Nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo

Nâng cao chất lượng đào tạo và chấm dứt tình trạng "Đại học dạy Đại học" là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu mà lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo đặt ra quyết liệt đối với các trường Đại học trong thời gian tới. Là một trong những trường đầu ngành về TDTT, đào tạo cán bộ có trình độ Cử nhân và Thạc sỹ, trường Đại học TDTT I đã ngày càng tạo dựng uy tín và được tiếng là một trường có môi trường giáo dục tốt.

Nâng cao chất lượng đào tạo và chấm dứt tình trạng "Đại học dạy Đại học" là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu mà lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo đặt ra quyết liệt đối với các trường Đại học trong thời gian tới. Là một trong những trường đầu ngành về TDTT, đào tạo cán bộ có trình độ Cử nhân và Thạc sỹ, trường Đại học TDTT I đã ngày càng tạo dựng uy tín và được tiếng là một trường có môi trường giáo dục tốt.

Không ngừng nỗ lực trong đổi mới chất lượng giảng dạy, nâng cao hiệu quả đào tạo, phù hợp với yêu cầu và thực tiễn phát triển, năm qua, trường Đại học TDTT I đặc biệt chú trọng tới vấn đề đào tạo cán bộ có trình độ cao cũng như khắc phục dần những bất cập trong đào tạo. Đây đã trở thành mối quan tâm, trăn trở lớn nhất của Ban giám hiệu Nhà trường khi nền giáo dục Đại học trên thế giới đã có nhiều thay đổi và đòi hỏi tốc độ phát triển tương xứng của mỗi cá thể.

Trải qua 47 năm xây dựng và trưởng thành, từ một trường Trung cấp TDTT chỉ vỏn vẹn vài chục giáo viên với cơ sở vật chất nghèo nàn và lạc hậu, đến nay, trường Đại học TDTT I đã có một đội ngũ trên 200 cán bộ giảng dạy được đào tạo cơ bản và hệ thống, trong đó có 1 GS (là 1 trong số 3 GS đầu ngành, gồm GS Dương Nghiệp Chí - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT; GS. Lê Văn Lẫm - Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học TDTT I và GS. Lưu Quang Hiệp - Hiệu trưởng trường Đại học TDTT I); 1 PGS, 9 TS và đặc biệt là trên 70% giảng viên có trình độ thạc sĩ đến tiến sĩ.

Coi việc nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên là một mắt xích quan trọng trong giải pháp toàn diện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, GS. Lưu Quang Hiệp - Hiệu trưởng trường Đại học TDTT I cho biết: những năm qua Nhà trường đã đặc biệt quan tâm tới việc đưa giảng viên sang nước ngoài học tập và nghiên cứu. Nhờ đó, số lượng NCS theo học tại các trường quốc tế ở Liên bang Nga, Trung Quốc... cũng tăng dần, đó là chưa kể tới những học viên theo học hệ Thạc sỹ tại các trường này. Hơn nữa, việc không ngừng nâng cao kiên thức Ngoại ngữ, Tin học, Văn hoá - xã hội ... cho đội ngũ giảng viên cũng nằm trong chương trình đào tạo của Nhà trường từ nhiều năm nay. Vì vậy, chắc chắn trong một thời gian ngắn nữa, trường Đại học TDTT I sẽ đạt được những tiêu chí mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong Chương trình kiểm định chất lượng giáo dục Đại học.

Với tác động tích cực từ việc đào tạo liên thông, năm 2007 Nhà trường đã Liên kết với trường Đại học Quảng Tây (Trung Quốc) mở lớp đào tạo Cao học khoá I và với 46 học viên theo học, trường Đại học TDTT I cũng có tới 4 học viên. Như vậy, rõ ràng cơ hội đã mở ra nhằm thỏa mãn yêu cầu câng cao trình độ cho các học viên, không chỉ cho đội ngũ giảng viên của Nhà trường mà với rất đông những giáo viên tại các trường Đại học, Cao đẳng, THPT, THCS, Sở TDTT trên toàn quốc.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác đào tạo giáo viên có trình độ cao của Nhà trường là chỉ tiêu của Bộ quá ít so với nhu cầu thực tế (bao gồm cả hệ Thạc sỹ và Tiến sỹ). Nếu xét theo Đề án đào tạo 20.000 TS đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2007 thì mỗi năm sẽ đào tạo khoảng 2.000 TS và được chia đều cho tất cả các trường Đại học trên cả nước.

Đã vậy, điều kiện lựa chọn NCS cũng sẽ thay đổi theo hướng nâng dần chất lượng so với trước. Điều kiện để tuyển NCS sẽ không phải là kết quả thi mà xét theo năng lực giải quyết các đề tài NCKH của các ứng viên, các bài báo mà ứng viên được in trên các tạp chí khoa học có uy tín, trình độ ngoại ngữ qua các chứng chỉ quốc tế... Vô hình chung những tiêu chí đó sẽ gây khó khăn cho các giáo viên muốn theo học nâng cao và nếu không ngừng trau rồi kiến thức thì việc "mơ" được trở thành TS cũng khó.

Một kỳ học mới đã đến, các vấn đề như đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và đặc biệt là kiểm định chất lượng giáo dục trong các trường Đại học ngày càng trở nên cấp thiết và cần rốt ráo được tiến hành, song để xứng đáng là "cái nôi" đào tạo cán bộ TDTT, trường Đại học TDTT I sẽ tiếp tục không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên dưới nhiều hình thức. Đây cũng chính là nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2007 - 2008 mà thầy và trò Nhà trường quyết tâm thực hiện thắng lợi trong ngày khai trường.

Xuân Nhi

 

Ảnh trong bài
  • Nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo