Cuộc cách mạng toàn cầu về công nghệ thông tin, truyền thông, Internet đang diễn ra mạnh mẽ, làm thay đổi cách thức sống, học tập, làm việc, vui chơi, giải trí và ngay cả việc quản lý quốc gia. Khái niệm Chính phủ Điện tử (CPĐT) đã ra đời trên cơ sở những tiến bộ công nghệ này. Ngay từ đầu những năm 1990, rất nhiều quốc gia đã tiến hành thực hiện cuộc cách mạng Chính phủ điện tử này.
CPĐT đơn giản là Chính phủ sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tăng cường khả năng truy cập và cung cấp các dịch vụ của Chính phủ tới các công dân, các doanh nghiệp và các nhân viên Chính phủ. Các dịch vụ của Chính phủ điện tử ở đây có thể được phân thành 2 nhóm chính:
Nhóm thứ nhất: Một là các dịch vụ giữa Chính phủ với công dân hoặc doanh nghiệp như cung cấp các thông tin trực tuyến chính xác, toàn diện về các luật lệ, quy chế chính sách và các dịch vụ trực tuyến về công chúng, đăng ký lập doanh nghiệp, đăng ký nhân khẩu...
Hai là các dịch vụ liên quan trong Chính phủ và các dịch vụ nội bộ từng cơ quan Chính phủ, được gọi chung là tác nghiệp Chính phủ, có thể kể đến việc quản lý, lưu trữ, khai thác, xử lý công văn tài liệu, các biểu báo, các chuẩn, thống kê...giúp cho Chính phủ có những quyết sách hợp lý.
Nhóm thứ hai là cơ sở, tạo điều kiện cho nhóm thứ nhất hoạt động hiệu quả hơn. Hai nhóm này có quan hệ biện chứng với nhau, cần xác định rõ mục tiêu để xác định phạm vi giải quyết từng nhóm ở mức độ phù hợp với yêu cầu công việc, hiệu quả kinh tế, nhưng luôn phải lấy người dân làm trung tâm.
Điểm nổi bật của Chính phủ điện tử là khi lấy người dân hoặc doanh nghiệp làm trung tâm, Chính phủ điện tử cung cấp các dịch vụ hiệu quả hơn trong cuộc sống, công việc, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, củng cố lòng tin đối với Chính phủ và từ đó, Chính phủ thu hút thêm được nhiều nguồn đầu tư cả trong và ngoài nước. Thông qua việc cung cấp các dịch vụ công tin cậy, một lượng lớn công nhân và doanh nghiệp lại trở thành khách hàng của Chính phủ. Qua đó, Chính phủ thu thuế, thu phí, tạo công ăn việc làm, phát triển tốt hơn các dịch vụ công và phát triển nền kinh tế đất nước.
Để hỗ trợ cho các dịch vụ công hoạt động tốt, bản thân bộ máy của Nhà nước cũng phải hoạt động hiệu quả hơn. Điều này có nghĩa cán bộ, ban ngành và chính quyền các cấp phải có hệ thống thông tin điện tử với các thông tin chính xác, thống nhất kịp thời...
Tuy nhiên, Chính phủ Điện tử ở đây không có nghĩa là điện tử hoá toàn bộ mô hình hành chính hiện có của Chính phủ, ngay cả khi nền hành chính đó được tạm coi là đã cải cách, bởi việc điện tử hoá chỉ xoay quanh và lấy mục tiêu là các dịch vụ chính quyền được cung cấp hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn đến người dân. Nguyên tắc xây dựng Chính phủ Điện tử là nhằm mục đích cung cấp tốt hơn các dịch vụ của Chính phủ đến người dân và việc điện tử hoá tổ chức bộ máy của chính quyền có thể được coi như là giải pháp.
NH tổng hợp từ TLBDQLCNTT