Đào tạo cán bộ có trình độ cao, phù hợp với yêu cầu thực tiễn là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu mà lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo đặt ra đối với các trường Đại học trong thời gian tới. Quán triệt tinh thần ấy, chiều 13/11, tại Viện khoa học TDTT đã diễn ra Lễ khai giảng nghiên cứu sinh (NCS) ngành TDTT năm 2007 - 2010. Tham dự buổi Lễ có đông đảo các Nhà khoa học đầu ngành TDTT, các giảng viên, thầy chỉ đạo khoá học cùng 11 học viên đã trúng tuyển kỳ thi NCS ngành TDTT năm 2007 - 2010.
Nếu nhìn vào con số 11 học viên trúng tuyển năm 2007 - 2010, nhiều người không khỏi lo ngại về tình trạng "khan hiếm" cán bộ có trình độ cao phục vụ cho ngành trong thời gian tới. Mặc dù, số lượng này đã tăng so với các năm trước nhưng vẫn không thấm vào đâu so với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp Cử nhân và Thạc sỹ.
5 năm trở lại đây, ngành TDTT đã đào tạo được 21 TS (trung bình 1 năm có 4 TS) đem so với con số rất khiêm tốn của riêng trường Đại học TDTT I có khoảng 600 sinh viên tốt nghiệp Cử nhân và 70 Thạc sỹ tốt nghiệp mỗi năm mới thấy sự chênh lệch và mất cân bằng khá lớn về tỷ lệ giữa các cấp đào tạo. Đó là chưa kể tới số lượng sinh viên tốt nghiệp tại các trường Đại học TDTT II, Đại học TDTT Đà Nẵng, Đại học Sư phạm TDTT Hà Tây và nhiều trường có hệ đào tạo Giáo dục thể chất khác.
|
Toàn cảnh buổi Lễ khai giảng Lớp NCS ngành TDTT (2007 - 2010) (Ảnh: NTH) |
Theo TS. Đỗ Văn Nhượng, nguyên nhân chính cần nhìn nhận và có hướng giải quyết là hiện nay, theo học các lớp TS khá "chật vật", cả về thời gian, công sức cũng như tiền của. Những học viên theo học TS đều là những cán bộ đang đi làm, vì vậy thời gian nghiên cứu rất eo hẹp, phải học theo hình thức không tập trung; để hoàn thành một đề tài phải qua rất nhiều khâu, mà như vậy thì tốn kém, tốn công, tốn của... đó là những nguyên nhân khiến nhiều học viên không dám nghĩ tới việc học nâng cao.
Đã vậy, chỉ tiêu hàng năm dành cho NCS của Bộ quá ít so với nhu cầu thực tế. Nếu xét theo Đề án đào tạo 20.000 TS đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2007 thì mỗi năm sẽ đào tạo khoảng 2.000 TS và được chia đều cho tất cả các trường Đại học trên cả nước, khiến nhiều thí sinh không dám thi vì nghĩ rằng thi sẽ trượt...
Vấn đề này đặt ra cho các Nhà quản lý một câu hỏi. Vậy làm thế nào để ngày càng có nhiều cán bộ theo học các lớp nâng cao, giải quyết triệt để tình trạng "Đại học dạy Đại học" và tránh tình trạng một trường Đại học chỉ có 1 TS như hiện nay ? Thiết nghĩ, đây là một vấn đề hết sức phức tạp, đòi hỏi giải quyết bằng nhiều biện pháp đồng bộ song theo TS. Đỗ Văn Nhượng vấn đề mấu chốt vẫn là "chỉ tiêu".
Tại buổi Lễ, TS. Lê Đức Chương cũng đưa ra một khuyến cáo về việc cần thay đổi hình thức và nội dung học tập cho chương trình đào tạo TS nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học cũng như nâng dần tính khả thi mà mỗi đề tài NCS lựa chọn. Đặc biệt, việc trau dồi trình độ ngoại ngữ (cơ bản là Anh ngữ) sẽ có tác dụng tích cực trong quá trình nghiên cứu của các học viên.
Đây cũng chính là một trong những tiêu chí lựa chọn NCS theo hướng nâng dần chất lượng so với trước của Bộ. Trong thời gian tới, điều kiện để tuyển NCS sẽ không phải là kết quả thi mà xét theo năng lực giải quyết các đề tài NCKH của các ứng viên, các bài báo mà ứng viên được in trên các tạp chí khoa học có uy tín, trình độ ngoại ngữ qua các chứng chỉ quốc tế...
Thịnh Hường