Với chỉ tiêu tuyển sinh là 500 sinh viên, năm 2008, trường Đại học TDTT Tp Hồ Chí Minh sẽ tuyển sinh với 6 chuyên ngành đào tạo. Ngoài 4 chuyên ngành cơ bản vẫn đào tạo trong những năm trước (Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, Y sinh học TDTT và Quản lý TDTT), năm 2008, Nhà trường sẽ tuyển sinh vào 2 chuyên ngành nữa: Thông tin truyền thông thể thao và Thể thao giải trí.
2 chuyên ngành mới này được Nhà trường tuyển sinh do sự hợp tác, liên kết đào tạo giữa trường Đại học TDTT Tp Hồ Chí Minh với một số trường đào tạo về thể thao của Trung Quốc. Trong đó, chuyên ngành Thông tin truyền thông thể thao sẽ do trường Đại học Thể thao Thượng Hải đào tạo. Trong khoá đào tạo này, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức về báo chí, quảng cáo, làm phim, đạo diễn và quản lý thông tin trong lĩnh vực thể thao.
Thể thao giải trí - một lĩnh vực quản lý, kinh doanh thể thao mới mẻ, đã và đang được phát triển ở nhiều nước trên thế giới và phù hợp với tình hình phát triển của ngành TDTT nước nhà, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Việc phối hợp đào tạo chuyên ngành này giữa trường Đại học TDTT Tp Hồ Chí Minh và trường Đại học Quốc gia Trung Hoa Đài Bắc sẽ đáp ứng phần nào nguồn nhân lực với những yêu cầu của bối cảnh mới trong ngành TDTT. Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên học chuyên ngành này sẽ được trường Đại học Quốc gia Trung Hoa Đài Bắc cấp bằng tốt nghiệp. Sinh viên Thể thao giải trí sẽ được đào tạo về quản lý các trung tâm giải trí, spa, fitness center và tổ chức các CLB thể thao giải trí.
Sinh viên theo học 2 chuyên ngành mới này sẽ học 2 năm tại trường Đại học TDTT Tp Hồ Chí Minh còn 2 năm sau sẽ học tại trường bạn: Đại học Thể thao Thượng Hải và Đại học Quốc gia Trung Hoa Đài Bắc.
Bên cạnh việc mở rộng chuyên ngành đào tạo, năm 2008, trường Đại học TDTT Tp Hồ Chí Minh còn đào tạo môn Múa và Khiêu vũ thể thao. Đây là môn thể thao mới được phát triển ở Việt Nam song đã được đưa vào thi đấu ở nhiều giải quốc tế. Việc đào tạo môn thể thao này sẽ góp phần hiệu quả trong việc phát triển môn thể thao mang tính nghệ thuật cao.
Thiết nghĩ, việc hợp tác quốc tế nói chung, liên kết đào tạo nói riêng mà trường Đại học TDTT Tp Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện đã tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển TDTT nước nhà đặc biệt đối với những chuyên ngành TDTT mới đã phát triển trên thế giới mà Việt Nam chưa có điều kiện đào tạo, phát triển. Đây cũng được xem là một trong những hướng phát triển trong lĩnh vực đào tạo của ngành TDTT cần được nhân rộng và tiếp tục thực hiện.
Ngọc Khánh