báo chiều cao thân thể trẻ em.

4. Triển vọng về tầm vóc và thể lực thanh niên Việt Nam

Chương trình nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam được xã hội đồng tình, ủng hộ và biết tận dụng thời kỳ phát triển bù về chiều cao thân thể sau chiến tranh, chắc chắn sẽ có hiệu quả tốt. Triển vọng cụ thể là:

1/ Tác động tích cực để tố chất thể lực của thanh thiếu niên phát triển nhanh, có thể đạt mức trung bình so với người Nhật và không thua kém người Đông Nam Á vào cuối năm 2010; đạt xấp xỉ người Nhật vào năm 2020, đặc biệt về sức bền và sức mạnh.

2/ Chiều cao thân thể:

- Đến cuối năm 2010 chiều cao trung bình của nam thanh niên 18 tuổi đạt 1m65 - 1m66 (tăng khoảng 2cm trong 10 năm); của nữ thanh niên 18 tuổi đạt 1m54 - 1m55. Chỉ tiêu phấn đấu là: nam 18 tuổi cao trung bình 1m66 - 1m67, nữ 18 tuổi cao 1m56 - 1m57.

- Đến cuối năm 2030, chiều cao trung bình của nam thanh niên 18 tuổi đạt 1m71 - 1m72, của nữ thanh niên 18 tuổi đạt trung bình 1m60 - 1m61 (mức tăng trưởng 3cm trong 10 năm). Chỉ tiêu phấn đấu là: nam 1m73 - 1m74, nữ 1m62 - 1m63 (mức tăng trưởng 4cm trong 10 năm).

Nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam và phát triển bóng đá đều vì sự hưng thịnh của dân tộc. Ở nước ta, gần 40% thanh thiếu niên nhi đồng ham thích tập luyện bóng đá. Nếu họ tập bóng đá vừa sức (đừng quá sức), tập kèm thêm bài tập phát triển chiều cao thân thể, được hướng dẫn dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo giấc ngủ đầy đủ, chắc chắn cơ thể của họ sẽ phát triển cao, khỏe đẹp và tinh thần vững chắc.

Theo 24 giờ

Ảnh trong bài
  • “Chương trình nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam”(28/12/2004)