Trường Đại học TDTT III Đà Nẵng: những đầu tư cơ bản trong quá trình hội nhập và phát triển

Nằm tại số 44 đường Dũng Sĩ Thanh Khê, quận Thanh Khê, Tp. Đà Nẵng, trường Cao Đẳng TDTT Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định nâng cấp thành trường Đại học TDTT III Đà Nẵng từ tháng 4/2007.

 Nằm tại số 44 đường Dũng Sĩ Thanh Khê, quận Thanh Khê, Tp. Đà Nẵng, trường Cao Đẳng TDTT Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định nâng cấp thành trường Đại học TDTT III Đà Nẵng từ tháng 4/2007. Từ lâu, nơi đây đã trở thành địa chỉ thân quen đối với biết bao thế hệ sinh viên từng học tập và rèn luyện dưới mái trường này. Để xứng đáng là một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện và nghiên cứu khoa học TDTT hàng đầu của Khu vực miền Trung và Tây Nguyên quả là một nhiệm vụ không dễ dàng, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian và công sức, nhưng với sự đoàn kết, nhất trí cao BGH, tập thể cán bộ, giảng viên Nhà trường đã, đang ngày đêm nỗ lực để sớm hoàn thành nhiêm vụ được giao.

Vào cuối thập kỷ 70, đầu những năm 80, do điều kiện đất nước còn khó khăn, trường mới được thành lập nên cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, nghèo nàn. Giảng đường là những căn nhà lá đơn sơ; trang thiết bị phục vụ cho học tập hầu như không có. Thầy và trò Nhà trường phải tự tạo ra các dụng cụ tập luyện như: xà, đào hố cát làm hố nhảy... đến nay, Nhà trường đã được xây dựng khang trang bề thế, với những công trình kiên cố.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của thời kỳ đổi mới, ngoài việc thực hiện tốt các Chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là Nghị quyết 14/NQ của Thủ tướng chính phủ về việc đổi mới cơ bản, toàn diện công tác đào tạo Đại học đến năm 2010; Những chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Nhà trường còn thực hiện nhiều giải pháp tích cực và đồng bộ như: đổi mới phương pháp giảng dạy, biên soạn giáo trình; không ngừng đổi mới và tổ chức chặt chẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh; xây dựng lộ trình và triển khai các bước thực hiện công tác đào tạo theo hệ thống tín chỉ; bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học...

Nét chuyển biến tích cực của công tác đào tạo trong những năm gần đây của Nhà trường đó là việc đổi mới phương pháp giảng dạy: với phương châm tạo cho sinh viên có sự chủ động, tích cực trong học tập; cải tiến phương pháp đánh giá chất lượng sát thực tế. Nhà trường, thực hiện nghiêm túc cuộc vận động "hai không" của Bộ Giáo và Đào tạo bằng việc thường xuyên tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra đánh giá kết quả học tập, thi kiểm tra hầu hết cá môn học. Do vậy hàng năm số sinh viên đạt loại khá giỏi chiếm tỷ lệ khá cao (35%). Bên cạnh đó, công tác giao lưu, mở rộng quan hệ quốc tế cũng luôn được quan tâm, Nhà trường đã ký kết hợp tác với trường Đại học Quảng Châu, trường Đại học Sư phạm Nam Kinh...

Song song với việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng giảng dạy, Nhà trường luôn quan tâm đến việc xây dựng và nâng cấp các cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo và đây chính là điều kiện quan trọng góp phần mang lại hiệu quả trong công tác đào tạo của Nhà trường. Việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ học tập được bổ sung hàng năm nhằm đảm bảo yêu cầu công tác giảng dạy, làm việc và sinh hoạt của cán bộ, giảng viên, sinh viên. Đặc biệt, được sự quan tâm của Uỷ ban TDTT (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) Nhà trường đã được đầu tư hơn 60 tỷ đồng cho việc nâng cấp, cải tạo và làm mới các nhà tập, sân bãi, đường chạy tổng hợp, bể bơi, nhà làm việc, giảng đường, thư viện, phòng học vi tính, ký túc xá sinh viên... đáp ứng được quy mô đào tạo từ 1.500 đến 2.000 sinh viên. Nhà trường đã lắp đặt hệ thống mạng nội bộ, trang bị và đưa vào sử dụng Thư viện điện tử; ứng dụng một số phần mềm trong hoạt động quản lý, bổ sung sách, tài liệu cho Thư viên và từng bước xây dựng Trung tâm Thông tin tư liệu TDTT; triển khai các hoạt động của Trung tâm ngoại ngữ, Tin học, đồng thời đưa vào sử dụng phòng học chất lượng cao...

Không dừng lại ở đó, căn cứ vào quy mô đào tạo hiện nay, Nhà trường tiếp tục có những đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng. Dự án xây dựng xây cơ sở II của Nhà trường tại phường Hoà Khánh Nam, Quận Liên Chiểu với diện tích 40ha, kinh phí giai đoạn 1 khoảng 170 tỷ đồng đã được Uỷ ban TDTT (trước đây) phê duyệt.

Với những đầu tư cơ bản và toàn diện, trường Đại học TDTT III Đà Nẵng sẽ đạt được những thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo và là nơi cung cấp nguồn cán bộ TDTT có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho khu vực miền Trung -Tây Nguyên nói riêng và trên cả nước nói chung.

Thu Thanh

 

Ảnh trong bài
  • Trường Đại học TDTT III Đà Nẵng: những đầu tư cơ bản trong quá trình hội nhập và phát triển